Công trình Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa dự kiến đặt tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một công trình được xây dựng từ tấm lòng thành kính của hàng triệu trái tim người Việt.
Người dân TP.HCM xem trưng bày phương án thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa
Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa là công trình tỏ lòng thành kính và biết ơn những người con đất Việt bảo vệ Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam. Dự kiến công trình sẽ được xây dựng trong năm 2016 tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trên diện tích từ 1,5ha đến 2ha. Công trình còn góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Công trình bồi đắp lòng yêu nước
Từ ngày 12 đến 17-12-2015, tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM diễn ra Trưng bày triển lãm phương án thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Đây là cuộc thi do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ tháng 7 năm nay. Mục đích của cuộc thi nhằm tuyển chọn phương án thiết kế tốt nhất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức, bảo đảm tính khả thi, bền vững, đạt giá trị giáo dục lịch sử và thẩm mỹ cao, từ đó triển khai lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật thi công công trình. Ngoài trưng bày, Ban tổ chức còn lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về các phương án thiết kế. Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ tại buổi triển lãm: Mỗi ý kiến đóng góp của Nhân dân là một tấm lòng với Hoàng Sa. Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng từ nguyện vọng của cán bộ, viên chức, người lao động cả nước và kiều bào nước ngoài. Nên việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ Nhân dân là thật sự cần thiết.
Thông tin từ Ban tổ chức, tính đến cuối tháng 11-2015 có 21 cá nhân, tập thể đã gửi 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng các công trình. Theo đánh giá của giới chuyên môn, các phương án thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa phản ánh khá rõ nét lịch sử ngàn đời gìn giữ và bảo vệ biển đảo của dân tộc. Các đồ án được chọn triển lãm, lấy ý kiến đóng góp lần này là Vọng Hoàng Sa (Công ty Thiết kế kiến trúc và cảnh quan Thủy Anh); Người mẹ thắp lửa – Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hy vọng (Công ty CP Thiết kế đầu tư BĐS Việt Tín); Hành trình ký ức (Công ty Tư vấn thiết kế KTS); và Quá khứ bi tráng – Lồng lộng tương lai (Công ty Thiết kế TAD). Dự kiến trong thời gian tới, Ban tổ chức sẽ chọn ra một phương án để trình cơ quan có thẩm quyền duyệt và đưa vào thực hiện theo lộ trình.
Sức mạnh trong đau thương
Mỗi phương án thiết kế thể hiện lòng yêu nước, hướng về tổ tiên của triệu triệu trái tim người Việt, dù đang sống nơi cùng trời cuối đất, hay ở bên kia nửa vòng trái đất. Người dân đến xem triển lãm, ai nấy cũng ngậm ngùi với lời dẫn trong đồ án Vọng Hoàng Sa: “Vọng Hoàng Sa là nơi vọng ngóng của những người ở nhà đến người thân phương xa. Là nơi vọng về của người thân, máu mủ ruột thịt, đồng bào, đồng chí mỗi ngày trên biển. Là nơi vang vọng vinh quang tổ tiên và những người con đã hy sinh trong hành trình xây dựng gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Là hy vọng và niềm tin nuôi giữ cho thế hệ mai sau về chủ quyền biển đảo không thể tách khỏi đất nước… Ngày nay ở Lý Sơn có hàng triệu người dân Việt Nam đoàn kết, một lòng ở Vọng Hoàng Sa xây niềm tin, hóa hành động chờ ngày phần đất máu thịt quê hương trở về đất mẹ”.
Hay như trong Hành trình ký ức, thông điệp đưa ra là hành trình ra khơi khởi đầu với niềm tin và hành trình trở về cũng với niềm tin. Phương án thiết kế này còn có Quảng trường Niềm tin – là hình ảnh tổng thể của một phù điêu thể hiện hàng loạt đợt sóng dữ nhằm mô tả nỗi bất trắc, cam go của những chuyến ra khơi, của những trận chiến và của những mất mát đã và đang còn đó. Tuy nhiên trong chính những con sóng dữ ấy là hình ảnh của thế hệ người Việt đan xen, từ trong lịch sử (tạo hình nhân vật lịch sử như lạc hầu, cờ lau, áo vải, cờ đào, thuyền câu hải đội Hoàng Sa) và đến ngày nay, tất cả quyết tâm một lòng, hướng về phía mũi Vọng, phía Hoàng Sa.
Và nhiều phương án khác, với thiết kế đơn giản nhưng ấn tượng, nuôi dưỡng thông điệp và niềm tin sắt đá, hy vọng thắp sáng niềm tin. Đặc biệt là những nội dung tái hiện đoàn hùng binh Hoàng Sa một thuở; hành trình trở về quá khứ để biết trân trọng quá khứ, tiếp bước cha ông trong hành trình đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
“Từ trong đau thương ta có sức mạnh” là ý nghĩa của hầu hết các phương án thiết kế Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)