Kampong Chray (còn gọi là Kompongnigrodha) là ngôi chùa Khmer cổ được xây dựng vào năm 1637, tọa lạc tại khóm 4, TT.Châu Thành, H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc từ gốc cổ thụ.
Những nhà sư mê điêu khắc
Chùa nằm cặp quốc lộ 54, cách trung tâm TP.Trà Vinh chừng 6 cây số, do cổng phụ chùa được xây theo kiểu mái vòm có hình dáng giống cái hang nên dân gian gọi là chùa Hang. Có người còn gọi là chùa Cò vì rất nhiều chim cò về đây trú ngụ. Chùa được bao bọc bởi hàng trăm cây sao, cây dầu cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm trong khuôn viên rộng chừng 2 ha. Trên ngọn những cây cổ thụ ấy chính là nơi trú ngụ bình yên của các loài chim, cò, vạc, quạ, cồng cộc… tạo khung cảnh thanh bình, tĩnh mịch, nhất là vào mùa mưa, hàng ngàn con chim, cò hội tụ về đây. Không chỉ độc đáo bởi vẻ đẹp uy nghi, cổ kính, chùa Hang còn nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc gỗ mà tác giả của nó chính là những vị sư trẻ đang tu tập tại chùa. Đến chùa Hang, du khách được chiêm ngưỡng hơn 100 tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật. Từ những gốc cổ thụ xù xì, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân mặc áo cà sa đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, độc đáo như: đại bàng tung cánh, long lân quy phụng, cá hóa long, trâu kéo cộ, bò kéo xe, khỉ trèo cây, cá sấu săn mồi, 12 con giáp… Trong đó, đồ sộ nhất là 2 tác phẩm Cửu long và Đại bàng – sư tử tranh hùng, cùng được tặng huy chương vàng và chứng nhận danh hiệu hàng VN chất lượng cao năm 2007.
Nghề điêu khắc gỗ đến với chùa Hang cũng là một cái duyên. Theo lời kể của các sư thì vào năm 1990, trong lần đến viếng một ngôi chùa ở tỉnh Vĩnh Long, sư cả Thạch Suông, trụ trì chùa, rất thích thú với những tác phẩm điêu khắc gỗ tại đây. Khi được biết những tác phẩm ấy là do bàn tay tài hoa của nghệ nhân Thạch Buôl (ngụ xã Đông Thành, H.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) tạo nên, sư Thạch Suông lập tức mời nghệ nhân này về chùa chế tác những bộ gốc rễ của cây sao, cây dầu có sẵn trong vườn chùa thành bộ tứ linh long, lân, quy, phụng.
Trong thời gian nghệ nhân Thạch Buôl làm việc tại chùa, hằng ngày thấy các sư trẻ phụ giúp những việc vặt và tỏ ra thích thú với nghề điêu khắc gỗ, sư cả Thạch Suông đã nhờ nghệ nhân truyền nghề lại cho các sư trẻ. Trong số đó, sư Sơn Sốc đã nhanh chóng lĩnh hội được tinh hoa của nghệ nhân Thạch Buôl. Sau khi học thành nghề và hoàn tục, Sơn Sốc vẫn gắn bó với nhà chùa và trở thành người truyền nghề lại cho các sư trẻ.
Dạy miễn phí để bảo tồn nghề
Từ năm 2002 đến nay, các vị sư ở chùa Hang đã duy trì xưởng điêu khắc và thu hút được đông đảo học trò đến từ các chùa ở nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang… cũng như con em đồng bào Khmer. Nghệ nhân Sơn Sốc ước tính trong 14 năm qua anh đã dạy nghề cho khoảng hơn 80 người. Lớp học diễn ra tại chùa và việc dạy nghề là hoàn toàn miễn phí. Ngoài những bộ gốc, rễ cây sao, cây bình linh có sẵn trong vườn chùa, nhà chùa còn mua những gốc cây mà người dân đã cưa lấy thân, để làm nguyên liệu cho xưởng điêu khắc.
“Điêu khắc gỗ là một nghề mang tính nghệ thuật, đòi hỏi óc sáng tạo cùng với sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi tay. Thời gian học nghề dài hay ngắn tùy vào năng khiếu của mỗi người. Có người chỉ học 1 năm nhưng cũng có người học 2 – 3, thậm chí tới 4 năm. Trong số những học trò của tôi có khoảng 2/3 người thành nghề và đi làm khắp nơi, sang cả Lào và Campuchia”, nghệ nhân Sơn Sốc chia sẻ.
Cũng theo nghệ nhân Sơn Sốc thì lòng đam mê nghệ thuật và sự tâm huyết với nghề được thể hiện trên mỗi nét tạc, nét chạm, tạo ra cái hồn của tác phẩm. Ngoài ra còn phải biết lựa chọn những gốc cây, bộ rễ có hình thù, vóc dáng lạ để tạo ra những tác phẩm độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao và chỉ cần nhìn qua thì sẽ mường tượng ra tác phẩm mình sẽ chế tác. Tùy theo độ lớn, nhỏ, chi tiết nhiều hay ít mà thời gian hoàn thành nhanh hay chậm. Có những tác phẩm làm trong một vài ngày là xong, nhưng có tác phẩm như con voi thì 2 người làm trong 3 tháng hoặc tác phẩm Cửu long 6 người thực hiện trong 6 năm…
Sản phẩm của các nhà sư chủ yếu để trưng bày tại chùa cho khách tham quan, nhưng nhiều du khách tỏ ra thích thú và đặt làm. Ông Dương Nhựt Trường, Chủ tịch UBND TT.Châu Thành, cho biết các sản phẩm điêu khắc do nhà chùa làm ra thường được đưa đi dự hội chợ, triển lãm hoặc khi có lễ hội thì các cơ quan mượn về để trưng bày, góp phần giới thiệu thêm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của dân tộc Khmer.
Hoàng Phương (TNO)
Bình luận (0)