Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nguồn tuyển giáo viên: Thừa hay thiếu?

Tạp Chí Giáo Dục

Những người quan tâm đến tình hình giáo dục hiện nay chắc không thấy khó hiểu về sự “tuột dốc không phanh” trong đầu vào tuyển sinh sư phạm.
Theo các phương tiện truyền thông đại chúng những ngày gần đây, hầu hết các trường đại học (ĐH) địa phương, ĐH vùng đều lấy điểm chuẩn ngành sư phạm bằng mức điểm sàn mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Thậm chí, có những nơi đa số thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử nhưng điểm thi môn này chỉ từ 0,5 đến 3 điểm, cá biệt có trường hợp chỉ 0,25 điểm.
Giải thích tình trạng sụt giảm này, các chuyên gia giáo dục đưa ra một số nguyên nhân: tiền lương cho giáo viên (GV) quá thấp; đầu ra ngành sư phạm lại cực kỳ khó khăn, ít cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Ở An Giang, chỉ có 1.100/1.400 hồ sơ tuyển dụng GV các cấp được giải quyết. Còn ở Đồng Tháp, chỉ tính riêng bậc THPT, tỷ lệ này càng thấp hơn: 90/890 hồ sơ, nghĩa là “khoảng 800 SV tốt nghiệp ĐH Sư phạm chưa biết đi đâu về đâu” (Tuổi Trẻ, 23/9/2011).
Trước tình hình chung như vậy, phải nói là đáng ngạc nhiên khi được biết tại TP.HCM, “những năm gần đây luôn thiếu GV do các trường sư phạm trên địa bàn thành phố đào tạo theo xu hướng đa ngành, chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm nên nguồn tuyển GV các trường cũng giảm”, như ý kiến của đương kim giám đốc Sở GD-ĐT. Ý kiến này được nguyên giám đốc Sở tán thành và phân tích: “Khi làm đề án nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM lên ĐH, Sở tham mưu nâng cấp thành Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Tuy nhiên Bộ
GD-ĐT chỉ cho phép thành lập trường ĐH đa ngành chứ không thành lập trường chuyên ngành sư phạm. Nếu có trường chuyên đào tạo sư phạm thì nguồn cung cấp GV cho thành phố sẽ dồi dào hơn, tình trạng thiếu GV sẽ không dai dẳng như hiện nay”.
Theo chúng tôi được biết, những năm gần đây, số lượng thí sinh thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có giảm nhưng chỉ tiêu đào tạo và số SV tốt nghiệp của trường này hầu như không giảm. Trường ĐH Sài Gòn tuy là trường đa ngành, nhưng vẫn tuyển sinh đào tạo GV sư phạm cho cả hai cấp trung học cơ sở và THPT. Vì vậy, nếu trên thực tế có tình trạng thiếu nguồn tuyển GV, thì có lẽ phải tìm những nguyên nhân khác: sự phát triển của mạng lưới trường lớp – cả công lập, dân lập và tư thục – để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao; những điều kiện để được tuyển làm GV trường công lập quá khó; sự chênh lệch giữa các trường công lập, dân lập và tư thục về mức độ đãi ngộ…
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng GV, chúng tôi thử đề nghị một vài giải pháp để các cấp có thẩm quyền cân nhắc:
Một, hàng năm Sở GD-ĐT TP công bố sớm và rộng rãi nhu cầu tuyển dụng cho năm học tới: số lượng GV, ngành chuyên môn, địa điểm công tác và trường nào đang có nhu cầu. Với một thông báo cụ thể như vậy, người SV tốt nghiệp sẽ có đủ thông tin để cân nhắc và quyết định nộp hồ sơ xin tuyển dụng. Việc này thật ra Sở đã làm, nhưng cần công khai hơn nữa trên các phương tiện truyền thông đại chúng để SV quê ở các tỉnh cũng được biết. Cần quan niệm rằng GV, cũng như kỹ sư, bác sĩ…, là những người có tay nghề cao. TP.HCM là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn, chỉ có thể phát triển vững chắc trên cơ sở một nền giáo dục có chất lượng tốt. Thành phố phải biết sử dụng tối ưu các nguồn nhân lực đa dạng đang hội tụ trên địa bàn. Nếu mở rộng diện SV được tuyển dụng, thành phố sẽ có được một đội ngũ GV có trình độ, thay vì phải chấp nhận những SV cả đầu vào và đầu ra đều thấp như hiện nay.
Hai, hiện nay, ngoài các trường sư phạm, các trường ĐH đa ngành, kể cả ĐH dân lập, vẫn đào tạo ra những cử nhân có kiến thức và kỹ năng tốt về các môn cơ bản. Nhiều SV tốt nghiệp các ngành này có nguyện vọng và khả năng dạy học, họ dành thời gian học tập để có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm sau khi tốt nghiệp. Sở GD-ĐT nên quan tâm mở rộng nguồn tuyển dụng đến cả số SV này. Thực tế đã chứng minh, nhiều SV các trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn… làm nghề giáo không thua kém gì so với SV ĐH Sư phạm.
Ba, để khuyến khích SV ra trường về dạy học ở các huyện ngoại thành, thành phố cần có lời hứa chắc chắn và thực hiện đúng lời hứa với họ: thời gian mà họ phục vụ tối thiểu ở đó là bao lâu trước khi được chuyển về nội thành? Đó là chưa kể việc cải tiến chính sách đãi ngộ đối với nghề giáo mà lâu nay nhiều người đã đề nghị nhưng hầu như chưa có chuyển biến.
Theo Huỳnh Như Phương
(PNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)