Thực hiện Chương trình Bloomberg Philanthropies vì ATGT đường bộ toàn cầu giai đoạn 2015-2019 tại TP.HCM, vào ngày 27-11 Ban ATGT TP.HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, iRAP tổ chức Hội thảo “Hưởng ứng và thực hiện các thực tiễn tốt nhất theo kinh nghiệm quốc tế về ATGT ở Việt Nam” thu hút đông đảo các tham dự viên trong ngành giao thông, CSGT, Sở GD-ĐT và Sở Xây dựng TP tham gia.
An toàn bộ hành cho học sinh là một trong những vấn đề ưu tiên của ngành giao thông TP
Mô hình giao thông từ Singapore
Với thời lượng tổ chức trong một ngày, hội thảo đã đề cập về các vấn đề như: Vai trò quan trọng của các đối tác trong công tác đảm bảo ATGT; ứng dụng công cụ iRAP ở Việt Nam; quản lý ATGT nghiên cứu dựa trên trường hợp của Singapore; cập nhật về chương trình ATGT trường học; hạ tầng cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương (trường hợp nghiên cứu ở Singapore); sử dụng kết quả đánh giá ATGT từ kết quả đánh giá iRAP; các chiến lược và nghiên cứu cụ thể về việc thực hiện nhanh với chi phí thấp đối với các dự án nâng cao ATGT cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương… Trình bày tại hội thảo với đề tài “Cách tiếp cận về ATGT đường bộ từ Singapore”, bà Er.Emily Tan (chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới về ATGT đường bộ) cho biết, Singapore là điểm sáng về ATGT đường bộ trong khu vực châu Á. Một trong những điểm tích cực về giao thông ở quốc gia này là tình trạng TNGT được kéo giảm khá ấn tượng trong 10 năm qua. Cụ thể vào năm 2009, Singapore có 183 vụ TNGT, đến năm 2018 giảm xuống còn 124 vụ (tương đương 32%). Bên cạnh đó, tổng số vụ va chạm giao thông cũng chỉ dao động khoảng 70-80 vụ mỗi năm với các nguyên nhân như lỗi phương tiện, cơ sở hạ tầng giao thông, do con người hoặc yếu tố môi trường.
Đề cập đến chiến lược cải thiện ATGT ở Singapore, bà Er.Emily Tan nói rằng quốc gia này đã chú trọng khảo sát và khắc phục những khu vực thường xảy ra va chạm hoặc điểm đen TNGT; kiểm định và bảo trì an toàn đường bộ một cách thường xuyên; quản lý tốc độ lưu thông chặt chẽ bằng hệ thống camera giám sát; tăng cường giáo dục ATGT cho người dân… Ngoài ra, Singapore còn thực hiện chính sách nhập khẩu phương tiện một cách nghiêm ngặt nhằm hạn chế tình trạng gia tăng phương tiện quá tải, đồng thời quản lý hồ sơ chặt chẽ để người đã có một xe thì không được mua thêm xe khác. Nhờ vậy, tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông chỉ dao động trong mức kiểm soát từ 0,5-2,5/năm. Bên cạnh mô hình giao thông từ Singapore, ông L.Rogers (chuyên viên của iRAP) đã trình bày về “Ứng dụng công cụ iRAP ở Việt Nam” thu hút sự quan tâm của các tham dự viên. Theo ông L.Rogers, Chương trình đánh giá đường bộ quốc tế (iRAP – The International Road Assessment Programme) đã thành công tại Malaysia, góp phần giảm rủi ro TNGT đến 30% ở quốc gia này. Tại Việt Nam, iRAP đã được triển khai tại 19 trường học và 11 tuyến đường ưu tiên trong toàn quốc.
Nâng hạng sao cho các trường học ở TP.HCM
Cập nhật về chương trình Đi bộ an toàn cho học sinh TP, bà Bùi Thị Diễm Hồng (quản lý chương trình của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á – AIP) cho biết, thông qua iRAP, quỹ đã phối hợp với Ban ATGT TP, Sở GD-ĐT chọn được 17 trường học để cải tạo trong năm học 2019-2020 và việc tiến hành cải tạo sẽ được bắt đầu vào tháng 12 này nhằm nâng cao ATGT cho học sinh. Cụ thể, 17 trường sẽ được cải tạo gồm Tiểu học Nguyễn Thái Học, Minh Đức, Trần Hưng Đạo (quận 1); Chính Nghĩa, Nguyễn Viết Xuân, Trần Bội Cơ, Hàm Tử, Huỳnh Mẫn Đạt, Chương Dương, Minh Đạo (quận 5); Võ Văn Tần, Kim Đồng, Bình Tiên, Nguyễn Thiện Thuật, Lê Văn Tám, Phú Định, Phạm Đình Hổ (quận 6). Được biết, trong năm học 2018-2019, từ tháng 7-2018 đến tháng 1-2019, chương trình đã hoàn thành việc cải tạo khu vực cổng trường cho 4 đơn vị trường học, nhờ đó hạng sao các trường đã được nâng lên. Trong đó gồm Trường Tiểu học Kết Đoàn (từ 1 sao lên 3 sao); THCS Mạch Kiếm Hùng (từ 2 sao lên 4 sao); Tiểu học Hùng Vương (từ 3 sao lên 4 sao) và Tiểu học Phạm Văn Chí (từ 3 sao lên 5 sao). Theo đó, những trường được đánh giá hạng sao đều đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông; lề đường, vạch đi bộ sang đường, đèn giao thông và biển báo đạt chuẩn, tốc độ lưu thông an toàn…
Bên cạnh mục tiêu nhìn lại một cách tổng quan về iRAP, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM) khẳng định: “Hội thảo cũng là dịp để cập nhật tiến trình thực hiện các biện pháp an toàn đường bộ xung quanh các khu vực trường học từ 37 trường được đánh giá trước đó. Đặc biệt, TP.HCM là một trong những TP đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm công cụ đánh giá và xếp hạng sao cho trường học. Đây là cách tiếp cận dựa trên bằng chứng có tính hệ thống đầu tiên để phân tích rủi ro của các tuyến đường xung quanh trường học. Qua đó nhằm triển khai các giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn lưu thông cho học sinh, phụ huynh cũng như cộng đồng”. |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM) cho biết, sáng kiến “Vì ATGT đường bộ toàn cầu” giai đoạn 2015-2019 tại TP.HCM do Quỹ Bloomberg Philanthropies hỗ trợ kỹ thuật đến nay đã vào thời điểm sắp kết thúc. Trong đó sự hợp tác giữa các đơn vị chức năng của TP và các đối tác quốc tế nhìn chung đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong khuôn khổ Hội thảo “Hưởng ứng và thực hiện các thực tiễn tốt nhất theo kinh nghiệm quốc tế về ATGT ở Việt Nam”, ông Tường cho rằng đây là dịp nhìn lại một cách tổng quan về iRAP và kết quả đánh giá đối với các tuyến đường huyết mạch có nguy cơ cao trên toàn TP. Trong đó gồm 180km tuyến đường đã được đánh giá bao gồm 2 chiều xe chạy và 19 khu vực đã thực hiện giải pháp cải tạo. Mục đích của chương trình góp phần giúp chính quyền TP sử dụng kết quả đã đạt được, để ưu tiên cho các biện pháp nâng cao an toàn đường bộ có hiệu quả về chi phí, nhằm kéo giảm các vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn TP, đặc biệt cho những đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương gồm người đi bộ, đi xe đạp và đi xe máy.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)