Trong 6 tháng đầu tiên của thai kỳ, nếu kích thước thai nhỏ có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và giảm chức năng phổi của trẻ khi sinh ra, một nghiên cứu gần đây cho biết.
Theo Timesofindia, trước đây, cũng đã từng có một vài nghiên cứu chứng minh điều này. Các nhà khoa học nhận thấy kích thước bào thai trong tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ tính từ khi khi lọt lòng cho tới 15 tuổi. Trong nghiên cứu mới này, các tác giả đã xác định kích thước bào thai trong 6 tháng đầu nhỏ là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn và làm giảm chức năng phổi ở trẻ trong độ tuổi từ 5 -15. Ngoài ra, yếu tố tiền sản giật ở thai phụ cũng góp phần vào chức năng hô hấp của trẻ.
Theo các nhà khoa học, kích thước của bào thai trong 3 tháng đầu tiên là hình ảnh đại diện cho kích thước phổi ở thai nhi. Phát hiện này cho thấy các yếu tố trước sinh đóng vai trò quan trọng cho chức năng hô hấp của trẻ khi lớn lên, tiến sĩ Stephen Turner công tác tại Đại học Aberdeen ở Anh cho biết.
Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi tổng cộng 2.000 thai phụ được tuyển chọn từ các phòng khám thai tại Aberdeen. 6 tháng đầu tiên của thai kỳ, các nhà khoa học xác định kích thước của thai nhi bằng cách siêu âm thường xuyên và cuối cùng nhận thấy những đứa trẻ được sinh ra từ những bào thai có kích thước nhỏ trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ hai có khá nhiều nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy những thai phụ có bào thai lớn, đứa trẻ sinh ra ít có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và chức năng phổi cũng hoạt động tốt hơn.
Từ phát hiện này, tiến sĩ Turner khuyến cáo để có được bào thai khỏe mạnh, các bà bầu nên tránh thuốc lá, rượu bia, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Thụy Khuê (TNO)
Bình luận (0)