Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thả nổi chất lượng sách tham khảo

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng loạn sách tham khảo (STK) và nguy hiểm hơn là sai sót trong những cuốn sách dạng này.

 
Tuy nhiên, thị trường STK vẫn được xem là rất “béo bở” vì nhà xuất bản (NXB) nào cũng có thể đứng ra in STK mà không cần qua một quy trình thẩm định nào cả.
Theo tìm hiểu của PV tại một số nhà sách lớn ở Hà Nội, số lượng STK luôn gấp nhiều lần so với SGK. Cấp THPT đứng đầu về lượng STK hiện có với khoảng hơn 400 đầu sách khác nhau, tiếp đến là cấp THCS với gần 200 đầu sách, cấp tiểu học là hơn 100 đầu sách… Ngay như ở lớp 1, theo danh mục của Bộ GD-ĐT, bộ SGK gồm có 6 SGK và 8 cuốn bổ trợ.

 Sách tham khảo bày bán tràn lan trên thị trường – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ngữ văn và toán là những môn có số lượng STK nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Như Hương, giáo viên dạy văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), cho biết: “Số lượng STK của môn văn dành cho lớp 12 là… vô vàn, không thể đếm xuể. Điều đáng nói là chất lượng rất đáng lo ngại”.
Theo bà Hương, không thể không lo khi mà ngay cả STK của NXB Giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng có rất nhiều sai sót. Bà Hương dẫn chứng: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007-2008, Bộ GD-ĐT phối hợp với NXB Giáo dục xuất bản bộ sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên với môn ngữ văn thì sai sót về kiến thức trong từng bài rất nhiều. Tôi đã liệt kê được 23/37 bài có sai sót, trong đó có những bài sai về định hướng kiến thức trọng tâm cơ bản”. Bà Hương ngao ngán cho rằng: “NXB Giáo dục còn cẩu thả trong việc biên soạn STK như vậy nên các NXB khác chỉ chạy theo lợi nhuận mà không cần biết chất lượng ra sao là điều dễ hiểu”.
Trước thực trạng này, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), nói: “Tôi luôn phải rất thận trọng khi hướng dẫn cho giáo viên và học sinh của mình trong việc lựa chọn STK bởi cũng giống như một bữa ăn, dù là phụ cũng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dù là STK cũng phải đúng, nếu không sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng”.
Trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 12 về việc quản lý STK, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Riêng về STK trên thị trường, Bộ GD-ĐT không được phép quản lý vì những loại sách này được phát hành tuân theo Luật Xuất bản”.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT có yêu cầu hiệu trưởng trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường. Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện STK có sai sót lớn ảnh hưởng đến dạy và học thì cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục”.
Tuệ Nguyễn / TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)