Hàn Quốc là một trong những quốc gia đạt điểm cao nhất trong Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Để có thành tích đó là kết quả của những ngày dài học tập vất vả.
Hye-Min Park là học sinh 16 tuổi sống ở quận Gangnam giàu có của thủ đô Seoul, nơi có ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Psy. Một ngày học tập của em là một ngày tiêu biểu của học sinh Hàn Quốc.
Mỗi sáng em dậy từ 6h30, có mặt ở trường lúc 8h, tan học lúc 16h (hoặc 17h nếu sinh hoạt câu lạc bộ) và trở về nhà ăn tối. Sau đó, em đi xe buýt tới lớp học thêm hoặc trường tư buổi tối và học từ 18h đến 21h.
Sau ca học buổi tối, em ở lại trường 2 giờ để tự học rồi mới về nhà vào lúc 23h. Hye-Min Park thường đi ngủ lúc 2h sáng và lại thức dậy vào 6h30 để bắt đầu một ngày học mới.
Giáo viên giảng bài tại một trường tư ở Seoul. Ảnh: Lee Jae Won |
Với lịch học dày đặc, Hye-Min cho biết thường xuyên thấy mệt mỏi nhưng mỗi khi thấy kết quả thi em lại quên đi những mệt nhọc đó vì kết quả thật tốt.
Em nói cũng muốn ngủ nhiều hơn nhưng phải vượt qua điều đó. Muốn có bằng cấp tốt để theo đuổi nghề nghiệp mơ ước là làm giáo viên, em cần học tập chăm chỉ và bản thân cũng thích học những điều mới.
Học thêm
Hye-Min không phải là trường hợp hy hữu. Đối với học sinh Hàn Quốc, đến trường học 2 ca các ngày trong tuần là tất cả cuộc sống của các em. Các bậc phụ huynh Hàn Quốc chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho con đi học thêm. Họ không mời gia sư đến nhà dạy mỗi tuần 1-2 buổi mà đăng ký cho con học ở các trường tư có quy mô lớn (gọi là hagwon).
Có gần 100.000 hagwon ở Hàn Quốc và khoảng ba phần tư học sinh cả nước đi học ở hagwon. “Hàn Quốc có rất ít tài nguyên thiên nhiên, chúng tôi cũng không có nhiều đất đai. Nguồn lực duy nhất chúng tôi có là con người. Vì vậy bất cứ ai muốn thành công đều phải nổi bật hơn người khác. Là mẹ, tôi không thoải mái khi Hye-Min phải học học hành vất vả, nhưng chỉ như vậy con bé mới đạt được ước mơ”, cô Hwang Yoon nói, mẹ của Hye-Min, nói.
Các bậc phụ huynh ở Seoul cầu mong cho con cháu vượt qua kỳ thi. Ảnh: BBC |
Được và mất
Sáu học sinh 15-16 tuổi từ trường Trung học Ga-rak làm thử bài thi toán trong kỳ thi lấy Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông (GCSE) được sử dụng ở cả các nước phương Tây phát triển khác. Các em làm xong bài thi chỉ trong một nửa thời gian. Bốn em trong số đó trả lời đúng 100%, hai em còn lại chỉ sai một câu.
Kết quả này khiến ngay cả bộ trưởng giáo dục ở các nước phát triển như Anh, Mỹ… phải thán phục và cố gắng xây dựng chương trình học, thi theo mô hình của Hàn Quốc.
Đầu tư lớn cho giáo dục đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng kỳ diệu từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên từ 60 năm trước. Họ đã xây dựng lại đất nước hoàn toàn dựa vào lao động vất vả của người dân.
Tuy nhiên, thành công của Hàn Quốc cũng phải trả giá đắt. Áp lực khủng khiếp từ học tập và công việc khiến đất nước này có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước OECD.
Trong số người chết dưới 40 tuổi, tự tử là nguyên nhân phổ biến nhất. Chính phủ hiểu áp lực này và năm 2008 đã đặt ra quy định các hagwon chỉ được mở cửa tới 22h với hy vọng giúp lấy lại cân bằng.
Giáo sư Ju Ho Lee, cựu Bộ trưởng Giáo dục, cho biết học tập căng thẳng có lẽ phù hợp khi Hàn Quốc còn là nước đang phát triển, nhưng bây giờ cần có chiến lược mới.
“Điểm thi có thể là quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, nhưng ngày nay không còn quan trọng nữa. Vì vậy, Hàn Quốc cần tìm hướng cải cách hệ thống giáo dục, không dựa trên điểm số mà dựa trên sự sáng tạo, năng lực xã hội và trí tuệ cảm xúc”, giáo sư Lee nói.
Theo Minh Hiền/ VNE
Bình luận (0)