Với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào đã được Bộ GD-ĐT công bố, hy vọng nguồn tuyển cho những trường ĐH, CĐ khó tuyển ở năm trước sẽ “dồi dào” hơn vì được mở rộng thêm một mức và chấp nhận nhân hệ số môn chính khi xét tuyển.
Năm nay các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay thế “điểm sàn” – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Phân tốp các trường đại học
Điểm sàn áp dụng từ năm 2004 đến năm 2013 với một mức điểm duy nhất dành cho từng khối thi và không nhân hệ số. Điểm sàn cho bậc ĐH và CĐ chênh nhau 3 điểm (trừ năm 2013 khối D chênh đến 3,5 điểm). Theo mức điểm sàn quy định, hằng năm có khoảng gần 50% thí sinh dự thi đủ điều kiện và có thể tham gia xét tuyển vào các trường.
Với một mức điểm duy nhất này, nhiều năm qua đã hình thành một quá trình “phân tầng tự nhiên” các trường ĐH thành 3 tốp: Những trường/ngành có điểm chuẩn cao và không phải xét tuyển bổ sung hoặc tuyển thêm rất ít (dưới 10% chỉ tiêu, chủ yếu chuyển thí sinh không trúng tuyển từ ngành này sang ngành khác). Tốp trường có điểm chuẩn trung bình, phải tuyển bổ sung khoảng 30 – 50% chỉ tiêu từ thí sinh không trúng tuyển vào các trường tốp trên. Tốp trường có điểm chuẩn thấp, dao động ở mức bằng điểm sàn hoặc phải tuyển bổ sung hơn 50% chỉ tiêu từ các thí sinh không trúng tuyển vào các trường tốp trên.
Như vậy việc dự kiến có 3 – 4 mức điểm xét tuyển cơ bản trong kỳ tuyển sinh 2014 là định lượng hóa sự phân tầng dựa trên thực tế kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ từ nhiều năm qua, trong đó mức điểm thấp nhất sẽ dành cho bậc CĐ.
Tăng số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển ?
Những năm trước đây, chỉ có các thí sinh có tổng điểm thi không nhân hệ số từ mức điểm sàn của khối thi trở lên mới được xét tuyển vào các trường. Trong năm 2014, theo quy định, các trường được phép xét tuyển thí sinh có kết quả thi đạt từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính). Như vậy số lượng thí sinh đủ điều kiện xét tuyển có thể tăng nhiều hơn nếu trường “vận dụng” tiêu chí nhân hệ số.
Giả sử mức xét tuyển cơ bản thấp nhất của khối A được quy định là 13. Một thí sinh có điểm thi môn toán là 5,5, lý 4, hóa 3, như vậy tổng điểm 3 môn thi chưa nhân hệ số là 12,5 điểm. Theo quy định “điểm sàn” như những năm trước đây, thí sinh này không được xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, nếu năm nay nhà trường chọn toán là môn chính và nhân hệ số 2 thì tổng điểm thi của thí sinh này sẽ là 18 điểm. Nếu trường ấn định điểm chuẩn xét tuyển là 18 thì giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển (18/4 = 4,5) lớn hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản (13/3 = 4,33) và thí sinh này sẽ trúng tuyển.
Như vậy, với những điều chỉnh tuyển sinh của năm 2014, ngoài số học sinh được xét tuyển thẳng dựa trên kết quả học và thi tốt nghiệp THPT, dự đoán sẽ có thêm khoảng 10% thí sinh đủ điều kiện xét tuyển so với năm trước (chỉ 50% như phân tích ở trên).
Lưu ý về dữ liệu
Hãy thử áp dụng các mức điểm dự kiến cho năm nay vào kỳ tuyển sinh 2013 đã qua, chúng ta sẽ thấy có nhiều lưu ý cần thiết.
(*) đã có tính điểm ưu tiên (Thống kê điểm thi 2013)
Ngoại trừ khối B, tất cả các khối khác lẽ ra đều phải có mức điểm sàn thấp hơn mức đã công bố 0,5 điểm mới có đủ 50% tổng số thí sinh dự thi. Như vậy, tính ra có khoảng gần 40.000 thí sinh mất cơ hội xét tuyển. Phải chăng chính mức điểm sàn hơi cao này góp thêm phần thiếu nguồn tuyển cho nhiều trường trong năm 2013?
Với thực tế “phân tầng tự nhiên” đã nói trên, chắc chắn các trường cũng tiếp tục quá trình này bằng cách chọn mức điểm xét tuyển cơ bản phù hợp với thực tế của nhà trường, do vậy cũng không phải quá lo có trường xé rào. Rõ ràng phải có một chặng dưới (mức 4) để đảm bảo sự phân luồng cho hệ thống giáo dục sau THPT, rất cần thiết để duy trì chất lượng và số lượng cho đào tạo CĐ, TCCN và TC nghề.
Cần nhớ, dữ liệu tuyển sinh hết sức quan trọng để làm căn cứ định lượng cho việc xác định các mức điểm xét tuyển cơ bản. Phải xác định chính xác số lượng thí sinh thực sự đi thi và có điểm thi. Số liệu tuyển sinh những năm qua chưa thống nhất lắm, đôi khi làm nhiễu thông tin và đưa đến các quyết định chưa phù hợp với thực tế.
|
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa – ĐH Quốc gia TP.HCM (TNO)
Bình luận (0)