Trong khi các trường tiểu học đang rục rịch chuẩn bị tuyển sinh lớp 1 năm học 2008-2009 thì ở ngoài những tân học sinh lớp 1 cũng đang phải gò lưng “luyện chữ”. Cũng như các anh chị chuẩn bị thi đại học, hàng ngày những đứa trẻ chỉ mới 6 tuổi đã phải dành ra hai giờ đồng hồ hì hục đọc đọc, viết viết…
Quá tải các “lò luyện”
Trong vai một phụ huynh đi xin học cho con, tôi tìm đến nhà cô giáo T. trong hẻm 102 đường Cống Quỳnh, Q.1. Khác xa với trí tưởng tượng của tôi, cô giáo T. quá già, khoảng 55 – 60 tuổi. Khi biết tôi có mong muốn xin cho con học ở đây, cô giáo T. từ tốn trả lời: “Em thông cảm, lớp đông quá rồi, không thể nhận được nữa”. Tôi giả đò năn nỉ và hứa sẽ trả học phí cao hơn nhưng cô giáo T. cương quyết từ chối. Vì “Nhận vào thì phải có chỗ cho cháu ngồi chứ không thể bắt cháu đứng mà học được…”. Hiện cô T. đang dạy 4 lớp “tiền” lớp 1, mỗi lớp gần 40 em. Học phí là 200.000đ/tháng (tuần 5 buổi), 150.000đ/tháng (tuần 3 buổi).
Do nhà chật nên cô giáo T. đã biến phòng khách thành lớp học với đủ các kiểu bàn ghế. Từ bàn tròn cho đến bàn hình chữ nhật, rồi bàn dài; ghế thì nào là nhựa, ghế sắt, ghế gỗ… cái cao cái thấp. Hình như cô giáo T. tận dụng tất cả các loại bàn ghế của gia đình để làm bàn học cho các em. Lớp học buổi chiều bắt đầu từ 4 giờ nhưng theo quan sát của chúng tôi thì mới hơn 3 giờ đã có hàng chục đứa trẻ được cha mẹ đưa tới lớp. Hỏi sao con đi học sớm vậy, bé Thịnh cho biết: “Mẹ con nói đi sớm để có chỗ ngồi tốt”. Quả đúng như vậy, những đứa trẻ đến sớm thì chọn được chỗ ngồi đàng hoàng, còn những trẻ tới trễ thì chỉ còn biết ngồi vào cái ghế cao gần bằng người…
“Hoành tráng” hơn lớp học của cô giáo T., lớp học của cô giáo H. (đường Hồ Hảo Hớn, Q.1) có bàn ra bàn, ghế ra ghế. Nhưng mỗi bàn đáng lý chỉ dành 2 học sinh ngồi thì cô H. lại “nhét” tới 3 em. Ngồi chật, đứa nọ đụng tay đứa kia, chữ viết ngệch ngoạc thế là tụi trẻ quay qua cự lộn. Lớp học lúc nào cũng náo nhiệt như đang diễn tuồng. Hiện tại cô H. đang dạy 3 lớp, 1 lớp chiêu sinh từ tháng 9-2007, đối tượng là các bé học lớp Lá (5 tuổi) ở trường mầm non. 2 lớp chiêu sinh từ 1-6-2008, học sinh là các bé đã “tốt nghiệp” lớp Lá và chuẩn bị bước vào lớp 1. Học phí ở đây mắc hơn so với lớp của cô giáo T. là 30.000đ/tháng.
“Đầu tháng 7 chị sẽ khai giảng một lớp buổi tối, học từ 7 giờ đến 9 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu. Nếu em thấy phù hợp thì đăng ký cho cháu học lớp này, riêng 4 lớp ban ngày (2 lớp sáng, 2 lớp chiều) đều kín chỗ”, cô giáo K. (hẻm 33 đường Trần Kế Xương, Q.Bình Thạnh) trả lời khi tôi nói muốn đăng ký học cho con ở đây. Nhà cô K. rộng rãi nên không phải dùng phòng khách làm phòng học như cô giáo T., cô giáo H.. Cô dành nguyên căn nhà cấp 4 đằng sau nhà ở làm 2 phòng học. Cô K. và một đồng nghiệp cùng dạy ở Trường tiểu học H.H.T mỗi người “bao” một phòng. Ngoài 4 lớp “tiền” lớp 1, cô K. còn mở thêm 2 lớp 2 dành cho học sinh từ lớp 1 lên lớp 2 và 2 lớp 3 dành cho học sinh từ lớp 2 lên lớp 3…
Học trước chương trình – lợi bất cập hại
Để chuẩn bị cho con vào học lớp “tiền” lớp 1 ở nhà cô giáo T., chị Linh (đường Nguyễn Cảnh Chân, Q.1) đã phải mua cho bé Quỳnh Giao một cuốn sách toán, một cuốn tiếng Việt lớp 1 để bé học. Ở đây, cùng với các tân học sinh lớp 1 năm học 2008-2009, bé Quỳnh Giao phải học trước chương trình lớp 1. 8 giờ sáng mỗi ngày, cô giáo T. giao bài tập viết, toán cho bé Quỳnh Giao và các bạn trong lớp cùng làm. Sau đó, cô thu tập và chấm điểm, bé nào điểm thấp sẽ bị rầy la, bé nào điểm cao thì được khen…
Và điều đáng nói ở đây là các bậc phụ huynh lại căn cứ vào những điểm số này để khẳng định con mình giỏi hay kém.
Chị Phụng (đường Nguyễn Lâm, Q.Bình Thạnh) có con đang theo học lớp 1 của cô giáo K. khoe với chúng tôi: “Hồi còn học mẫu giáo, bé Tùng viết chữ rất xấu, không biết làm toán nhưng nay thì viết chữ khá đẹp, biết làm phép cộng trừ, so sánh lớn nhỏ. Khi vào lớp 1, chắc chắn con tôi sẽ không thua kém bạn bè”…
Song, theo ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT thì: “Đối với các bé được học trước chương trình, trong giờ học chúng thường có thái độ lơ là, không chú ý lời cô giảng. Từ đó làm mất đi cảm hứng sáng tạo, hạn chế sự động não phát triển trí óc. Dần dần tạo thành thói quen chán nản, chán học, thậm chí là mặc cảm. Việc cho trẻ học trước chương trình là rất nguy hiểm, phản sư phạm, lợi bất cập hại. Vả lại, ở học kì I của lớp 1 tập trung chủ yếu vào việc làm quen mặt chữ, con số, dấu câu nên mọi đứa trẻ phát triển bình thường đều có thể tiếp thu được”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT khẳng định: “Chỉ cần học mẫu giáo là các bé đã hội đủ các yếu tố về tâm lý, sức khỏe, đức tính, năng lực học tập để bước vào lớp 1. Ở mẫu giáo, trẻ đã được làm quen với tất cả các môn học mà lớp 1 sẽ học. Chẳng hạn như làm quen với các hình học cơ bản (hình tròn, hình vuông, hình tam giác), màu sắc cơ bản (trắng, đen, xanh, đỏ…), phân biệt nhiều và ít – tiền thân của dấu lớn dấu bé, học cách thêm bớt – tiền thân của phép cộng trừ, bé được làm quen với các chữ cái, con số (từ 1 – 10)…”. Bà Thanh cũng đưa dẫn chứng là con trai của bà do không học trước chương trình nên thời gian đầu mới đi học lớp 1, bé xếp thứ 26/40 trong lớp, giữa học kì I xếp thứ 15, cuối năm thì xếp thứ nhất. Ngược lại, những đứa trẻ học trước chương trình, đầu năm xếp thứ nhất, nhì nhưng cuối năm lại đứng gần cuối sổ…
Học tại những lò luyện của cô giáo T., H., K., trẻ còn có nguy cơ vẹo cột sống, cận thị… Bởi hầu hết bàn ghế, bảng, ánh sáng ở những “lò” như thế này đều không đạt yêu cầu. Mặt khác, lớp quá đông, cô giáo lại phải “chạy sô” nên không có thời gian hướng dẫn trẻ cách cầm bút, đặt tập và ngồi viết như thế nào cho đúng. Mà để sửa lại những thói quen xấu này của trẻ không phải một sớm một chiều mà có thể làm được…
Rõ ràng việc cho trẻ đi học lớp 1 trước không những mất tiền, mất thời gian của cha mẹ, mất sức của đứa trẻ mà còn làm mất đi hứng thú “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của trẻ khi bước vào năm học mới.
Bài & ảnh: Hòa Triềutc "Baøi & aûnh\: Hoøa Trieàu"
Bình luận (0)