Chỉ trong vòng một tuần qua, liên tiếp những ca bệnh do hậu quả của việc giám sát chưa chặt chẽ người cách ly, sau cách ly đã để dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh chóng ra cộng đồng.
Từ vài trường hợp đó đã kéo theo những chùm ca bệnh tại nhiều tỉnh khác nhau như: Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên, Đà Nẵng…, làm dấy lên những mối lo dịch bệnh bùng phát trên cả nước.
Mới đây nhất là chùm ca bệnh COVID-19 do lây nhiễm trong khu điều trị bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tại cơ sở Kim Chung. Đã có 61 trường hợp mắc COVID-19 từ ổ dịch tại bệnh viện này.
Một loạt những “lỗ hổng” từ y tế địa phương, tại các khu cách ly hay lây nhiễm chéo ở một số cơ sở y tế khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên thế giới đang bùng phát mạnh mẽ.
Dịch diễn biến nhanh và phức tạp
Hiện nay, đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt tàn phá nặng nề tại các nước xung quanh. Sau nhiều nỗ lực hết sức mình của cả hệ thống chính trị, sau nhiều ngày Việt Nam không có ca lẫy nhiễm trong cộng đồng, thì nay dịch đã xuất hiện ở một số địa phương, diễn biến nhanh và phức tạp. Ổ dịch COVID-19 tại Hà Nam với 20 ca bệnh, ổ dịch Vĩnh Phúc đã ghi nhận 25 ca, ổ dịch tại Yên Bái (liên quan đến chuyên gia nước ngoài): 5 ca; đặc biệt trong 4 ngày gần đây là ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã ghi nhận 61 trường hợp liên quan mắc COVID-19…
Tình trạng trên đe dọa cuốn trôi mọi thành quả, sự nỗ lực của cả hệ thống đạt được trong thời gian vừa qua… Trong khi đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, lâu dài và chưa thể khẳng định thời điểm hết dịch.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, qua phân tích một số trường hợp phát bệnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định thời gian qua, có tình trạng một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly nhiễm COVID-19. Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo.
Mắc dù theo quy định tại Công văn Số 425/CV-BCĐ đã được ban hành ngày 19/1/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 những người sau khi hoàn thành cách ly tập trung cần tiếp tục thực hiện cách ly tại nơi cư trú 14 ngày và phải được giám sát chặt chẽ. Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly tập trung về lưu trú và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày này.
Người hoàn thành cách ly phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.
Thế nhưng, mặc dù đã có quy định cụ thể, song việc giám sát cashc ly tại địa phương đã bộc lộ những "lỗ hổng" cho thấy vẫn còn quá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng người bị cách ly tại nơi cư trú vẫn có thể di chuyển và tiếp xúc với nhiều người, tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan nguồn bệnh ra cộng đồng mà chùm ca bệnh ở Hà Nam vừa qua là một ví dụ.
"Bỏ ngỏ" khâu giám sát ở địa phương
Thực tế cho thấy, chỉ tính từ ngày 27/4 đến nay, trong số các ca phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 ở trong nước, đã có những trường hợp sau khi kết thúc cách ly tập trung (đã hoàn thành 14 ngày cách ly, kết quả xét nghiệm 2-3 lần âm tính) nhưng khi trở về khu cư trú lại có kết quả xét nghiệm dương tính.
Đó là BN 2899 nhập cảnh từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 về sân bay Ðà Nẵng ngày 7/4. Ngày 22/4, bệnh nhân hoàn thành cách ly (3 lần xét nghiệm âm tính). Sau đó bệnh nhân từ Đà Nẵng trở về địa phương (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bằng ôtô khách.
Điều đáng nói là mặc dù quy định cách ly và theo dõi cách ly cho người từ nước ngoài về địa phương đã có và được quy định chi tiết, nhưng trường hợp trên sau khi về Hà Nam không có lực lượng y tế đến giám sát, để bệnh nhân hoạt động, đi lại tụ tập ở nhiều nơi. Ngày 24/4, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Điều tra dịch tễ cho thấy trường hợp BN2899 ở Hà Nam đi uống bia, đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người… Chính vì sự “vô tư” này đã khiến cho ổ dịch Hà Nam đến nay có đến 20 ca bệnh, riêng tại Hà Nam là 14 ca, lây lan sang Hà Nội (3 ca) Hưng Yên (2ca) và Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca).
Trước thực tế này, tỉnh Hà Nam đã họp về công tác phòng chống dịch, xem xét quy trách nhiệm, xử lý và kỷ luật những tổ chức, các nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam vừa có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc tỉnh đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch COVID-19 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, đồng thời cảnh cáo 3 cán bộ ở huyện này, gồm: Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân – ông Ngụy Cao Phi, chủ tịch UBND xã Đạo Lý – ông Phan Thanh Quỳnh và trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý – ông Lương Thanh Ngọc.
Ngoài hình thức kỷ luật cảnh cáo, ông Ngụy Cao Phi bị rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Lý Nhân nhiệm kỳ 2021-2026, ông Phan Thanh Quỳnh bị rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã Đạo Lý nhiệm kỳ 2021 – 2026 và không được tiếp tục giới thiệu ra ứng cử chức danh chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đạo Lý nhiệm kỳ 2021-2026.
“Lơi lỏng” trong khu cách ly
Trong khi đó, Khu cách ly trên địa bàn tỉnh Yên Bái lại có sự “lơi lỏng” về công tác kiểm soát y tế dẫn đến tình trạng lây bệnh trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng.
Cụ thể, vào ngày 17/4 đoàn chuyên gia Ấn Độ gồm 11 người cách ly tại Khách sạn Như Nguyệt 2, thành phố Yên Bái ghi nhận 4 ca dương tính và được đưa về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 cơ sở 2 để điều trị. Liên quan đến đoàn chuyên gia và thân nhân người Ấn Độ nhập cảnh về Yên Bái ngày 18/4/2021 có tổng cộng 5 người dương tính với virus SARS-CoV-2 (4 chuyên gia Ấn Độ và 1 người Việt Nam).
Cùng trong thời gian trên, đoàn chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam ngày 09/4/2021 và cũng cách ly tập trung tại Khách sạn Như Nguyệt 2. Đoàn chuyên gia trên sau khi hoàn thành cách ly tập trung đã di chuyển qua nhiều tỉnh, trong đó có 1 chuyên gia có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi làm thủ tục nhập cảnh từ Việt Nam về Trung Quốc.
Trong thời gian này, tại Khách sạn Như Nguyệt 2 chỉ phục vụ 3 đoàn chuyên gia cách ly tập trung; trong đó đoàn Ấn Độ và đoàn Trung Quốc ở 2 tầng liền nhau, chung 1 cầu thang lên xuống. Theo Bộ Y tế, nguồn lây nghi ngờ từ đoàn chuyên gia Ấn Độ…
Liên quan đến ổ dịch Vĩnh Phúc do lây lan bệnh từ chuyên gia Trung Quốc, đã ghi nhận tổng số 15 ca bệnh liên quan tại bao gồm: 14 ca tại Vĩnh Phúc (9 trường hợp liên quan tới quán Bar-karaoke Sunny gồm 6 nhân viên, 3 khách tới hát) và 5 trường hợp liên quan tới trung tâm chăm sóc sức khỏe Hoa Sen. Ngoài ra, 1 ca tại Hà Nội có liên quan dịch tễ khi ngồi gần 2 chuyên gia Trung Quốc (nhập cảnh cách ly ngay từ ngày 9-23/4/2021 tại tỉnh Yên Bái) trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng đến Hà Nội ngày 29/4/2021.
Ngày 2/5/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái để kiểm điểm trách nhiệm và tiến hành quy trình xử lý kỷ luật theo quy định do có vi phạm khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung tại Khách sạn Như Nguyệt 2, liên quan việc cách ly các chuyên gia nước ngoài.
Lây chéo tại "thành trì" vững chãi nhất
Một phòng tuyến thứ ba trong đợt dịch này bị "chọc thủng," đó là tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi xuất hiện các chùm ca bệnh lây chéo trong bệnh viện. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đặc biệt cơ sở 2 (Đông Anh) vốn được coi là "thành trì" của ngành y tế ở khu vực phía Bắc, nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân COVID-19 và đặc biệt điều trị các bệnh nhân nặng.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng lây chéo bệnh COVID-19 trong môi trường bệnh viện. Trước đó, việc lây nhiễm chéo đã từng xảy ra tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai (3/2020), Bệnh viện Đà Nẵng (7/2020).
Tính đến nay, liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã có 38 ca mắc COVID-19 tại bệnh viện và 23 ca bệnh COVID-19 rải rác tại 15 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Về việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để xảy ra lây nhiễm các ca bệnh COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết theo đánh giá của giám đốc bệnh viện, có thể lây giữa các khoa trong bệnh viện và cũng có thể lây từ người nhà bệnh nhân.
Cần nhanh chóng lấp các "lỗ hổng"
Phân tích về những điểm dịch bùng phát trong 1 tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Vừa qua Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Mặt khác, chúng tôi cũng đã đánh giá, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến trường hợp nhiễm bệnh sau 14 ngày cách ly tập trung. Sau khi trao đổi với các cơ quan, chuyên gia, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày.”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng thẳng thắn chỉ rõ qua sự việc cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có một số bài học được rút ra; trong đó môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong bệnh viện cần phải đánh giá và rút kinh nghiệm nghiêm túc để triển khai quyết liệt hơn.
Bên cạnh đó, khâu bàn giao người hết thời hạn cách ly giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi người hết cách ly cư trú hiện còn yếu và cần phải có giải pháp khắc phục triệt để. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương đồng thời quy định với những người sau khi cách ly tập trung, phải tiếp tục giám sát và theo dõi sức khỏe người cách ly thêm 7 ngày.
Bộ Y tế cũng đã nâng tần suất xét nghiệm (có thể lên 4-5 lần) trong quá trình cách ly để đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh bệnh viện là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm nên nguy cơ rất cao. Do vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao cũng như triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.
Mặt khác, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là “5K+ vaccine” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này./.
Bình luận (0)