Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vé xe Tết vừa bán đã căng

Tạp Chí Giáo Dục

Một số hãng xe lớn vừa mở bán vé Tết Canh Tý 2020 nhưng đã trong tình trạng khan vé từ TP HCM về miền Trung, trong khi chưa tới cao điểm Tết đã lo ngại vé xe "đội giá"

Sáng 15-12, Công ty CP Xe khách Phương Trang – FUTA Buslines (viết tắt là Công ty Phương Trang) bắt đầu bán vé Tết Canh Tý 2020. Tuy nhiên, khảo sát trên website của doanh nghiệp này ngay ngày đầu mở bán, các chặng "nóng" từ TP HCM về một số tỉnh miền Trung những ngày cao điểm từ 24 đến 29 Tết (tức 18 đến 22-1-2020) đều hiển thị vé đã có khách đặt.

"Cháy" vé về miền Trung

Đơn cử như tuyến TP HCM – Huế, các chuyến xe hầu hết đã kín chỗ. Những ngày trước khung thời gian trên, từ 22 Tết (16-1-2020) trở lại, vé còn nhưng cũng không nhiều về miền Trung. Tương tự, nhà xe Chín Nghĩa, vé xe Tết (đợt 1) cũng được doanh nghiệp này mở bán từ hôm 26-11 từ TP HCM về Quảng Ngãi, thông qua bán vé trên mạng, phòng vé và các điểm bán vé. Nhưng theo ghi nhận trên hệ thống bán vé online của đơn vị này, từ 22 đến 28 Tết, loại xe chất lượng cao Limousine đã hết vé, trong khi vé ghế ngồi với mức giá hơn 600.000 đồng/vé, cũng đang khan hiếm dần.

Cuộc “săn” vé xe thương hiệu luôn “nóng” trong dịp Tết. Trong ảnh: Hành khách mua vé ở Bến xe Miền Đông

Qua khảo sát cho thấy các hãng xe lớn tập trung bán vé trước cho những tuyến đường về miền Trung bởi đây là chặng luôn có nhu cầu cao trong các dịp Tết. Ví dụ, theo kế hoạch của Công ty Phương Trang, trước ngày 16-1-2020, vé xe được đơn vị bán bình thường trên 6 tuyến từ TP HCM về miền Trung. Riêng từ ngày 16 đến 27-1-2020, Công ty Phương Trang thông tin chỉ bán online về miền Trung và các tuyến còn lại mở bán online trước 1 ngày, sau đó vé bán đại trà.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, các bến xe liên tỉnh lớn tại TP HCM hiện cũng đã lên kế hoạch cụ thể trong việc phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết dương lịch và nguyên đán 2020. Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) dự báo dịp Tết dương lịch 2020, khách không biến động nhiều so với ngày thường do kỳ nghỉ ngắn. Riêng Tết nguyên đán, bến xe này dự báo khách tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, tập trung từ ngày 22 đến 29 Tết. Với tình hình này, theo kế hoạch của đơn vị trên, thời gian phục vụ sẽ bắt đầu gần 1 tháng nữa, từ ngày 15-1 đến 3-2-2020 (21 tháng chạp đến 10 tháng giêng). Riêng các tuyến xe đến các tỉnh miền Trung, Bắc, Tây Nguyên và ngược lại, thời gian phục vụ sớm hơn, từ ngày 4-1-2020.

Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông, giá vé dự kiến áp dụng trong Tết Canh Tý 2020 tăng từ 20%-60%, tùy chặng, thời điểm và tổ chức bán qua 2 hình thức, trực tiếp cho khách tại quầy và trên mạng. Theo kế hoạch, thời điểm bắt đầu bán vé trước tổ chức từ ngày 30-11 âm lịch và kết thúc ngày 26-12 âm lịch, cho khách đi từ ngày 24 đến đến 28-12 âm lịch.

Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), dịp Tết Canh Tý 2020, lượng khách dự báo tương đương cùng kỳ năm trước và tập trung vào những ngày giáp Tết, cao nhất khoảng 59.000 lượt/ngày. Giá vé Tết tăng tối đa 40%, áp dụng trong 6 ngày (4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết).

Ngăn đầu cơ, bán khống

Ngoài công bố các kế hoạch, hình thức mua vé Tết, nhiều đơn vị cũng đã có hướng dẫn và khuyến cáo hành khách cần nắm kỹ thông tin, tránh tình trạng bị các nhà xe đội khống giá vé, vé giả, nhồi nhét… Tại Bến xe Miền Đông, đơn vị khuyến cáo khách nếu mua ở những điểm bán vé ngoài bến, nên tham khảo đơn vị đăng ký hoạt động tại bến, giá vé và các thông tin chuyến đi. Đặc biệt, lãnh đạo Bến xe Miền Đông lưu ý với cả những trường hợp mua vé tại bến cũng cần kiểm tra đầy đủ các thông tin trên vé, chỉ thanh toán đúng giá được ghi trên vé và không phải trả tiền thêm cho bất cứ khoản nào ngoài giá tiền đã ghi. Khách cũng có thể từ chối thanh toán hoặc yêu cầu đổi trả vé đối với những vé bị tẩy xóa, có dấu hiệu chỉnh sửa thông tin…

Trong khi đó, theo Công ty Phương Trang, những ngày giáp Tết nguyên đán, tại 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây, đơn vị này sẽ tăng cường ở mỗi bến 90 – 100 xe. Đồng thời, đơn vị này lên kế hoạch sẽ đưa vào khai thác khoảng 2.200 chuyến xe mỗi ngày vào thời gian cao điểm Tết nguyên đán 2020 và hiện đã đầu tư mua mới 60% xe trung chuyển, các loại xe có phòng riêng biệt… Đơn vị này cũng thông tin giá vé dịp Tết sẽ tăng để bù chi phí chiều xe chạy rỗng về đón khách nhưng áp dụng từng chặng đường, thời điểm và không vượt quá 60% theo quy định. "Đồng thời, để chống vé "chợ đen", Công ty Phương Trang khẳng định khách mua vé qua mạng phải nhập đầy đủ thông tin cá nhân. Một số điện thoại và 1 CMND chỉ được mua tối đa 2 vé trên 1 tuyến và CMND sẽ là căn cứ xác nhận khi khách hàng ra lấy vé và lên xe" – lãnh đạo Công ty Phương Trang khẳng định.

Liên quan tình trạng vào dịp Tết, vé xe được nhiều doanh nghiệp bán với giá "vô chừng", thường cao hơn nhiều lần giá vé công bố ở các bến xe, ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết đối với những tuyến xe cố định hoạt động tại bến xe, đều phải niêm yết giá vé đầy đủ, có sự kiểm soát của đơn vị này, bến xe, Sở Tài chính… Còn với những xe hoạt động theo dạng hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, giá vé tùy thuộc thỏa thuận giữa nhà xe và hành khách. Vì vậy, ông Khánh khuyến cáo hành khách cần tìm hiểu kỹ thông tin, từ đó so sánh giữa các tuyến xe, thời gian cao điểm Tết với ngày thường nhằm lựa chọn phù hợp. 

Vé xe dạng "cao cấp" đắt hơn vé tàu

Vé tàu Tết các chặng "nóng" từ TP HCM về miền Trung như Quảng Ngãi, Huế…, thời gian cao điểm chỉ còn vé ghế phụ nhưng cũng chỉ lác đác trên các chuyến tàu. Đơn cử như ngày 17-1-2020 (23 Tết), trên 2 đoàn tàu SE22 và SE26, còn vài chục vé ghế phụ từ ga Sài Gòn về Quảng Ngãi, với mức giá từ 780.000 – 862.000 đồng/vé. So sánh trên cùng tuyến đường này ngày 23 Tết, đối với vé xe như nhà xe Chín Nghĩa áp dụng, loại xe chất lượng cao Limousine có giá xấp xỉ 1,2 triệu đồng/vé nhưng cũng đã hết, chỉ còn vé ghế ngồi, với mức giá 610.000 đồng/vé.

Theo Gia Minh/NLĐO

 

Bình luận (0)