Nhà truyền thông môi trường đầu tiên đi vào hoạt động
(GD TP.HCM): – Sáng 5-6, TS. Phạm Minh Tân (Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM)
cho biết, ở TP.HCM có khoảng 30.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ thì gần như tất cả doanh nghiệp này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Cũng theo báo cáo tại hội thảo, trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp ở Bình Chiểu, Tân Bình (TP.HCM) và Biên Hòa, Gò Dầu (Đồng Nai) đã được cảnh báo nhưng chưa được cải thiện. Nước, hóa chất độc hại, chất thải rắn và khói độc từ các ngành mạ, dệt nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm… đều không được xử lý đúng tiêu chuẩn. Nguyên nhân là do đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức tốt về bảo vệ môi trường, cho rằng công tác này thuộc trách nhiệm nhà nước; thiếu tổ chức và cán bộ quản lý môi trường cần thiết. Một số giải pháp được đưa ra như: tiến hành tổng điều tra về thực trạng môi trường trong các doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc, xây dựng các định chế tài chính cho phép đưa hoạch toán bảo vệ môi trường vào các chi phí hợp pháp trước thuế của doanh nghiệp, nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chất thải và hiện trạng môi trường trong các doanh nghiệp của cả nước…
* Sáng 5-6, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã khánh thành Nhà truyền thông môi trường tại thư viện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Được biết, đây là mô hình Nhà truyền thông môi trường đầu tiên tại TP.HCM với bốn chức năng chính là cung cấp các tư liệu môi trường (sách, báo, tạp chí, phim, ảnh…), cung cấp các địa chỉ tra cứu thông tin môi trường (website, tên cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường), tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề. Theo đó, Nhà truyền thông sẽ mở cửa vào các buổi sáng từ thứ hai tới thứ sáu hàng tuần, nhằm cung cấp thông tin môi trường đến cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, giảng viên và cán bộ quản lý môi trường quận, huyện, phường, xã…
Mê Tâm – Văn Tìnhtc "Meâ Taâm – Vaên Tình"
Bình luận (0)