Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kỳ vọng giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những vấn đề “nóng” nhất của lĩnh vực GD-ĐT trong năm 2011 được dư luận đặc biệt quan tâm hy vọng năm mới sẽ có sự đột phá. 
 
Đủ trường lớp cho trẻ
Mùa tuyển sinh đầu cấp năm 2011, không biết lần thứ bao nhiêu, phụ huynh thủ đô Hà Nội có con trong độ tuổi mầm non phải xếp hàng trắng đêm mong mua được một tờ đơn xin học vào trường mầm non công lập. Lời hứa phụ huynh sẽ không phải xếp hàng như trên để tìm chỗ học cho con nhiều năm nay vẫn chưa được thực hiện. Theo thống kê, cả nước vẫn thiếu 26.886 phòng học (tính theo quy định số lượng trẻ em/lớp của Điều lệ trường mầm non), việc thiếu trường diễn ra trầm trọng nhất ở Hà Nội và TP.HCM.
 

Chi thường xuyên cho giáo dục hơn 4,8 nghìn tỉ đồng
Bộ GD-ĐT cho biết năm 2012, dự toán chi thường xuyên là hơn 4.832 tỉ đồng, tăng 15,1% so với năm 2011; chi đầu tư phát triển khoảng 930 tỉ đồng, tăng 3,5%. Trong năm 2011, chi thường xuyên cho GD-ĐT đạt hơn 3.063 tỉ đồng. Trong đó, đào tạo sau ĐH chiếm 98,4 tỉ đồng; đào tạo ĐH, CĐ 1.559,5 tỉ đồng; đào tạo TCCN, dạy nghề 32,8 tỉ đồng; giáo dục phổ thông chuyên, năng khiếu 32 tỉ đồng; đào tạo lại cán bộ, công chức 6,1 tỉ đồng…

Giáo viên sống được bằng lương
Năm qua, ngay trong ngày khai trường, hàng loạt giáo viên mầm non xã Mậu Lâm, H.Như Thanh, Thanh Hóa đồng loạt nghỉ dạy vì chế độ phụ cấp quá thấp, không thể giúp họ trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Điều này khiến dư luận một lần nữa trăn trở về đồng lương và chế độ phụ cấp đối với giáo viên.
 
Theo nhiều nhà quản lý ngành giáo dục, lương không đủ sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Cảnh tượng trẻ em vừa chân ướt chân ráo vào lớp 1, học cả ngày ở trường mà buổi tối, ngày nghỉ vẫn phải cắp cặp đến nhà cô học thêm không còn hiếm.
 
Chấm dứt dạy thêm và loạn thu sai quy định
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm này, sẽ tiến hành các giải pháp mạnh để hạn chế, đi đến chấm dứt việc dạy thêm sai quy định. Nếu học sinh và phụ huynh muốn học thêm, giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký với nhà trường. Trường đứng ra tổ chức, phân công giáo viên và trực tiếp tổ chức thu chi tài chính, giáo viên không được tham gia vào việc thu nhận học sinh và tiền của học sinh.
 
Mặc dù Bộ hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng loạn thu các khoản phí ngoài quy định trước khi bước vào năm học mới, tuy nhiên năm vừa qua cho thấy, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra tràn lan từ nông thôn đến thành thị với mức thu cao hơn các năm trước. Tuy vậy, việc Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có quy định rõ rất nhiều khoản không được phép thu, khiến mọi người hy vọng đây là giải pháp hiệu quả chấm dứt tình trạng lạm thu trong năm mới.
 

Người dân hy vọng hình ảnh này (xếp hàng suốt đêm mua đơn cho con vào mẫu giáo) sẽ không còn diễn ra – Ảnh: Ngọc Thắng
 
Mừng, lo cởi trói thi cử và đảm bảo chất lượng
Năm vừa qua, việc UBND tỉnh Nam Định và Đà Nẵng nói “không” với cử nhân tốt nghiệp trường ĐH ngoài công lập và hệ tại chức; hàng loạt trường dân lập tung ra đủ các chiêu trò khuyến mãi, ưu đãi… mà vẫn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao; nhiều ngành học đứng trước nguy cơ phải đóng cửa… tiếp tục khiến dư luận đặt ra vấn đề chất lượng đào tạo bậc ĐH.
 
Trả lời hàng loạt chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng giáo dục ĐH yếu kém, tỷ lệ nghịch với số trường ĐH được thành lập, nâng cấp trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Nếu theo quy hoạch phát triển cho trường ĐH thì số lượng trường chúng ta là chưa đủ nhưng chúng ta thừa các trường chất lượng không cao”.
 
Dự án luật Giáo dục ĐH được đưa ra trình và thảo luận tại Quốc hội đặt ra yêu cầu: Bộ phải thể hiện quyết liệt trong việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2012, Bộ quyết định giao ĐH quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm và trường năng khiếu có thể tuyển sinh theo phương án riêng. Tuy nhiên, các trường lại đón nhận thông tin này với tâm thế rất dè dặt. Sự chần chừ của các trường chủ yếu xoay quanh mối lo quyền lợi của thí sinh được bảo đảm thế nào và cả quyền lợi của nhà trường được bảo toàn đến đâu. 
 
Trong khi đó, sau khi các địa phương công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011, dư luận đã đồng loạt lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ, thậm chí là bất bình về những kết quả “đẹp như mơ”. Những người tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT đã phải thốt lên: cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) đã sụp đổ. Bộ GD-ĐT không đồng ý với nhận định này, trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, người đứng đầu ngành GD-ĐT vẫn một mực khẳng định: kết quả đó là phù hợp!
Theo Tuệ Nguyễn
(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)