Theo thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, ngày 15-10 sẽ chính thức áp dụng việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Nhưng vẫn còn nhiều giáo viên băn khoăn, lúng túng xung quanh việc này.
Một tiết luyện viết của học sinh lớp 1/1 Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tập huấn giáo viên, chuẩn bị thực hiện, ông Phạm Ngọc Định – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT – cho biết:
– Thông tư này khắc phục những bất cập của thực tiễn vừa qua và tiếp cận với xu thế đánh giá hiện đại của các nước phát triển, yêu cầu các cán bộ quản lý và giáo viên cần phải nâng cao năng lực hơn.
Để giúp các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo thông tư 30, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho khoảng 1.600 cán bộ, quản lý, giáo viên cốt cán của các tỉnh, thành trên cả nước.
Giáo viên cốt cán dự lớp tập huấn của bộ sẽ có trách nhiệm tập huấn và theo dõi, hỗ trợ giáo viên tại các trường tiểu học địa phương.
Đồng thời, các đợt tập huấn của bộ đã được truyền hình trên tv.edu.net.vn để giáo viên cả nước cùng tham gia.
* Trong các đợt tập huấn, ông thấy có những khó khăn, vướng mắc gì nảy sinh từ thực tiễn được giáo viên nêu lên? Bộ GD-ĐT đã giải đáp và có hướng tháo gỡ khó khăn như thế nào?
– Mục đích của tập huấn không chỉ là hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên mà Bộ GD-ĐT cũng cần lắng nghe ý kiến từ cơ sở, tiếp nhận những băn khoăn, thắc mắc của giáo viên để có giải pháp chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, có như vậy thì thông tư mới có thể thật sự đi vào đời sống.
Chúng tôi cũng rút ra bài học quan trọng nhất trong chỉ đạo là trước hết phải cùng nhau thay đổi nhận thức và quyết tâm thì sẽ có cách làm cụ thể, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Các đợt tập huấn chỉ đem lại kết quả khi giáo viên, cán bộ quản lý thực hành trên công việc, họ cần có thời gian học tập cùng nhau trên chính công việc của mình.
Bước đầu tiên để thay đổi nhận thức là phải suy ngẫm, trao đổi, lắng nghe để cùng hiểu rõ vấn đề, sau đó là phải thực hành mới hiểu rõ, đầy đủ và biết làm một cách hiệu quả.
Chẳng hạn với câu hỏi: “Chỉ nhận xét, không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên sẽ khiến học sinh lơ là, thiếu động lực học tập?”.
Qua trao đổi, học viên không còn băn khoăn nữa vì đã nhận rõ: động lực bên trong (hứng thú học tập vì nội dung học tập hấp dẫn, có ích với đời sống làm cho các em tò mò, thích tìm hiểu; học sinh hiểu được nội dung thì tự tin, say mê sáng tạo…) có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng giáo dục; động lực bên ngoài (được điểm cao, những lời khen, phần thưởng…) có tác dụng làm cho động cơ bên trong trở nên mạnh mẽ hơn.
Chính vì vậy, việc đổi mới đánh giá thường xuyên bằng nhận xét để tập trung hình thành động lực bên trong, cách đánh giá này giúp giáo viên đổi mới cách dạy, giúp học sinh học được, thích học và học tốt hơn.
Việc dùng phần thưởng để khuyến khích học sinh cũng cần thiết nhưng nếu lạm dụng sẽ dẫn đến những sai lệch trong động cơ học tập của học sinh.
Học viên cũng thống nhất: nhận xét có thể bằng lời nói hoặc là viết, giáo viên vận dụng một cách linh hoạt.
Điều quan trọng là giáo viên phải dựa vào nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được của học sinh với chuẩn kiến thức, kỹ năng; cân nhắc các đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh… của học sinh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, khích lệ được học sinh, làm cho các em thấy hứng thú học tập, đồng thời còn phải tư vấn, hướng dẫn giúp các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục; hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn, khuyến khích phụ huynh tham gia đánh giá học sinh.
Với câu hỏi “Làm thế nào để giáo viên bộ môn, giáo viên chuyên biệt có thể nhận xét chu đáo tất cả học sinh mình đảm nhiệm dạy học?”, điều băn khoăn này của giáo viên là có cơ sở thực tế nhưng các học viên lớp tập huấn cũng đã thấy rằng có những học sinh gặp phải hoàn cảnh đặc biệt mong muốn sự chia sẻ thông cảm, giúp đỡ nhưng chưa được giáo viên quan tâm cụ thể.
Với giáo viên, việc hỗ trợ có thể rất đơn giản nhưng với các em lại là việc lớn, đôi khi là cả thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực với cuộc đời các em.
Vì vậy mỗi giáo viên dù dạy một lớp hay 22 lớp, dạy 500 hay 1.000 học sinh, thì mỗi em đều phải được giáo viên quan tâm đánh giá hỗ trợ cụ thể, nhưng không nhất thiết phải là sự quan tâm đồng đều giữa các học sinh.
Từ trước tới nay giáo viên vẫn phải đánh giá học sinh và ghi vào sổ theo dõi đánh giá. Bây giờ giáo viên chỉ cần nhận xét cụ thể hơn với từng học sinh, học sinh nào cũng được giáo viên quan tâm hỗ trợ đánh giá cụ thể, không được bỏ quên em nào.
* Theo phản ánh từ thực tế, hiện có nhiều nhà trường, giáo viên vẫn cố ý làm trái quy định của Bộ GD-ĐT trong việc ép học sinh học thêm, đưa các sách tham khảo nâng cao vào chương trình chính khóa, dạy không đúng kế hoạch dạy học khiến học sinh bị áp lực, phải học trước, học thêm bên ngoài…
Với tình trạng “làm ngơ quy định của cơ quan quản lý nhà nước” như trên thì liệu việc đổi mới đánh giá học sinh có được đảm bảo? Việc chế tài giáo viên không thực hiện đúng quy định có được đặt ra không? Các mức chế tài thế nào?
– Nếu cứ lo các nhà trường không chịu làm, không đổi mới các quy định liên quan tới việc dạy học, để những bất cập tồn tại thì không nên, mặc dù có sai phạm, khuyết điểm ở chỗ này chỗ khác là không tránh khỏi và có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đối với việc đổi mới đánh giá học sinh, khi ta chuyển sang một cách làm mới thì cần có sự tập huấn, điều chỉnh và giám sát, hỗ trợ, thực hiện chặt chẽ và rút kinh nghiệm sau một thời gian thực hiện. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT phải có kế hoạch chỉ đạo, tập huấn, giám sát chặt chẽ việc này.
Nếu để xảy ra việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm ở một địa phương, lãnh đạo sở, người phụ trách bậc học ở sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm; xảy ra ở một trường, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm; xảy ra ở một lớp, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm chính.
Quan trọng nhất vẫn là nhận thức, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý. Tôi hi vọng tất cả chúng ta chung tay góp sức thực hiện việc đổi mới đánh giá ở tiểu học nói riêng và đổi mới giáo dục nói chung sẽ thành công.
Đừng yêu cầu tất cả học sinh phải giỏi giống nhau
Từ trước tới nay chúng ta chỉ coi trọng việc đánh giá kết quả cuối mỗi giai đoạn học tập nên đã quá coi trọng điểm số mà quên mất rằng điểm số cũng có thể không đánh giá chính xác học lực vì nó còn phụ thuộc vào đề thi, vào tâm trạng học sinh lúc làm bài…
Cũng không nên nghĩ rằng việc làm sao để giúp học sinh học tốt, phát huy hết khả năng của mình quan trọng hơn việc phân loại, so sánh các học sinh.
Vì vậy, hãy bớt coi trọng và giảm số lần cho điểm số, hãy đừng yêu cầu tất cả học sinh phải giỏi giống nhau, hãy đừng áp dụng một biện pháp giống nhau cho tất cả học sinh vì mỗi em có một khả năng riêng không ai giống ai.
Tôi tin vào ý thức trách nhiệm cũng như năng lực sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, của các cấp quản lý giáo dục. Thực tế kết quả từng bước đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học những năm qua đã chứng minh niềm tin của tôi.
VĨNH HÀ thực hiện
(TTO)
Bình luận (0)