PV: Cũng như mọi năm, đặc biệt năm nay, các trường phản ánh nhiều hơn tình trạng bù lỗ thi tuyển sinh. Bộ đã có kế hoạch bù lỗ cho các trường ĐH, CĐ như thế nào, có nên thu gộp phí đăng ký dự thi và thi tuyển ngay từ lúc nộp hồ sơ không thưa ông?
– Đầu năm nay, Bộ đã có dự thảo và làm việc với Bộ Tài chính về việc tăng lệ phí thi. Nhưng thời điểm đó lại đang rất nhạy cảm là giá cả tăng, ảnh hưởng tới đời sống an sinh. Chính vì vậy hai bộ đã thống nhất không điều chỉnh kể cả việc dự kiến tăng lệ phí tuyển sinh. Nhưng Bộ Tài Chính cũng thống nhất với Chính phủ việc bù lỗ cho các trường, Bộ đã có văn bản đề nghị Chính phủ trích ngân sách hỗ trợ thêm cho các trường 10.000 đồng/thí sinh và điều này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay. Chúng tôi cũng hiểu, nhiều trường rất khó khăn trong việc thuê trường, giấy thi… tất cả đều tăng giá, các trường đã chịu đựng vì quyền lợi của thí sinh. Rất là hoan nghênh các trường đã vì quyền lợi của thí sinh mà chịu thiệt.
Còn việc hồ sơ “ảo” thì năm nào cũng có, nhưng vì chúng ta tôn trọng sự lựa chọn của thí sinh. Để làm một biện pháp “rắn” để hạn chế ảo là không khó, ví dụ quy định mỗi thí sinh chỉ nộp một bộ hồ sơ vào một trường nhưng việc này có nên hay không? Hoặc đăng ký ngay từ trường qua các phần mềm. Sau này chất lượng giáo dục từ phổ thông lên ĐH đều được kiểm định, mọi thứ đi vào nề nếp hơn thì việc đăng ký, tổ chức thi sẽ bình thường.
Cũng đã liên tục nhắc nhở với nhiều hình thức: phương tiện thông tin đại chúng, công văn, phổ biến cho thí sinh nhưng tại sao vẫn có nhiều trường hợp bị đình chỉ vì đem điện thoại di động vào phòng thi?
– Việc sử dụng điện thoại có nhiều nguyên nhân: thứ nhất là một số cán bộ coi thi khi hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi không nhấn mạnh rõ nét, không phổ biến cặn kẽ việc này; thứ hai một số em lại chủ quan. Thứ ba là tôi nghĩ các trường nên có chỗ để thí sinh gửi điện thoại di động. Tôi hoan nghênh một số trường cử sinh viên tình nguyện tổ chức nhắc nhở thí sinh ngay từ ngoài cổng trường. Bộ cũng có công điện khẩn gửi các trường ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục tổ chức thi quán triệt tinh thần nghiêm túc với các thí sinh và cả cán bộ coi thi. Đáng tiếc cũng có một số giám thị vẫn sử dụng điện thoại di động .
Ý kiến đánh giá của ông trong đợt I của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2008?
– Qua khảo sát các điểm của 3 đoàn thanh tra của Bộ, các thanh tra lưu động có báo cáo về. Năm nay tổ chức thi rất nghiêm túc. Nghiêm túc từ ngay trong các trường thi, ngay trong phòng thi học sinh làm bài tự giác, trật tự, cán bộ coi thi cũng quán triệt được trách nhiệm của mình nên đã đứng đúng vị trí. Có những sai sót như ký nhầm vào những chỗ của thầy chấm thi, có 2 trường hợp như vậy và một số sai sót không đáng kể khác.
Sự phối hợp của lực lượng liên ngành trong đợt I thì có thể nói giao thông tôi không thấy nói có phản ánh ùn tắc giao thông ở đâu kể cả ở Hà Nội, liên lạc cũng thông suốt. Nhưng có một đặc điểm là đề thi đảm bảo an toàn tuyệt đối. Năm nay có một điểm khác là thường có thông tin đề bị lộ nhưng năm nay không thấy có hiện tượng này.
Thưa Thứ trưởng, qua hai ngày kiểm tra tại các hội đồng thi, ông có nghe sự phản hồi nào về đề thi năm nay và đề thi có phải là quá khó?
– Theo báo cáo của Hội đồng tuyển sinh các trường và phản ánh của dư luận, đề thi ba môn toán, lý, hóa không có sai sót, đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối. Nội dung đề thi bám sát chương trình, sách giáo khoa THPT, đảm bảo yêu cầu chung của đề thi tuyển sinh ĐH, phù hợp với thời gian làm bài và có câu khó để phân loại thí sinh tốt. Tôi nghĩ đề thi quan trọng nhất là phân loại được thí sinh chứ không phải là quá khó. Tôi nghĩ, điểm sàn năm nay chắc cũng vẫn rơi vào khoảng từ 13 đến 15 điểm thôi. Những em học lực trung bình vẫn làm được 50 – 60%, vẫn đảm bảo dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Đợt I đã kết thúc, ông đánh giá như nào về đợt thi này và có lời khuyên gì với thí sinh đợt II?
– Đợt II nhiều môn khoa học xã hội hơn, thí sinh cần lưu ý vẫn thực hiện nghiêm quy chế, không nên bị xử lý. Nhất là phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại di động làm cho các em vô tình có thể bị xử lý đình chỉ thi, tốt nhất nên gửi điện thoại cho người quen.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)