Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cải thiện để đón vốn FDI mới

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia, điều VN cần làm là tạo sự an tâm cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp VN có được vị thế đối trọng với nhà đầu tư nước ngoài.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động - Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics VN, Bắc Ninh - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động – Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics VN, Bắc Ninh – Ảnh: TRẦN VŨ NGHI

Sức ép cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa VN và các nước trong khu vực ngày càng lớn khi kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục. Chi phí kinh doanh, chi phí lao động thấp hơn… tiếp tục là lợi thế cạnh tranh của VN.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều VN cần làm lúc này là tạo sự an tâm cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp VN có được vị thế đối trọng với nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp tục chọn VN

Đúng một năm sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào Bắc Ninh, Công ty TNHH Samsung Display – một pháp nhân độc lập trực thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) – đã rót tiếp 3 tỉ USD để đầu tư thêm, trở thành dự án có mức đầu tư lớn thứ hai tại VN của Tập đoàn Samsung.

Chuyên sản xuất các loại màn hình công nghệ cao dành cho những thiết bị di động, từ AMOLED cho đến OLED (màn hình cong), Samsung Display hiện cung cấp cho chính Khu tổ hợp công nghệ cao Thái Nguyên (SEVT) lẫn Khu tổ hợp công nghệ cao Bắc Ninh (SEV) để hai tổ hợp này có đủ “nguyên liệu” chạy hết công suất sản xuất thiết bị di động do nhu cầu tăng rất mạnh.

Trước đó, tập đoàn sản xuất điện tử lớn thứ ba trên thế giới của Hoa Kỳ là Jabil đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP.HCM, trong đó cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) trong thời gian tới. Đại diện tập đoàn này cho biết đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định này, do bị thuyết phục bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường VN thời gian qua.

Theo bà Hoàng Thị Tuyết Mai – giám đốc đối ngoại P&G VN, sự tăng trưởng nhanh chóng của VN với tư cách là một nền kinh tế mới nổi đã giúp VN vượt qua nhiều quốc gia khác trong khu vực để giành được dự án nhà máy chuyên sản xuất dao cạo Gillette 100 triệu USD của tập đoàn, đưa tổng số vốn đầu tư của tập đoàn này tại VN lên 360 triệu USD.

“So với P&G Philippines có 80 năm hoạt động hay Indonesia gần 22 năm, ưu thế lớn nhất của VN là sự ổn định môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và sự hỗ trợ của chính quyền, cơ chế bảo hộ doanh nghiệp nước ngoài, hành lang pháp lý được cải thiện, an ninh và nguồn nhân lực” – bà Mai nhận xét.

Rẻ thôi là chưa đủ

Chỉ trong hơn năm năm gần đây, Samsung đã rót hơn 14 tỉ USD đầu tư vào VN. “Người Hàn Quốc không muốn bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, và cũng muốn giảm thiểu rủi ro cho chính họ khi các vấn đề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật đã không còn an toàn tại đó. Vốn đổ vào VN một phần cũng vì lý do này” – một nguồn tin từ Samsung chia sẻ.

Vị này cũng khẳng định khả năng Samsung sẽ tiếp tục đổ vốn vào VN vẫn còn, bởi động thái rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok chi nhánh TP.HCM, cho biết đã thuyết phục nhà đầu tư Thái Lan rằng VN đang là nơi thu hút mạnh dòng vốn FDI, nếu các doanh nghiệp Thái đến đầu tư sẽ có cơ hội mở rộng hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới đang đầu tư tại VN.

“Nhưng nếu VN vẫn chỉ dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ, chỉ sau 10 năm nữa những dự án này sẽ tiếp tục chạy qua Campuchia, Myanmar – nơi giá nhân công sẽ rẻ hơn VN” – ông Tharabodee Serng-Adichaiwit cảnh báo.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka – giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại (JETRO) tại TP.HCM, những lợi thế chi phí nhân công rẻ, chất lượng lao động cao, ưu đãi thuế… sẽ không thể kéo dài mãi nếu môi trường đầu tư không thay đổi.

Hiện nay số các dự án đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào VN có tăng lên nhưng vốn đăng ký giảm đi. Theo JETRO, số vốn đầu tư từ Nhật giảm có nguyên nhân khách quan là đồng yen giảm giá, nhưng đó chỉ là một trong nhiều lý do.

“Dù môi trường kinh doanh, đầu tư VN đang được cải thiện dần, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính tinh gọn hơn, luật cũng cởi mở hơn, nhưng tôi thấy có một số doanh nghiệp lớn của Nhật vẫn còn e ngại về sự ổn định của các chính sách ban hành ở VN, còn nhiều rủi ro… Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ VN cũng chưa thật sự phát triển đã ảnh hưởng đến quá trình mở rộng của nhà đầu tư do vẫn còn phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài” – ông Hirotaka nói.

Cần môi trường kinh doanh thuận lợi

Trong một khảo sát triển vọng kinh doanh Đông Nam Á, thực hiện bởi Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Singapore vào tháng 5-2015, các nhà đầu tư Hoa Kỳ lựa chọn Indonesia ở vị trí đầu tiên và Myanmar ở vị trí thứ ba, trong khi VN đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, VN đã giành được thêm nhiều đánh giá tích cực về các khía cạnh như chi phí kinh doanh và chi phí lao động thấp hơn, chi phí nhà ở và thuê văn phòng giảm.

Theo Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM, các chi phí thiết yếu như nhân công, điện, nước của TP.HCM thấp hơn so với những thành phố lớn khác của các nước trong khu vực.

Chẳng hạn, chi phí cho đội ngũ lao động giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề và có trình độ ngoại ngữ như nêu trên tại TP.HCM cơ bản khoảng 440 USD/người/năm, rẻ hơn phân nửa so với mức lương trả cho lao động tại Quảng Châu (Trung Quốc). Chi phí điện khoảng 0,09 USD/kWh, chi phí nước khoảng 0,43 USD/m3; các chi phí này thấp hơn 2 – 3 lần so với thủ đô Manila của Philippines, TP Quảng Châu của Trung Quốc.

Theo TTO

Bình luận (0)