Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nên duyên từ tình yêu đối với loài linh trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Họ quen nhau rồi đến với nhau không chỉ bằng sự đồng điệu của con tim mà còn bắt nguồn từ tình yêu và nhiệt huyết chung tay bảo vệ sự sinh tồn của loài linh trưởng quý hiếm. Câu chuyện tình đẹp như cổ tích của hai “hiệp sĩ” bảo vệ voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Lê Thị Trang và Nguyễn Hữu Thọ được dệt nên từ đó!

Tình yêu của đôi vợ chồng Trang, Thọ dệt nên từ tình yêu đối với loài linh trưởng

Chung một tình yêu

Nhắc đến bán đảo Sơn Trà, nhiều người không chỉ biết đến nơi sinh tồn của loài linh trưởng voọc chà vá chân nâu quý hiếm mà còn nhớ ngay tới đôi vợ chồng “hiệp sĩ” bảo vệ loài linh trưởng này. Đó là Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn GreenViet – người được Tổ chức Future for Nature (Quỹ tương lai cho môi trường tự nhiên) bầu chọn một trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới và anh Thọ – người bạn đời đồng hành cùng chị.

Giữa bán đảo Sơn Trà xanh ngút mắt, họ say sưa giới thiệu chi tiết cho các em học sinh, khách tham quan về đa dạng thực vật ở bán đảo Sơn Trà. Chất giọng Quảng đặc sệt, chị dừng lại những câu chuyện về các “Nữ hoàng linh trưởng” – voọc chà vá chân nâu. Những đặc tính mà loài linh trưởng này sinh sống. Thi thoảng, chị ngừng lại nhường lời cho chồng. Lúc ấy anh Thọ lại vui vẻ tiếp lời vợ. Anh say sưa hướng dẫn du khách ngắm linh trưởng như giới thiệu về ngôi nhà chính mình. “Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn voọc chà vá quốc tế, Việt Nam chiếm tới 83% số lượng trên thế giới, tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với khoảng trên 350 cá thể”, chị Trang cho biết. Đây là loài linh trưởng có tên trong nhóm IB, mức nguy cấp (E) trong sách đỏ Việt Nam, mức nguy cấp (EN) trong danh mục đỏ IUCN 2006 (IUCN, 2006), và Công ước CITES (CITES Secretariate, 1998).

Ba năm chung lối, Trang và Thọ vẫn miệt mài công tác bảo vệ loài linh trưởng và truyền tình yêu của mình cho thế hệ trẻ, các em học sinh thông qua hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, tham quan ngắm voọc. “Hạnh phúc cả đường đi lẫn lối về”, Trang nói.

Hỏi anh chị về công việc bảo tồn linh trưởng, cả hai đều cười thật hiền: “Tình yêu thiên nhiên có từ ngày còn học tiểu học, qua các tiết học được thầy cô giáo giới thiệu. Lớn lên, tự mình khám phá, thấy yêu hơn thiên nhiên, động vật ở quê mình, thế là chọn theo nghiệp luôn”, anh Thọ trải lòng. Anh Thọ bảo, loài linh trưởng chà vá chân nâu không sống cuộc sống bầy đàn, các gia đình nhà linh trưởng sinh hoạt theo nguyên tắc quy củ. Thân cây cổ thụ được xem là nhà – nơi mỗi gia đình sinh sống. Không chỉ đẹp bởi bộ lông sặc sỡ, linh trưởng rất “sành điệu” trong ngắm cảnh sắc thiên nhiên. “Ví như từ mùa hạ kéo dài sang thu, cả khu rừng chò chai, dẻ cau khoác lên mình màu đỏ rực thì họ nhà chà vá cùng nhau chuyền cành cây ở khu vực đó vừa ngắm vừa kiếm thức ăn; Đến độ cuối đông vào xuân, rừng thay lá, chà vá lại dắt díu nhau tập trung tại sườn phía Đông Bắc núi Sơn Trà – nơi giáp biển Đông, tự do hái quả…”, chị Trang chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm quan sát.

Chung một mái nhà

Vì mê bảo tồn linh trưởng mà Trang và Thọ tình cờ quen biết nhau, rồi kết tóc se tơ sau những tháng ngày rong ruổi đi tìm… voọc! Trang tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), năm 2010, ra trường chị lại chọn vào Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vì “lỡ” mê động vật từ nhỏ, dù ngành học chẳng liên quan gì đến động vật. “Vào làm ở ENV được tiếp xúc với “các bạn ấy” nhiều hơn. Mỗi lần lên rừng, mình được biết đến nhiều loài quý hiếm như voọc chà vá chân nâu, tê tê, khỉ vàng… mình thấy rất thú vị”, Trang bộc bạch. Rồi từ những chuyến đi đó, chị gặp anh Thọ – cũng là một tình nguyện viên của trung tâm. Trang kể “Từ năm 2011, tụi mình được giao nhiệm vụ nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật. Để có số liệu điều tra chính xác, hai anh em cùng các thành viên ENV khác có các chuyến đi dài ngày đến những cánh rừng xa xôi từ Quảng Trị cho tới Tây Nguyên. Không ít lần phải đối mặt sự dò xét, trả thù của các đối tượng săn bắt, mua bán động vật trái phép. “Chính những chuyến băng rừng, cứu hộ loài voọc, đau đáu với công tác bảo tồn và ngăn chặn vấn nạn săn bắn động vật hoang dã đã gắn kết hai người với nhau”, Trang trải lòng.

Năm 2013, khi Trang đầu quân về Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet, Thọ cũng quyết định trở về Đà Nẵng làm tình nguyện viên của trung tâm trong các hoạt động truyền thông và giáo dục. Gặp lại nhau, Thọ bảo, có lẽ do niềm đam mê bảo tồn động vật đã trở thành niềm đồng cảm thường hằng trong mỗi đứa. Nhịp đập con tim vì thế cũng hòa vào nhau, khó tách rời. “Lần đó, Trang đang mải miết dõi theo một gia đình voọc có đến 7 thành viên tại bãi Bắc, còn tôi làm chân “trợ lý cứu hộ”, căng dây làm cầu cho voọc mẹ vừa sinh con. Mồ hôi đẫm lưng áo, không ai tỏ ra mệt mỏi, một lòng hướng về chú voọc cần giúp đỡ. Thọ đánh liều tỏ tình: “Nếu Trang coi voọc là đam mê duy nhất thì hãy chọn anh chung đường”. Một thoáng ngỡ ngàng, cô ấy đáp lại: “Anh phải chọn Sơn Trà làm “ngôi nhà” thứ hai của chúng mình”, Thọ thẹn thùng kể lại. Thế là hai con người chung niềm đam mê bảo tồn linh trưởng về chung một nhà.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên 

Bình luận (0)