Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Công tác đào tạo sau đại học tại Đại học Đà Nẵng

Tạp Chí Giáo Dục

Với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục – Đào tạo giao, trong đó có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội, những năm qua, Đại học Đà Nẵng đã liên tục tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ cho các tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước, qua đó cũng đồng thời nâng cao uy tín, thương hiệu của nhà trường và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
Từ sự nỗ lực của các học viên…
Có mặt tại buổi Lễ tổng kết và trao bằng tiến sỹ, thạc sỹ khóa 17, 18 tại Đại học Đà Nẵng hôm 12 tháng 8 vừa qua, chúng tôi thực sự xúc động khi nghe các thầy và trò phát biểu, ôn lại quá trình tham gia đào tạo và học tập của họ. Anh Phan Thăng An (hiện là Bí thư huyện ủy Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)- học viên xuất sắc được nhận bằng thạc sỹ kinh tế lần này đại diện cho 394 học viên nhận bằng tốt nghiệp tại buổi lễ bộc bạch: "Thành quả hiện nay mà chúng tôi đạt được trước hết phải nói đến sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo ân cần của các thầy, cô là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ… và nhiều cán bộ quản lý khác công tác tại Đại học Đà Nẵng. Trong quá trình đào tạo, các thầy, cô tại Đại học Đà Nẵng với phương châm giúp đỡ, hướng dẫn là chính đã từng bước cung cấp cho mỗi học viên cao học và nghiên cứu sinh những phương pháp tự nghiên cứu hợp lý. Đây là nền tảng vô cùng quan trong cho mỗi chúng tôi sau khi tốt nghiệp".
 
 Các học viên cao học Đại học Đà Nẵng
tại lễ tổng kết, trao bằng tốt nghiệp ngày 12/8 vừa qua
Cho biết về quá trình học tập cao học tại Đại học Đà Nẵng, anh Phan Thăng An không ngần ngại đề cập đến những khó khăn của mình và nhiều học viên khác. Theo anh, cái khó nhất đó là mỗi học viên tham gia học tập sau đại học hầu hết đang làm công tác quản lý, lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức… nên thời gian dành cho học tập, nghiên cứu rất khó khăn. Trong khi đó, yêu cầu đầu tư cho học tập sau đại học rất cao, không phải ai cũng theo kịp. Tuy nhiên, một lợi thế mà các học viên ở đây có được là sự kèm cặp, giúp đỡ nhiệt tình và đầy trách nhiệm của các thầy cô. Thông qua đó, các học viên phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm của người cán bộ, công chức, người đảng viên…. để ra sức học tập.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Võ Xuân Tiến- Ban Đào tạo sau đại học, Đại học Đà Nẵng cho rằng: đào tạo sau đại học là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đòi hỏi bản thân người học không chỉ vững ở kiến thức nền tảng, sự thông minh, sáng tạo mà còn  là sự quyết tâm, kiên trì. Thực tế trong thời gian qua, nhiều học viên tham gia các chương trình học tập sau đại học tại Đại học Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn, bởi họ vừa phải làm việc (lãnh đạo, quản lý, kinh doanh…) vừa phải tham gia đầy đủ các buổi học tập, trao đổi, thảo luận, nghiên cứu thực tế để hoàn thành các chương trình đào tạo theo quy định. Đặc biệt, nhiều học viên lớn tuổi, có người đảm trách các vị trí chủ chốt ở các tổ chức, đơn vị nên ít nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vượt bậc của mình, họ đã có gắng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, vừa vượt qua thách thức của cuộc sống thường nhật để theo đuổi chương trình đào tạo và đạt kết quả đáng tự hào…
Đến những thành quả đạt được…
Theo báo cáo của Ban Đào tạo sau đại học, Đại học Đà Nẵng, hiện nay Đại học Đà Nẵng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh 28 ngành cao học và 17 chuyên ngành nghiên cứu sinh (học tại Đà Nẵng); đồng thời liên kết với một số địa phương tổ chức tuyển sinh cao học như: Nha Trang, Quy Nhơn, Đắk Lắk, Kon Tum, Trà Vinh. Theo PGS.TS Võ Xuân Tiến, trên cơ sở quy chế và các yêu cầu khác mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, trong số 28 chuyên ngành đào tạo cao học hiện nay của đơn vị, phần lớn các ngành thuộc khối kinh tế- kỹ thuật.
Mặt khác, với xu hướng xây dựng Đại học Đà Nẵng thành đại học nghiên cứu nên khung ngành đào tạo và số lượng tuyển sinh hàng năm được tăng cường. Riêng trong năm học vừa qua, Đại học Đà Nẵng cũng đã tăng thêm 4 ngành đào tạo sau đại học để đáp ứng như cầu của người học, đó là các ngành: Cầu- hầm (Xây dựng); Văn học Việt Nam; Triết học; Xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp và một ngành nghiên cứu sinh (Tiến sỹ) là tự động hóa.
Cũng theo số liệu báo cáo của Ban Đào tạo sau đại học, Đại học Đà Nẵng, năm nay đơn vị này tiếp tục tuyển sinh các chương trình cao học và xét tuyển nghiên cứu sinh khóa mới (khóa 24). Đây cũng là năm học Đại học Đà Nẵng áp dụng mức tuyển sinh đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép là tăng 25% học viên sau đại học.
Về số học viên đã tốt nghiệp, PGS.TS Võ Xuân Tiến- Ban Đào tạo sau đại học, Đại học Đà Nẵng cho biết, chỉ tính riêng đợt tốt nghiệp mới nhất vừa qua (diễn ra vào ngày 12/8/2011), bên cạnh 02 nghiên cứu sinh được nhận bằng tiến sỹ  thì số học viên tốt nghiệp đối với các ngành cao học (thạc sỹ) thuộc các khóa 16, 17 và 18 là 394 học viên; trong đó có 10 học viên của khóa 16, 145 học viên khóa 17 và 239 học viên khóa 18. Cũng theo PGS. TS Tiến thì trong tổng đô 394 học viên tốt nghiệp này, số học viên tốt nghiệp loại khá là 241 học viên (chiếm 61%), 92 học viên loại giỏi (chiếm 23%) và 49 học viên xuất sắc (chiếm 12%); ngành có học viên nhận bằng đông nhất là Tài chính Ngân hàng (73 học viên).
 
Đông đảo các học viên cao học tham dự Lễ tổng kết
 và trao bằng tốt nghiệp sau đại học tại Đà Nẵng ngày 12/8/2011
Phát huy kết quả đã đạt được, theo kế hoạch của Đại học Đà Nẵng, năm học tới đây, trường sẽ tiếp tục làm tốt công tác đào tạo sau đại học nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao cho các địa phương khu vực miền Trung- Tây nguyên và cả nước. Trước mắt, Đại học Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo 20.000 tiến sỹ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các cơ sở đào tạo. Theo PGS.TS Võ Xuân Tiến, Đại học Đà Nẵng sẽ phấn đấu thật xứng đáng là một trong những đơn vị chủ lực để hoàn thành Đề án nêu trên./.
Theo Đình Tăng
(ĐCSVN) 

Bình luận (0)