Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ với tham vọng thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Theo tác giả, với chương trình phổ thông, nên chú trọng xây dựng hệ thống ngữ liệu theo hướng liên kết giữa kiến thức sách vở với cuộc sống (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Hiện nay, việc giảng dạy hoàn toàn không đi theo mô hình truyền thống – không đơn thuần truyền thụ kiến thức do vậy cần có những thay đổi. Tuy nhiên, biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới không phải là “cắt đứt”, làm mới hoàn toàn với SGK hiện hành. Những thay đổi mang tính kế thừa bao giờ cũng dễ được tiếp thu và chấp nhận hơn cả.
Theo đó, việc tuyển chọn tác phẩm trong bộ môn ngữ văn đều phải theo trình tự thời gian: Văn học dân gian, văn học cổ đại, văn học trung đại, văn học cận hiện đại. Mặt bất cập của cách biên soạn bộ môn ngữ văn theo mô hình lịch sử văn học là học sinh phổ thông không đủ tầm bao quát tiến trình văn học dân tộc, chỉ tiếp nhận tác phẩm một cách lẻ tẻ, biệt lập. Ngay cả giáo viên (GV) cũng không ý thức hết điều này và phần lớn chú trọng phân tích, bình giảng tác phẩm. Các bài khái quát về văn học thường xem nhẹ, dạy qua loa không chỉ ra được quy luật những yếu tố có tính bền vững, những biến đổi ở từng giai đoạn.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần sử dụng các văn bản cũ để thực hiện các yêu cầu mới, rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Mặt khác GV – khâu trung gian giữa SGK với học sinh vẫn là những người cũ nhưng chính họ là đối tượng giữ vai trò quyết định thành bại của chương trình. Lực lượng GV không thể ngày một ngày hai có được những thay đổi căn bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Vì thế, nắm được văn bản cũ được coi là vốn của GV cần được kích hoạt theo phương pháp mới. Theo đó, GV được coi là một trong 3 “cột đỡ” cần củng cố khi giáo dục chuyển sang tiếp cận năng lực. Phản hồi từ phía GV về những khó khăn khi thực hiện chương trình SGK hiện hành tập trung nhiều nhất ở bộ phận văn học trung đại. Bộ phận văn học này đưa vào giảng dạy ở các lớp 7, 8, 9, 10 chưa thật sự phù hợp so với tư duy trình độ tâm lý lứa tuổi. Văn học trung đại vốn gắn với các vấn đề tư tưởng, văn hóa, văn tự của một hình thái xã hội đã qua, phần lớn là hình thức văn chương bác học rất khó phổ cập đại trà. Tuy nhiên, với yêu cầu phát triển năng lực văn học trung đại, nếu được thiết kế hợp lý vẫn hoàn toàn đáp ứng tốt và hiệu quả. Văn học trung đại Việt Nam trước nay chỉ đưa vào học những tác phẩm theo một số chủ đề hạn hẹp, cách khai thác thiên về nội dung tư tưởng, dễ gây nhàm chán, khô cứng. Chắng hạn chủ đề yêu nước, vốn có nhiều nội dung phong phú nhưng SGK chỉ khai thác theo hướng yêu nước là chống ngoại xâm.
Các em học sinh thường yêu thích những tác phẩm trong sáng, vui tươi, tinh nghịch. Tuy nhiên, những tác phẩm khơi dậy niềm vui trong SGK còn rất khiêm tốn. Lấy ví dụ, trong SGK Ngữ văn THPT có 2 bài thơ tình: Thơ duyên (Xuân Diệu) và Sóng (Xuân Quỳnh). Tuổi học trò chưa thể hiểu và cảm nhận về tình yêu như trong bài thơ Sóng, riêng bài Thơ duyên cảm xúc tình yêu có những nét gần gũi hơn, trong trẻo và mơ mộng nhưng do giảm tải nên nay là bài đọc thêm. |
Giải pháp chung, vận dụng cho giảng dạy văn học trung đại và văn học hiện đại nên theo định hướng trang bị cho học sinh phông văn hóa. Bởi tạo dựng được phông văn hóa chính là đã kết hợp dạy văn với dạy người mở ra hướng tương thông, liên kết giữa kiến thức sách vở với cuộc sống có tính đặc thù cho bộ môn ngữ văn. Với chương trình phổ thông, nên chú trọng khai thác văn chương, xây dựng hệ thống ngữ liệu chủ yếu theo hướng này. Theo đó, tích hợp trong bộ môn ngữ văn trước hết là tích hợp các kiến thức về văn hóa. Giảng dạy văn học như một môn nghệ thuật (nghệ thuật ngôn từ) nên dành cho những định hướng chuyên sâu liên quan đến giai đoạn chọn nghề, hoặc các cấp học cao hơn. Với phông văn hóa hiện đại không chỉ quan tâm mối quan hệ người – người mà còn là con người với tự nhiên, môi trường xã hội trong đó có cộng đồng. Văn học hiện đại còn giúp mở rộng phông văn hóa, cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, vượt lên giới hạn dân tộc, khu vực.
Quá trình dạy học lấy người học làm trung tâm nhất thiết phải xem xét người học tiếp cận vấn đề này như thế nào, có ích gì trong đời sống? Vậy đối với học sinh phổ thông, những vấn đề nào được coi là thiết thực? Ngoài khẳng định những giá trị bền vững khơi mở các ước mơ hoài bão nên cho học sinh thấy được cả những mặt trái của xã hội, những điểm mạnh/yếu của con người Việt Nam.
Thực tế SGK hiện hành chỉ có hai mảng kiến thức Tiếng Việt và văn học. Bộ SGK mới nên có thêm những kiến thức về phương pháp bằng cách đưa ra những cách thức gợi ý trong việc tiếp cận bài học đối với sách GV. Tuy nhiên, GV phổ thông còn nhiều bối rối, bỡ ngỡ với các khái niệm của giáo dục như: tích hợp, phân hóa, phát triển năng lực, chuẩn đầu ra, ma trận. Hoặc có thể trong SGK thay vì hệ thống câu hỏi kiểm tra kiến thức sẽ là những câu hỏi tương tác, đối thoại… Làm thế nào để người học tham gia tích cực vào quá trình dạy học, phát huy đúng tính chất lấy người học làm trung tâm. Theo cách dạy văn truyền thống, môn phương pháp giảng dạy không mấy tác dụng, thậm chí phương pháp đi một đàng, thực tiễn đi một nẻo. Giáo dục theo hướng phát triển năng lực cụ thể với bộ môn ngữ văn là năng lực đọc hiểu, năng lực thiết kế văn bản nói, viết… với nhiều hình thức văn bản: hư cấu, phi hư cấu… Vì thế vai trò của bộ môn phương pháp rất quan trọng, không thể bỏ qua như hiện nay được.
TS. Đinh Phan Cẩm Vân
(Phó Trưởng khoa Ngữ văn,
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)