Bà có cái tên khá đẹp – Huỳnh Thị Liễu, nhưng người dân khu vực chợ Tân Định, đường Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân (Q.1) vẫn quen gọi bà là “bà Tư Rác”.
1. Năm nay bà đã 81 tuổi và có trên 40 năm làm nghề đổ rác. Dường như thời gian chỉ chạm đến vẻ ngoài chứ chưa ảnh hưởng đến giọng nói sang sảng và sức khỏe của bà. Người dân ở khu vực này đã quen cái cảnh một bà già còm nhom, chỉ cao 1m45, đẩy chiếc xe rác 300kg, mỗi sáng, mỗi chiều đến từng nhà lấy rác, kêu lớn: “Rác nghe! Rác nghe!”.
Hồi nhỏ, bà sống ở Bình Quới, do nhà quá nghèo nên học đến lớp 4 phải nghỉ để theo má làm ruộng. 20 tuổi, bà lập gia đình nhưng không lâu sau người chồng bội bạc bỏ đi, để lại cho bà ba đứa con. Bà vẫn tiếp tục làm ruộng, nuôi những đứa con còn thơ dại bữa đói bữa no.
Bà kể: “Gạo, thức ăn phải mua chịu, đến cuối tháng trả một lần, đầu tháng lại mua chịu”. Một người hàng xóm thấy bà cực khổ quá đã xin cho vào Ty Vệ sinh Sài Gòn, làm công nhân quét rác. Bà còn nhớ chính xác ngày đầu tiên đi làm là ngày 20-2-1966. Bà nói về “nghiệp quét rác” của mình thật đơn giản: “Người ta đã cố xin cho mình vào sở làm, nếu mình bỏ ngang là phụ lòng tốt. Cứ nghĩ vậy là tôi ráng làm”. Vậy là bà quét rác một lèo đến ngày 1-5-1986 thì đủ tuổi hưu, nhưng lại không được cấp sổ hưu do sự tắc trách của cơ quan chủ quản. Cũng may bà còn được nhận 2,4 triệu đồng, mà theo bà nhờ đó mấy mẹ con mới có một căn nhà cấp bốn để có chỗ chui ra chui vào. Căn nhà bây giờ đang trong diện giải tỏa nhưng bà vẫn vui vì đã cầm được “sổ đỏ”: “Cho dù bị đuổi khỏi chỗ này thì cũng còn được đền bù để mua nhà chỗ khác, vậy là còn may mắn hơn những người phải ngủ dưới mái hiên nhà người ta”.
2. Sau khi nghỉ hưu, bà mua một chiếc xe ba gác để “làm chủ” nghiệp đổ rác, dân trong các khu phố lại ủng hộ bà bằng việc để rác cho bà thu gom và mỗi tháng trả 10.000 đồng. Bà nói như tâm sự với chính mình: “Mình chữ nghĩa không rành, giờ này còn theo nghề đổ rác để kiếm sống, phải chịu cực để có tiền cho con cháu học hành, không bằng người ta thì cũng phải bằng phân nửa, đừng để chúng khổ như mình”. Khi tôi hỏi làm việc cực khổ như vậy thì bà coi đồng tiền lớn hay bé, bà cho biết: “Mồ hôi mình nhỏ trên đường theo bánh xe rác, nên phải nhìn đồng tiền cho lớn để biết cách xài”.
Suốt cuộc trò chuyện, bà không một lần nói về cái nhọc nhằn của tuổi cao phải bươn chải trên đường mà chỉ nói về con, về cháu với niềm tự hào. Bà khoe: “Thằng lớn làm công nhân trong Xưởng Ba Son, đứa kế thì làm ở Dệt Việt Thắng, con út làm cô nuôi dạy trẻ ở Trường Mầm non Sơn Ca 9 Q.Phú Nhuận, có bằng A, bằng B, rồi bằng C tiếng Anh, ngồi vô cái máy vi tính là “mần” được hết. Có một đứa cháu giờ làm kế toán, lâu lâu cũng ngồi xe hơi máy lạnh như ai …”.
3. Bà nói về mình: “Ông trời cho mình khỏe đến đâu thì làm đến đó, còn không thì ở nhà có gì ăn nấy. Mình có công ăn việc làm còn sung sướng hơn những người buôn gánh bán bưng phải chịu nắng mưa, lúc ế, lúc đắt. Mình chỉ bỏ công để có tiền nuôi con là sướng”. Nhiều người hỏi bà, đã hơn 80 tuổi sao không nghỉ mà còn đi gom rác chi cho cực, bà nói tếu: “Tại tôi ghiền mùi rác”. Nói vui vậy chớ ai cũng biết bà cố gắng làm để cho con cháu đỡ khổ, như bà nói: “Mình làm nuôi mình thay vì con mình phải nuôi, để số tiền đó cho cháu đi học, thoát khỏi cái cảnh “Con vua rồi lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Mới đây bà có một người “giúp việc” là anh con trai làm ở Xưởng Ba Son, bị tai nạn lao động phải nghỉ, ngày ngày theo bà chạy chiếc xe chở rác mà bà đã cho “lên đời”: ba gác máy. Lịch làm việc của “bà chủ nhỏ” Huỳnh Thị Liễu là 5 giờ sáng ra chợ Thanh Đa lượm vỏ dừa để chụm nồi cám cho heo, 6 giờ sáng cùng con trai đi thu rác từng nhà trên các con đường Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân, Đặng Dung, chiều ra chợ Tân Định quét dọn, nhặt rau củ hư về cho heo ăn.
Minh Phương
Bình luận (0)