Các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2012
Theo ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD-ĐT, năm 2012, tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản Bộ GD-ĐT gần 930 tỷ đồng. Với số vốn này, Bộ sẽ cơ bản không bố trí dự án mới mà tập trung vào các dự án đã triển khai, có khả năng hoàn thành trong năm 2012. Bộ GD-ĐT sẽ ưu tiên triển khai thực hiện đề án xây dựng các trường đại học xuất sắc, trong đó có ĐH Việt-Đức, ĐH KHCN Hà Nội; tập trung cho các dự án ĐH đã phê duyệt nhưng chưa có vốn để thực hiện, trong đó ưu tiên các vùng khó khăn; triển khai thực hiện đề án ký túc xá ĐH-CĐ để giải quyết khoảng 200.000 chỗ ở cho sinh viên.
|
Sinh viên khoa Công nghệ & Quản lý môi trường trường Đại học Văn Lang thực tập trong phòng thí nghiệm. Ảnh: MAI HẢI
|
Cũng trong năm 2012, Bộ sẽ di dời một số trường ĐH-CĐ từ nội thành TP Hà Nội và TPHCM đến các khu quy hoạch. Mục tiêu là từ năm 2012-2015, di chuyển khoảng 200.000 sinh viên trong nội thành Hà Nội và khoảng 350.000 sinh viên trong nội thành TPHCM. Bộ yêu cầu các trường ĐH phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển trường (đến nay mới có 11/38 trường thuộc quản lý của Bộ được phê duyệt quy hoạch); các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh 2012 phù hợp với năng lực của mình
Đề nghị tăng học phí
Tại hội nghị, hầu hết các trường đều kêu khó vì nguồn kinh phí Nhà nước được cấp quá ít ỏi. Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Đinh Xuân Khoa nói, trường không dám cử cán bộ đi hội thảo, hội nghị vì không có tiền. ĐH Thái Nguyên và nhiều trường khác cùng chung đề nghị cho tăng học phí để bảo đảm chất lượng đào tạo. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đối với các trường sư phạm, vì đây là nơi đào tạo các giáo viên, có yếu tố quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT.
PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cũng lo lắng, năm 2012 kinh phí chi thường xuyên không tăng, nên “trường không biết lấy đâu ra tiền để trả lương. Đề nghị cần trao quyền tự chủ cho các trường, vì hiện nay mới chỉ trao một nửa”, bà Quỳ đề xuất. Theo bà Quỳ, cần nhất là được tự chủ trong tăng nguồn thu và không nên trao tiền cho các trường mà nên trao cơ chế, để các trường dễ xoay xở, theo đó cần cho các trường một cơ chế mềm để tự chủ tài chính.
Hầu hết lãnh đạo các trường ủng hộ chủ trương giảm chỉ tiêu đào tạo không chính quy nhưng đề nghị bộ nên giữ ổn định chỉ tiêu chính quy. Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng để bảo đảm thu nhập cho giảng viên, Bộ nên để các trường giữ ổn định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ giảm chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm. Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết ĐH Xây dựng là một trong số hiếm hoi ĐH mạnh dạn giảm chỉ tiêu tuyển sinh (từ 3.500 sinh viên/năm xuống 2.800 sinh viên/năm) để có thể nâng cao chất lượng đào tạo
Không thể chạy theo tăng chỉ tiêu
Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết năm 2012 tình hình khó khăn nhưng Chính phủ đã khẳng định sẽ không cắt giảm chi cho giáo dục, nhưng cũng không thể tăng thêm đồng nào, để đầu tư tiếp phải tìm các nguồn khác.
Hiện nay Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính đang xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, sẽ hoàn thành trong quý 1-2012. Cơ chế này sẽ có nhiều thay đổi, trong đó xác định rõ cơ chế cho sư phạm, các ngành mũi nhọn, sẽ không còn tình trạng đầu tư dàn đều các trường, các ngành như hiện nay.
“Học phí đã được Chính phủ quy định rõ mức trần đối với 3 nhóm ngành đào tạo, các trường chủ động xây dựng học phí theo khung đó. Nếu thấy thấp, kiến nghị để Chính phủ trình Quốc hội”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết. Đồng thời yêu cầu các trường đại học rà soát, chấn chỉnh tình trạng lạm thu.
Về vấn đề xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng kiên quyết, cần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên chất lượng tăng trưởng. Các trường phải giải quyết vấn đề chất lượng năm sau cao hơn năm trước, chứ không phải chỉ là vấn đề tìm cách để nâng cao thu nhập cho giảng viên. Phải bảo đảm chất lượng đào tạo, không thể chạy theo tăng chỉ tiêu.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu xem xét lại việc nâng cấp các trường CĐ lên ĐH theo hướng cấu trúc lại hệ thống trường ĐH-CĐ bảo đảm chất lượng đào tạo, chấn chỉnh để hệ thống ĐH-CĐ cân đối trở lại. Ngành giáo dục vẫn chú ý số lượng nhưng chú trọng chất lượng, không phát triển ào ào. “Vì vậy, hội nghị tuyển sinh 2012 tới đây không chỉ bàn đổi mới tuyển sinh mà còn bàn về việc cấu trúc lại hệ thống ĐH-CĐ, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thu nhập giảng viên trên cơ sở chất lượng chứ không phải là số lượng”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kết luận.
Theo THÀNH VINH
(sggp)
Bình luận (0)