Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nỗi niềm trường “tuyến dưới”

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa tuyển sinh đầu cấp THPT đã khép lại. Bên cạnh các trường có điểm chuẩn cao ngất ngưởng, có những trường phải “chật vật” tuyển sinh bổ sung đến hai, ba đợt mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Đối với giáo viên các trường “tuyến dưới”, lúc này cuộc chiến thật sự mới bắt đầu ngày càng cam go, gian khổ hơn.
Sẵn tâm lý muốn “gần đèn thì sáng”, từ khi một đứa bé được sinh ra, bố mẹ chúng đã bắt đầu tham gia cuộc chạy đua giáo dục dài đằng đẵng và mệt mỏi. Từ mẫu giáo đã phải rồng rắn xếp hàng giữa đêm khuya để con được vào trường chuẩn, tiểu học phải chạy đôn chạy đáo để được một suất vào trường điểm, lớp chọn. Như vậy không có lý gì khi chúng lớn, các bậc phụ huynh lại không mong muốn cho con được vào các trường “tuyến trên”. Thêm vào đó, chính quy định tuyển sinh lớp 10 không phân tuyến trong năm năm trở lại đây đã phân hóa rõ rệt các trường THPT.
Đẳng cấp trường thể hiện rõ nhất ở điểm tuyển sinh: trong lúc điểm chuẩn các trường tuyến trên thường xấp xỉ 50 thì các trường tuyến dưới lại thấp đến mức có thể: miễn không có điểm chết là được. Đầu vào cao (gấp hơn 10 lần) thì đương nhiên đầu ra cũng phải cao tương ứng. Chính đầu vào chứ không phải chất lượng đào tạo đã quyết định kết quả dạy học của mỗi trường. Thậm chí giáo viên các trường “tuyến dưới” còn phải tốn nhiều công sức hơn, bởi hiệu quả cuối cùng là tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp cũng được so sánh bình đẳng với các trường “tuyến trên”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được như thế. Không chỉ phụ huynh mà cả học sinh đều cho rằng giáo viên các trường “tuyến trên” chắc hẳn phải giỏi hơn. Không ít phụ huynh vô tâm đã bộc bạch với giáo viên cái sự đáng tiếc khi để con mình phải học ở trường này. Nhưng nếu tôi là vị phụ huynh kia thì tôi cũng không yên tâm cho con mình học ở đây, dẫu rằng rất hiểu trình độ chuyên môn của mình và đồng nghiệp.
Số học sinh được tuyển sinh theo kiểu “vơ vét” cho đủ số lượng kia không chỉ yếu về văn hóa mà cả ý thức cũng kém. Đối với giáo viên chúng tôi, công việc nặng nhọc nhất là dạy khối 10 và còn kinh khủng hơn nếu kiêm thêm chủ nhiệm. Nhiều em thậm chí còn chưa viết đúng tiếng Việt, kể cả tên mình (nếu có dấu hỏi, ngã hoặc chữ X, S, N, NG…). Thường xuyên, chúng tôi nhận được những “Giấy xinh phép”: “mông” thầy cô cho em “nghĩ” buổi học…, em “xinh” hứa “xẽ” học bài và làm bài…
Ngoài ý thức kém, nhiều em cứ tin chắc rằng bệnh dốt của mình là “vô phương cứu chữa rồi” nên không hề lo lắng cho việc học hành. Nhiều lúc bất lực, chúng tôi nói đùa với nhau rằng lớp học như một game show và các em học sinh “đến đây với tinh thần giao lưu, vui là chính”. Đừng nói đến việc nộp tiền đi học thêm, trường chúng tôi tổ chức những lớp dạy miễn phí mà cũng chẳng mấy học sinh đi học.
Lớp học ở “trường tuyến dưới” không chỉ yếu về văn hóa mà còn rất lộn xộn, bát nháo vì bao giờ cũng đông hơn số học sinh quy định từ 5-7 em. Giáo viên có ba đầu sáu tay cũng đành “bó tay” trước hơn 50 em học sinh mỗi lớp. Tại sao lớp học lại phải đông như vậy? Vì rất nhiều phụ huynh chưa chịu bỏ cuộc trong cuộc chạy đua vào trường “tuyến trên”. Cho con học tạm “trường tuyến dưới” chẳng qua chỉ là một bước đệm, đợi kết thúc học kỳ 1 sẽ lại “chạy” cho con chuyển trường. Sau mỗi học kỳ, lớp học lại vắng thêm những em học sinh khá nhất vì đa số các trường “tuyến trên” chỉ chấp nhận cho học sinh hạnh kiểm tốt, học lực khá chuyển trường. Chất lượng đã kém nay càng kém hơn.
Nạn “chạy trường” biết khi nào mới chấm dứt? Và ngành giáo dục biết bao giờ mới thực hiện được chủ trương xóa dần khoảng cách về trình độ học sinh giữa các trường, tạo cho các em môi trường giáo dục thật sự bình đẳng?
Theo Minh Thư
(TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)