Y tế - Văn hóaThư giãn

Sách cho thiếu nhi – cần một chân trời mộng mơ

Tạp Chí Giáo Dục

Viết sách cho thiếu nhi là một công việc nhiều thách thức với các nhà văn, bởi tính chất đặc biệt của thể loại này.

Độc giả thiếu nhi là những độc giả ít sự kiên nhẫn, mọi thứ phải cuốn hút từ đầu. Thiếu nhi cũng có lăng kính hoàn toàn khác với người lớn: không gì là không thể, luôn luôn có lý do cho mọi chuyện, mọi thứ phi logic đều trở nên logic ở sự tưởng tượng trẻ thơ.

Nhà văn Andecxen từng nói: Bất cứ đứa trẻ nào cũng có khả năng nói chuyện với loài vật, nhưng càng lớn, tư chất đó càng mất dần đi.

Vậy phải chăng, những nhà văn như ông, những người viết truyện cho thiếu nhi tuyệt vời nhất, vẫn còn giữ được mãi mãi tư chất thơ trẻ đó?

Số ít các nhà văn đang viết cho thiếu nhi bắt đầu chủ yếu bằng việc mò mẫm thử các cách viết để thu hút độc giả nhí. Khi kỹ thuật và trải nghiệm của nhà văn Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ, thì tâm tư các em đã luôn đồng đẳng với thiếu nhi trên thế giới, nghĩa là các em luôn có một trí tưởng tượng tuyệt vời, không biên giới, tưởng chừng phi logic mà hoàn toàn là logic với lý lẽ trẻ thơ.

Làm thế nào để nắm bắt được suy nghĩ, chạm tới được tâm hồn các em, để những quyển sách viết ra đi vào lòng tuổi nhỏ và để lại dấu ấn đậm sâu?

Khác với những tác giả viết cho thiếu nhi bút pháp hiện thực, Trương Huỳnh Như Trân đã chọn lối viết mộng mơ, trong veo và lấp lánh. Thế nào là mộng mơ, trong veo và lấp lánh? Mỗi nhân vật của cô luôn có một trí tưởng tượng không giới hạn. Cũng là những việc thường ngày nhưng những cô bé cậu bé ấy nhìn thấy mọi thứ đều tươi đẹp lung linh. Thế giới thần tiên hay mọi trò tinh quái các em có thể nghĩ ra trong đầu đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong không gian sống của mình.

Chất giọng của Như Trân ngọt ngào, trong trẻo vì cô quan niệm rằng trẻ con cần những điều như thế viết lên trong những trang giấy đầu đời của mình, để nuôi dưỡng những hạt mầm từ ái từ thuở ấu thơ. Lá thư mật mã (First News – 2016), Chuyện ở rừng vi vu (Sapphire Books – 2017), và mới đây nhất là tập truyện Khu rừng bánh kem (NXB Kim Đồng 2018) thể hiện rõ nhất phong cách sáng tác này của cô.

Nguyễn Trần Thiên Lộc với giọng văn trong sáng, giàu cảm xúc cũng có nhiều tác phẩm đồng thoại hay cho thiếu nhi như Lắng nghe muông thú (NXB Thanh niên, 2007), Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ (NXB Văn học – 2012), Kèng kẹc học chữ (NXB Kim Đồng – 2012), Út Nhiếp tập bay (NXB Kim Đồng – 2013).

Đồng thoại là thể loại không thể thiếu cho các em, vì những câu chuyện ngộ nghĩnh, thông qua các nhân vật được nhân hóa sẽ khiến các em thích thú theo dõi câu chuyện. Những bài học nho nhỏ cũng từ đó mà dễ dàng “thấm” vào nhận thức các bé thay vì những giáo điều khô khan.

Vũ Thị Thùy Dung là một họa sĩ nhưng cũng là một người viết cho thiếu nhi. Những tác phẩm cô tự viết và vẽ luôn có nét hóm hỉnh duyên dáng. Câu từ của Dung không nhiều, thường ngắn nhưng nên thơ bất ngờ. Đọc và xem từng trang sách tranh của Dung, trẻ con thích thú và người lớn tự dưng thấy lòng nhẹ bâng.

Điều đó cho thấy, một số nhà văn trẻ đã rẽ một hướng đi khác so với người viết thế hệ cũ cũng như cùng thời. Họ không bám vào những câu chuyện đạo đức, bài học lễ giáo một cách rập khuôn, mà chọn cho mình một chân trời huyền ảo, mộng mơ. Ở đó trẻ con có thể khóc, có thể cười, có thể nghịch ngợm tưng bừng, có thể tưởng tượng ra những thứ “kỳ cục” mà người lớn không thể nào nghĩ ra… Ở đó, các em được khơi gợi những cảm xúc đẹp đầu đời, những ứng xử trên nền yêu thương và tử tế. Và trí tưởng tượng của các em được bay xa, rời khỏi tư duy chật hẹp để đến những chân trời rộng mở, khai phóng khả năng to lớn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân.

Giải sách hay dành cho thiếu nhi năm 2018, thuộc dự án Sách Hay dành cho quyển Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây của Trương Huỳnh Như Trân đã cho thấy sự cởi mở và cách nhìn mới trong đánh giá tác phẩm của hội đồng chuyên môn. Chất văn ngọt ngào, trong trẻo trong quyển sách này đã thuyết phục hội đồng, cho thấy xu hướng mới trong việc đánh giá tác phẩm: chú trọng tìm kiếm một chân trời huyền ảo, mộng mơ và đầy yêu thương cho trẻ.

Các nhà văn trẻ đã tìm được lối đi cho riêng mình. Mong từ họ có nhiều hơn nữa những kho báu lấp lánh, trong veo, đầy yêu thương tử tế dành cho thiếu nhi Việt Nam, và biết đâu, trên toàn thế giới nữa! 

Trâm AnhTBKTSG

Bình luận (0)