Theo Tổ chức Y tế thế giới, cân nặng lý tưởng của phụ nữ khi chỉ số khối cơ thể (BMI – tính bằng cân nặng của người đó chia cho bình phương chiều cao) nằm trong khoảng 20-22.
Chị em có BMI từ 25-29,9 được xem là thừa cân, còn từ 30 trở lên là béo phì. Thế nhưng, một số phụ nữ dường như chỉ cần “hít thở cũng mập”, không phải do ăn uống quá đà.
Bệnh suy giáp
Phụ nữ bị suy giáp thường mập, trong khi các bệnh tuyến giáp khác như cường giáp hoặc bướu giáp thường không gây mập. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM – phân tích: “Suy giáp do cơ thể thiếu nội tiết tố tuyến giáp. Chính nội tiết tố tuyến giáp giúp điều hòa chuyển hóa, tiêu thụ protein, đường… của các tế bào.
Khi bị thiếu nội tiết tố tuyến giáp, cơ thể rơi vào tình trạng "làm biếng", khiến mức chuyển hóa giảm, cơ thể trở nên lừ đừ, mệt mỏi, dễ ngủ gà gật và bệu, phù, giống như bị mập”.
Để không bị mập do suy giáp cần điều trị căn nguyên bệnh bằng cách bổ sung nội tiết tố tuyến giáp như Levothyroxine. Chất này có bán trên thị trường dưới tên thương mại Berlthyrox, Levothyrox… nhưng phải uống theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, muốn xác định bị suy giáp hay các bệnh nội tiết tố khác, bạn cần làm xét nghiệm.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Béo phì gây hậu quả gì cho sức khỏe? Sự gia tăng quá mức lượng mỡ trắng trên cơ thể không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh tâm sinh lý như: ngủ ngáy; bệnh lý xương khớp (thoái hóa khớp, tổn thương xương khớp…), rối loạn mỡ máu (bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ), gout, đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch, thận, ung thư đường tiêu hóa, cơ quan sinh dục… Người bị béo phì còn có nguy cơ vô sinh, tăng nguy cơ bị trầm cảm, bị thiếu ô-xy não… |
Buồng trứng đa nang là một hội chứng gây ra do rối loạn cân bằng hoóc-môn. Phụ nữ bị buồng trứng đa nang thường có nồng độ hoóc-môn nam nhiều trong cơ thể so với thông thường.
Những chất này sẽ gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn, khiến phụ nữ khó có thai.
Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây buồng trứng đa nang, nhưng một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh là chế độ ăn uống quá nhiều tinh bột.
Đây là nguyên nhân khiến đường glucose không được chuyển hóa vào tế bào sẽ chuyển đổi thành chất béo tích tụ lại trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng. Do đó, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường mập, thừa cân.
Đồng thời, đường gulcose còn liên quan mật thiết tới việc dư thừa insulin. Việc insulin dư thừa được cho là đẩy mạnh sản xuất androgen (nội tiết tố nam) của buồng trứng, có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng.
Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa Hậu sản N, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM – khuyên: “Với những phụ nữ bị buồng trứng đa nang, ngoài việc điều trị theo các chỉ định y khoa, chị em cần điều chỉnh thói quen sống và giảm cân hiệu quả. Hãy thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột, đường, giàu đạm thực vật, nhiều vitamin và sắt từ thực vật; tập thể dục thường xuyên; hạn chế thức khuya; tránh căng thẳng lo âu…”.
Mất ngủ
Việc thiếu ngủ sẽ làm thay đổi hoạt động của não, khiến bạn cảm thấy đói hơn và làm tăng sự thèm muốn thực phẩm nhiều chất béo. Dữ liệu từ một nghiên cứu mới đây cho thấy, giấc ngủ không sâu, bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới sự trao đổi chất và tăng khả năng tích mỡ của cơ thể, khiến nhiều chị em thiếu ngủ, mất ngủ vẫn bị mập.
Bác sĩ Trần Thị Mai Thy – Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City – khuyến cáo: “Để không tăng cân trong trường hợp này, người bệnh cần điều trị tận gốc bệnh mất ngủ.
Đầu tiên, người bệnh sẽ được kiểm tra giấc ngủ và điều trị theo từng bước (cho uống thảo dược hỗ trợ giấc ngủ trong 1-2 tuần kèm theo hướng dẫn cách “vệ sinh giấc ngủ”: tránh đầu óc căng thẳng trước khi ngủ; khi nằm trên giường cần không gian yên tĩnh, có thể nghe nhạc không lời; tránh xem ti vi, sử dụng điện thoại; để nhiệt độ phòng dễ chịu… và không lên giường nếu không cảm thấy buồn ngủ. Nếu tình trạng mất ngủ vẫn không được cải thiện, bác sĩ mới dùng đến thuốc”.
Trị viêm xương khớp bằng thuốc corticoid
Thuốc chống viêm corticoid thuộc nhóm glucocorticoid gồm nhiều biệt dược khác nhau, trong đó có một số biệt dược thường bị lạm dụng như prednisolon, solu-medrol, dexamethason…
Nhóm thuốc này có tác dụng tốt trong chống viêm, giảm đau, nhất là khi điều trị các bệnh về xương khớp. Ngoài ra, corticoid còn được sử dụng trong điều trị các bệnh dị ứng, chống sốc (depersolon, solu-medrol…), bệnh tự miễn, bệnh về hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn, bệnh suy tuyến thượng thận…
Thế nhưng, ngoài tác dụng chữa bệnh, corticoid còn có tác dụng phụ giữ nước, giữ muối natri làm rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ ở mặt, cổ và lưng, gây nên hiện tượng béo phì (mặt tròn trịa), gây rối loạn nội tiết (mọc nhiều lông).
Do đó, người bệnh không nên lạm dụng corticoid, trừ những trường hợp buộc phải sử dụng do bác sĩ chỉ định trong thời gian ngắn. Hiện nay, nhiều sản phẩm đông y trộn lẫn hoạt chất corticoid vào thuốc gia truyền, khiến người bệnh tưởng đây là thuốc tiên, giúp mau hết đau, nhưng thực tế là người bệnh sẽ ngày càng mập hơn và dùng lâu dài sẽ bị mục xương.
Một số loại thuốc gây tăng cân khác
Ngoài thuốc corticoid gây mập rất phổ biến lâu nay, trên thị trường còn nhiều loại thuốc gây mập, thừa cân khác mà chị em cũng thường sử dụng.
Thuốc cyproheptadine: là thuốc kháng histamine chữa dị ứng. Loại thuốc này không giữ nước, natri lại trong cơ thể gây phù như corticoid nhưng có tác dụng kích thích thèm ăn, gây tăng cân.
Thuốc chống loạn thần: các thuốc chống loạn thần có thể khiến bệnh nhân tăng cân sau 10 tuần điều trị.
Thuốc chống trầm cảm: thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống trầm cảm thế hệ mới đều có tác dụng phụ: gây tăng cân.
Thuốc tránh thai: những loại thuốc tránh thai có thể gây tăng cân vì hàm lượng estrogen làm cho cơ thể bị giữ nước.
Với các loại thuốc gây tăng cân, nếu không phải mục đích điều trị bệnh, bạn cần loại bỏ ngay. Còn nếu thuốc nằm trong phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết tác dụng phụ mình đang gặp phải.
Tìm lại vòng eo 56 Muốn giảm thừa cân béo phì, cần phối hợp chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực thường xuyên và tránh thức khuya. * Chế độ ăn: cần thực phẩm ít năng lượng, ít bột đường, giảm béo nhưng vẫn đảm bảo đủ đạm và giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ. Nên giảm năng lượng của khẩu phần ăn từ từ, mỗi tuần chỉ giảm khoảng 300kcal so với khẩu phần ăn trước đó (tương đương giảm từ 0,3-0,5kg mỗi tuần). * Tăng cường hoạt động thể lực: cần tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần với các loại hình: đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, yoga, gym…. * Ngủ đủ giấc: các chị em nên ngủ sớm trước 22g30 và ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Các chị em nên theo dõi BMI thường xuyên hằng tháng, nếu không tăng cân hoặc có giảm cân chút ít trong vài tuần đầu thì xem như đã thành công, khi đó tiếp tục kiên trì điều chỉnh cho đến khi BMI trở về mức lý tưởng (từ 20-22). |
Theo Nhuận Đức/Phunuonline
Bình luận (0)