Hơn nửa năm trở lại đây, xuất hiện những phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước gay cấn chả kém phim hành động Mỹ. Với giá đấu đội lên gấp 5-7 lần so với khởi điểm, có nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền khủng lên tới cả trăm, ngàn tỷ. Điều gì của những DNNN đấu giá đã hấp dẫn họ?
3 phiên đấu đắt đỏ, ồn ào
Ngày 7/3/2016, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) đã bán đấu giá 11 triệu 328 ngàn và 2 cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) theo đúng chủ trương cổ phần hóa DNNN của Chính phủ tại Sở GDCK TP Hồ Chí Minh với mức giá khởi điểm là 17.000 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá 14% tỷ lệ vốn sở hữu của VISSAN thu hút được đông nhà đầu tư trong và ngoài nước với số lượng đặt mua cao hơn 5,6 lần số lượng chào bán. Kết quả, 5 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức đã sở hữu với giá đấu thành công bình quân là 80.053 đồng/cổ phần, tổng giá trị công ty thu về trong phiên IPO lần này đạt hơn 906,8 tỷ đổng. Thông tin vừa công bố, giới đầu tư trong nước choáng bởi trước đó đều dự đoán chỉ cần nhỉnh giá khởi điểm tí tẹo đã là mĩ mãn.
Lùi lại sáng 22/12/2015, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng tổ chức đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên. Số cổ phần bán đấu giá là 3,6 triệu, tương đương với 52,4% vốn điều lệ của công ty.
Phiên đấu giá có 36 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó có 19 tổ chức và 16 cá nhân, số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 36 lần chào bán. Giá khởi điểm là 30,600 đồng/cp, tương đương tổng giá trị khoảng gần 112 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên đấu diễn ra với các bước giá liên tục nhảy vọt. Khởi đầu nhà đầu tư bỏ giá thấp nhất là 46.000 đồng/cp, giá cao nhất là 102.000 đồng/cp. Kết thúc phiên đấu giá cả lô 52% cổ phần của Khách sạn Kim Liên đã thu về số tiền “khủng” với mức giá cao nhất là 274.200 đồng/cp – tương ứng tổng giá trị phải bỏ ra là 1.000 tỷ đồng.
Còn tại phiên đấu ngày 21/10/2015, HNX đã công bố kết quả đấu giá cổ phần của Bệnh viện Giao thông Vận tải với hơn 4,95 triệu cổ phần đã “rơi” vào tay 2 nhà đầu tư sau khi vượt mặt qua 31 đơn vị tổ chức cá nhân khác và trúng thầu với mức giá đấu thành công trung bình 23.597 đồng/cổ phần; đạt tổng giá trị hơn 116,8 tỷ đồng. Sự kiện cổ phần bệnh viện công lập đầu tiên đấu vừa ra lò đã hết veo gây ồn ào mất cả tuần chưa ngớt.
Vì sao dám chi cả trăm, ngàn tỷ
Lần giở lại lai lịch VISSAN vốn có gốc là DN thành viên của Tổng Cty Thương Mại Sài Gòn với thế mạnh chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt. Theo lời một chuyên viên trước phiên đấu giá, nghe đồn có một nhà đầu tư Hàn Quốc rất quyết tâm mua cổ phần doanh nghiệp này với chiến lược muốn đặt chân vào lĩnh vực bán lẻ thực phẩm.
“Bóc tách” ra cho thấy khối tài sản khổng lồ của VISSAN là thỏi nam châm “hút” nhà đầu tư. Theo đó, VISSAN có địa điểm giao dịch chính tại TPHCM; chi nhánh tại Hà Nội và Đà Nẵng. Sản phẩm được cung ứng tại 223 siêu thị trên địa bàn toàn quốc; trên 700 cửa hàng tiện ích, và gần 60 chuỗi cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của đơn vị. Vốn chủ sở hữu tính đến thời điểm xác định cổ phần hóa là trên 552 tỷ đồng (năm 2014). Tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN được đánh giá lại tại thời điểm xác định giá trị CPH là trên 809 tỷ đồng. 14% tỷ lệ vốn sở hữu dành cho nhà đầu tư chiến lược, dẫu là tỷ lệ thấp nhưng vẫn hấp dẫn không ngờ. “Hệ thống các đầu mối tiêu thụ hàng hóa kể trên và phương án kinh doanh của DN mới là vấn đề nhà đầu tư quan tâm”, một chuyên viên phân tích nhận xét.
Tương tự trong câu chuyện Khách sạn Kim Liên, có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, tọa lạc trên khu đất vàng 3,5ha ở phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Dù sở hữu một vị trí đắc địa rộng thênh thang và luôn đắt sô từ đám cưới, hội thảo, tới hội nghị nhưng khó có thể ngờ Công ty Du lịch Kim Liên lại có một kết quả hoạt động èo uột chỉ với 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng (năm 2014).
Trong câu chuyện đại gia tranh mua 52 % cổ phần khách sạn này (do SCIC sở hữu bán đi) người ta thấy những tên tuổi lớn muốn vào cuộc thâu tóm như: “bầu” Thụy, Công ty Cổ phần điện lạnh REE và Hanoitourist. Thậm chí, trước đó, còn lộ diện nhà đầu tư 9X có tên Vũ Thế Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) đăng ký mua tất số cổ phần này bằng nguồn vốn tự có. Thương vụ Khách sạn Kim Liên kết thúc, ngoài việc SCIC hỉ hả khi thu về ngót ngàn tỷ cho nhà nước thì những nhà đầu tư mới cũng hoan hỉ không kém khi miếng ngon đất vàng đã vào tay. Được biết, ngoài SCIC, hiện công ty còn có các cổ đông lớn như Ngân hàng GPBank sở hữu 21,6%, Công ty Tài chính bưu điện PTFinance 6,7%, GP Invest chiếm 6,6%.
Còn trong trường hợp Bệnh viện Giao thông Vận tải, người ta ghi nhận giá trị sổ sách quyền sử dụng đất của đơn vị này tại ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong đó, 19.414,6 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ có thời hạn sử dụng lâu dài với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và 1.876,8m2 đất nằm trong quy hoạch mở đường. Trên thực tế, Bệnh viện Giao thông Vận tải đang quản lý tổng cộng 20.983,8 m2 diện tích đất do Bộ GTVT đã quyết định bàn giao khu đất có diện tích 307,8 m2 hiện do bệnh viện quản lý cho Trung tâm Giám định Y khoa – Cục Y tế GTVT. Đáng kể, trong số các đối tác quan tâm đến bệnh viện này có cả một nhà đầu tư ngoại chuyên về y tế của Singapore.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán, ví như trong trường hợp VISSAN, rất có thể IPO doanh nghiệp này thu hút nhà đầu tư ngoại bởi họ muốn qua con đường đó, để vào thị trường Việt Nam. Còn về cơ bản, theo ông, khi tìm hiểu về các DNNN cổ phần hóa, dễ dàng nhận thấy một điểm chung, đó chính là quỹ đất lớn mà các doanh nghiệp này đang sở hữu. “Việc nhiều cá nhân, tổ chức muốn nhảy vào thâu tóm đất vàng là điều hoàn toàn dễ hiểu”, ông nói. Nhưng cũng đồng thời cho rằng nếu cứ để duy trì DNNN hoạt động kém hiệu quả thì đất vàng cũng chỉ là “đất”. Còn nếu vào tay tư nhân, rất có thể họ sẽ “cải tổ” (có trường hợp là sau đó bán sang nhượng lại) và thay da đổi thịt để doanh nghiệp đó hoạt động hiệu quả hơn.
Theo TPO
Bình luận (0)