Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: Những điều kiện cần và đủ?”: Đối tượng học sinh nào cũng được học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THCS Gò Vấp đang thực hành trong phòng máy vi tính được xây dựng hiện đại. Ảnh: P.N.Q

Theo tôi, xây dựng trường chất lượng cao (CLC) là theo xu thế của thời đại với mục đích tiếp cận nhanh với mô hình giáo dục trên thế giới. Đó là cách “đi tắt đón đầu” rất cần thiết để hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực.
Một trường CLC phải hội tụ những yếu tố nào?
1. Trước hết là khâu đội ngũ. Thầy cô phải có chất “tinh” tức là giỏi và hay. Nói cách khác là tay nghề vững, toàn tâm toàn ý với nhà trường, với sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra không thể không nói đến chế độ ưu đãi, đồng lương trả xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.
Còn đối tượng học sinh ở đây là ai? Chắc chắn không phải là con em nhân dân lao động mà là con em những gia đình trung lưu trở lên. Phải giải quyết ở tầm vĩ mô là tất cả con em nhân dân lao động đều được hưởng thụ. Hơn nữa trong điều kiện hiện nay rất khó thực hiện. Phải có kinh phí ban đầu để xây dựng trường và trang bị các phương tiện dạy học hiện đại chứ không chỉ là tên gọi. Môi trường học tập phải đầy đủ, hiện đại có thể nói “trang bị đến tận răng”. Học sinh không chỉ học mà còn hoạt động, có vui chơi, chơi để mà học. Các em được giao lưu với bạn bè nhiều nước và học sinh từ nơi khác đến có cơ hội trao đổi tiếp cận. Tức là phải có một chính sách đặc biệt với chế độ ưu đãi hơn.
Về chương trình, phải phù hợp với chương trình chung chứ không thể tách ra khỏi quỹ đạo giáo dục Việt Nam. Không thể một lúc tồn tại hai chương trình song song với nhau và khi chương trình dạy đã bị phân định thì hệ quả tất yếu là học sinh không đồng đều về chất lượng. Đó là chưa nói đến công tác tổ chức thi cử. Ngược lại, nếu hai loại trường học theo chương trình đại trà thì không thể gọi là trường CLC được. Ở đây rõ ràng có sự mâu thuẫn. Trường CLC không nên phân biệt học sinh giàu nghèo mà chỉ phân biệt về trình độ, em nào học giỏi thì được vào học. Thực tế hiện nay trường CLC ở TP.HCM chưa đáp ứng được điều đó.
Cuối cùng, người quản lý nhà trường phải có tầm chiến lược, trình độ tương xứng, biết học tập các mô hình ở nước ngoài và linh hoạt ứng dụng vào thực tế.
2. Đáp ứng được các yêu cầu đó, theo tôi nghĩ, chúng ta nên để các trường tư thục xây dựng mô hình trường CLC thì phù hợp hơn. Bởi vì trên thế giới, ở các nước tiên tiến các trường tư thục nổi tiếng thành công với mô hình trường CLC. Nếu trường công lập làm thì cũng không thể phát động theo kiểu đại trà mà mỗi quận huyện xây dựng1-2 trường là đủ.
Từ trước đến nay, trường công lập vốn xây dựng cơ sở vật chất từ nguồn ngân sách nhà nước nếu “chuyển hóa” thành trường CLC thì khi đó e rằng con em người lao động không có cơ hội vào đó học. Rõ ràng là có sự bất cập ở đây. Nếu được vào học thì các em cũng phải đóng nhiều khoản tiền cao ngoài “tầm tay” mà phụ huynh không thể nào với tới được. Và như vậy “con nhà nghèo” là đối tượng chịu thiệt thòi trước. Do đó chúng ta phải rạch ròi chỗ này, không thể lấy tài sản của Nhà nước lại phục vụ cho những người giàu.
Khi đã xây dựng được trường CLC thì điều chúng tôi mong muốn là phải cho học sinh nghèo có cơ hội vào học thông qua kỳ thi tuyển. Trường hợp nào khó khăn thật sự thì đưa ra chế độ miễn giảm…
Đỗ Văn Minh
(Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, TP.HCM)
 
LTS: Sau số báo này tòa soạn xin khép lại diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập: những điều kiện cần và đủ?”. Tòa soạn rất mong bạn đọc sẽ tiếp tục chia sẻ, đóng góp ý kiến qua các diễn đàn sau này.

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)