Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hàng tỷ đô la chống ngập cho thành phố: Liệu có khả thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng loạt dự án vệ sinh môi trường kênh rạch, chỉnh trang nâng cấp đô thị để tiêu thoát nước nhằm chống ngập lụt tại TP.HCM đã được triển khai thực hiện. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đến nay vẫn chưa có dự án nào được hoàn thành, vào mùa mưa, tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra tràn lan khắp nơi trên địa bàn thành phố. Tổ công tác nghiên cứu đề xuất giải pháp chống ngập úng TP.HCM (gọi tắt là TNCCN) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất giải pháp chống ngập lụt mới với tổng kinh phí đầu tư lên hàng tỷ USD, nhưng liệu có khả thi?

Ngập lụt: Bài toán khó giải

Đến bao giờ học sinh mới hết phải chịu cảnh dắt xe đạp đến trường như thế này? Ảnh: Quang KhảiQua thống kê và phân tích tài liệu từ nhiều năm trở lại đây, TNCCN đưa ra nhận định, ngập lụt ở TP.HCM là do: triều, lũ, mưa, các tổ hợp của chúng. Thủy triều cao trong điều kiện nước biển dâng là yếu tố bất lợi nhất, trên nền cơ bản đó lại xuất hiện mưa, lũ lớn. Lũ và triều vận động ngược chiều nhau thì triều sẽ là trở ngại chính cho việc thoát lũ làm gia tăng ngập lụt. Diễn biến của khả năng kiểm soát lũ theo thời gian xây dựng công trình ở thượng lưu cho thấy, càng làm nhiều công trình thượng lưu thì nước xả xuống hạ lưu càng giảm. Do đó, phải tìm mọi cách để giảm nhỏ lưu lượng xả xuống hạ lưu như: cắt lũ, điều tiết lũ, phân lũ, việc này hoàn toàn có thể làm được.

Hiện nay chưa nên đặt vấn đề làm đập và cống lớn trên hai cửa sông Lòng Tàu và Soài Rạp, cũng tương tự không nên làm cống trên sông Sài Gòn thì sẽ kiểm soát được mức ngập trong thành phố. TNCCN nhận định, muốn chống ngập triều cao, ngập lũ thì phải đắp đê bao dọc sông Đồng Nai – Sài Gòn để bảo vệ các khu sản xuất nông nghiệp, nhà vườn. Đắp đê chống lũ, đồng thời cũng làm nhiệm vụ chống ngập triều. Hệ thống phải khép kín với các cống dưới chân đê và âu thuyền cho giao thông thủy. Bên cạnh đó, đê bao phải xây dựng khép kín cho từng vùng tùy theo cách phân vùng kiểm soát.

TNCCN lập sơ đồ toàn bộ bậc thang thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai quá trình lưu lượng bình quân tháng từ dòng chảy tự nhiên và dòng chảy được điều tiết qua công trình, và đưa ra nhận xét: Việc xây dựng các hồ chứa điều tiết nước, lấy nước đã làm cho dòng triều mạnh hơn trong mùa lũ, quá trình nước biển xâm nhập vào lục địa cũng mạnh hơn, sâu hơn trong gian hồ trữ nước. Nguyên nhân là do dòng nguồn và dòng tổng hợp yếu đi, môi trường sinh học ở hạ du xuống cấp, khả năng tự làm sạch của các con sông kém hơn, ô nhiễm vùng hạ du tích lũy. Việc đắp đê ngăn mặn, san lấp các vùng trũng ven sông đều làm mất đi các dung tích điều tiết lũ, triều, mực nước trong sông sẽ cao lên, đỉnh triều cao lên, chân triều thấp xuống, biên độ triều tăng dẫn tới tốc độ truyền triều và năng lượng triều tăng. Biên độ dao động nước ngầm vào bờ sông tăng dẫn tới mất cân bằng gây xói lở.

TNCCN cũng đã phân địa bàn thành phố thành ba vùng quy hoạch kiểm soát nước, chống ngập úng để bố trí công trình: Vùng 1 gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè, vùng 2 là khu vực ngã ba sông Đồng Nai – Sài Gòn, vùng 3 là khu vực bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp.

Đúng nhưng chưa đủ

Sau khi nghiên cứu đề án trên, tiến sĩ Trần Đình Lương – Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý nhận định, giải pháp chống ngập mà TNCCN đề xuất đã chú trọng đến những diễn biến của thủy triều và tác động của nó tới khả năng tiêu thoát của hệ thống kênh rạch cũng như thoát lũ trên sông lớn, đây là một yếu tố mà dự án JICA ít chú trọng tới.

Về tổ hợp mưa, triều bất lợi, theo thạc sĩ Trương Văn Hiếu thống kê trong thời kỳ dài ở TP.HCM (1978 – 1998) có 54,64% những trận mưa có lượng mưa trên 40mm rơi vào thời kỳ triều cường, mưa thường rơi vào buổi chiều, đỉnh triều hàng ngày lệch pha khoảng 1 giờ so với đỉnh của ngày trước. Đó là điều kiện dẫn đến tình trạng đồng pha giữa đỉnh triều và mưa cường độ cao và là nguyên nhân gây ngập úng thường xuyên. Nhưng trong báo cáo của TNCCN chưa thấy đề cập đến mô hình tổ hợp mưa, triều bất lợi trong tính toán.

Quy hoạch tiêu thoát nước mưa ở các khu đô thị thường phải bố trí những hồ điều hòa, còn gọi là hồ đệm, có dung tích đủ chứa tổng lượng nước mưa tràn mặt của tiểu lưu vực do hồ này phải nhận trước khi tiêu ra kênh trục chính.

Trong báo cáo của TNCCN chưa thấy bố trí hồ điều hòa mà chỉ giới thiệu các hồ điều tiết, bao gồm các kênh rạch ở phía Nam Sài Gòn và một số khu vực đất trũng không nên san lấp để có đủ dung tích dự phòng chứa lượng nước mưa rút từ trung tâm thành phố nhưng không tháo ra sông được trong thời gian triều cường. Như vậy chưa có khảo sát, đo đạc tính toán các dung tích phần kênh rạch, các khu đất trũng có thể thay thế các hồ điều hòa cần thiết.

Tiến sĩ Lương đề xuất một số ý kiến để bổ sung cho bản báo cáo là: Cần nghiên cứu và lựa chọn những mô hình “mưa – triều đồng pha bất lợi” để đưa vào bài toán thủy lực tính tiêu thoát nước đô thị. Bên cạnh đó, đánh giá khả năng tiêu thoát nước mưa của hệ thống cống ngầm nội đô và các dự án thủy lợi trước đây để tận dụng dự án công trình đã có mà không mâu thuẫn với quy hoạch. Đồng thời cần khảo sát tính toán phần dung tích các kênh rạch, vùng trũng có thể sử dụng để tạm chứa nước mưa, nước thải sinh hoạt trong thời gian ngăn triều. Nếu cần, phải bố trí thêm hồ đệm.

VĂN TÌNH (lược ghi)

Bình luận (0)