Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Liên hoan nhóm ca khúc “Chú ve con” lần thứ 19: Hun đúc lòng tự hào dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Tốp ca Hồn Việt của nhóm NTH9X
Với chủ đề “Hà Nội – Điện Biên vang mãi bản hùng ca”, Liên hoan nhóm ca khúc “Chú ve con” lần thứ 19 và đội hình cổ động lần thứ 4 là nơi để học sinh thể hiện niềm tự hào về quê hương, đất nước qua các ca khúc cùng những vũ điệu rộn ràng.
Liên hoan do Sở GD-ĐT TP.HCM và Công viên nước Đầm Sen phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc vào sáng 29-6 vừa qua.
“Thắp sáng” niềm tự hào
“Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong tiết mục Việt Nam ngày mới do nhóm NTH9X, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền thể hiện là một ý tưởng tuyệt vời. Có thể nói, các em đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước, bảo vệ chủ quyền bằng vũ điệu và lời ca tiếng hát, đó là sự thể hiện lòng yêu nước cũng như lòng tự hào dân tộc một cách tinh tế nhất”, ông Michel Kelly, một thương gia người Mỹ khi đưa con gái vào Công viên nước Đầm Sen xem đã không tiếc lời khen ngợi chương trình.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Trưởng ban tổ chức khẳng định, chương trình này là nơi các em học sinh thể hiện tài năng, nỗ lực tập luyện để có được một mùa hè thật sự bổ ích và vui tươi. Qua đó các em cũng thể hiện niềm tự hào là công dân của thành phố mang tên Bác.
Theo bà Thanh thì chủ đề “Hà Nội, Điện Biên vang mãi bản hùng ca” năm nay là một chủ đề thật sự có ý nghĩa. “Ngay trong ngày khai mạc, các em học sinh TP.HCM đã thể hiện những ca khúc nói lên sự hào hùng của dân tộc trong suốt quá trình lịch sử. Bởi lẽ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với 36 ngày đêm sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam. Và chúng ta cũng luôn luôn tự hào với chiến thắng của thủ đô Hà Nội trong ngày giải phóng đất nước. Niềm tự hào về Hà Nội, về Điện Biên để tuổi trẻ TP.HCM sống xứng đáng hơn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngày hôm nay, chúng ta tiếp tục thể hiện niềm tự hào ấy với việc giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương”, bà Thanh cho biết.
Ban giám khảo liên hoan cũng gồm những nhạc sĩ, ca sĩ và huấn luyện viên rất gần gũi với lứa tuổi học sinh như nhạc sĩ Phan Hồng Sơn (Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM), nhà giáo – ca sĩ Thùy Dương, nhạc sĩ Bùi Anh Tôn (Chuyên viên âm nhạc Sở GD-ĐT TP.HCM), anh Đinh Anh Tuấn (Phòng Thể dục thể thao, kỹ năng thực hành xã hội thuộc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM)…
Một sân chơi bổ ích

Cổ động viên dễ thương của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi
Em Nguyễn Thị Như Ý (nhóm Gió ngoại ô – Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) được khen ngợi là một thí sinh có phong cách trình diễn duyên dáng. Nét hồn nhiên cùng với chất giọng trong trẻo đã tạo điểm nhấn khi em thể hiện tiết mục đơn ca với nhạc phẩm Gọi tôi Hà Nội. Với Ý, mục đích của em khi đến với chương trình không phải là chuyện thắng hay thua, mà em mong muốn nhóm của mình cũng như các nhóm bạn đều được vào vòng trong của liên hoan. Theo nữ học sinh lớp 11 chuyên văn này thì liên hoan là một sân chơi bổ ích cho các trường giao lưu với nhau, đồng thời cũng là dịp ghi dấu ấn kỷ niệm đẹp trong thời còn cắp sách đến trường.
Còn với Đinh Vũ Hồng Ngọc (đội hình cổ động Tia chớp, lớp 10C3, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền), chương trình này đã cho em cơ hội để phát huy khả năng của bản thân. Từ một cô bé nhút nhát, sống khép kín, nay Ngọc bỗng trở nên hoạt bát, có nhiều bạn bè. Ngọc kể rằng các thành viên trong đội hình Tia chớp đã nỗ lực và tập luyện rất nhiều. Khi hỗ trợ cho tiết mục Việt Nam ngày mới, với vai trò là người cầm cờ Tổ quốc, Ngọc tự tin với gương mặt sáng ngời hạnh phúc. Ngọc xúc động nói: “Chúng em sẽ cùng nhau học tốt để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc mình”.
Liên hoan nhóm ca khúc “Chú ve con” lần thứ 19 thu hút 32 nhóm đến từ các trường THPT, trung tâm GDTX và 66 đội hình cổ động tham gia. Vòng loại diễn ra từ ngày 29-6 đến 3-8-2014. Vòng chung kết sẽ được tổ chức trong 4 ngày gồm: 9, 10, 16, 17-8-2014. Buổi chung kết xếp hạng và bế mạc vào ngày 31-8-2014.
Ở hàng ghế khán giả, bà Nguyễn Kim Anh, phụ huynh của một thí sinh là thành viên nhóm Chắp cánh, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi hết lời khen ngợi chương trình được tổ chức công phu, có nhiều tiết mục hay. Thay cho sự lo lắng khi thấy con gái cứ miệt mài tập luyện các tiết mục văn nghệ, lúc này bà Anh cảm thấy rất hài lòng, an tâm khi con mình tham gia vào một sân chơi lành mạnh, bổ ích và phát huy được năng khiếu nghệ thuật như thế.
“Không nơi nào có thể phát triển được năng khiếu của mình hơn khi biểu diễn ở những sân chơi cho chính bọn mình”, ca sĩ Võ  Hạ Trâm – cựu thành viên của nhóm ca học trò P.N (Trường THPT Phú Nhuận), từng đoạt giải “Giọng ca nữ xuất sắc” nhất Liên hoan “Chú ve con” 2009 cho biết: Theo Hạ Trâm, việc tham gia vào nhóm nhạc học trò chính là con đường ngắn nhất để đến với sân khấu chuyên nghiệp và nổi tiếng, đó cũng là một thực tế có thật nên các nhóm ca học trò có quyền mơ ước, hy vọng…
Bài, ảnh: Bích Vân
Thu hút ngay từ vòng đầu
Nhạc sĩ Phan Hồng Sơn (Trưởng ban Ca nhạc Đài Truyền hình TP.HCM, thành viên Ban giám khảo) cho biết: “Ngay từ buổi khai mạc, các nhóm ca đã làm cho Ban giám khảo rất bất ngờ khi dàn dựng những chương trình vô cùng sinh động, nêu bật được chủ đề “Hà Nội – Điện Biên vang mãi bản hùng ca”. Đặc biệt nhất là trình độ diễn xuất, trang phục, cấu tạo chương trình của các nhóm năm nay đồng đều rất đáng khen. Mặc dù đôi chỗ âm thanh chưa được tốt nhưng các nhóm vẫn giữ bản lĩnh sân khấu, hát hay, bè rất quyện. Nhiều nhóm đã mạnh dạn thử nghiệm các ca khúc mới nhưng các em vẫn biểu diễn với phong cách trẻ trung, hồn nhiên và dễ thương của tuổi học trò”. Riêng về đội hình cổ động, theo anh Đinh Anh Tuấn thì ghi nhận sự nhiệt tình cũng như sự chuyên nghiệp của các đội. Chính sự tham gia kỷ lục với 66 đội hình năm nay sẽ giúp cho liên hoan thêm nhiều màu sắc mới.
S.MINH
 
 

Bình luận (0)