Một báo cáo mới của Viện McKinsey Global (Mỹ) nhận định, nguy cơ ngập lụt tại TPHCM có thể tăng gấp 10 lần cho đến năm 2050, nếu các hoạt động kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng diễn ra quá mức. Theo các chuyên gia tại Việt Nam, những dự báo tình trạng ngập tại TPHCM chỉ là phác thảo chứ không phải chính xác hoàn toàn, tuy nhiên đã đến lúc TPHCM cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và có kế hoạch ứng phó.
Triều cường dâng cao biến đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TPHCM) thành sông hồi tháng 9.2019.
Nếu không hành động gì hết mới lo ngập lụt tăng 10 lần
KTS Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia về quy hoạch – đô thị – cho rằng, báo cáo của Viện McKinsey Global có thể là kịch bản TPHCM không hành động gì hết bởi nếu thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng xử lý tác động môi trường thì không có chuyện ngập lụt tăng gấp 10 lần đến năm 2050.
TPHCM đang phát triển nóng, nếu xây dựng đô thị không đi đôi với xử lý tác động môi trường thì càng xây dựng càng ngập nước và kẹt xe. Tuy nhiên, nếu TPHCM có giải pháp ứng phó, quản lý thì sẽ không đáng lo ngại.
Cụ thể, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, những khu vực phát triển đô thị phải có một tỉ lệ nhất định giữa diện tích bêtông hóa (xây dựng công trình, làm đường, lề đường…) với diện tích dành cho nước (sông, hồ, kênh, rạch, không gian xanh, túi nước ngầm…). Không những không được lấp kênh, hồ để xây dựng công trình, mà trái lại, cần mở rộng thêm không gian xanh mặt nước tự nhiên, khi khu vực tăng gia mật độ xây dựng.
“TPHCM ngập trầm trọng như hiện nay chưa phải từ biến đổi khí hậu mà do con người phát triển thiếu bền vững. Quy hoạch giao thông, xây dựng ồ ạt, bêtông hóa tràn lan trong khi hạ tầng thoát nước không được chú trọng. Không những thế, việc đánh giá hiện trạng yếu kém khiến các biện pháp chỉ mang tính chạy theo đuôi xử lý ngắn hạn. Ở các nước phát triển, quy hoạch chống ngập phải nằm trong tổng thể quy hoạch đô thị bao gồm cả các vấn đề chống kẹt xe, kế hoạch sử dụng đất. Thiếu sự bao trùm của vấn đề quy hoạch, các giải pháp sẽ chỉ mang tính tình thế, thiếu bền vững” – ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM – cho rằng, TPHCM cần có quy định gắn trách nhiệm xây dựng các hồ điều tiết – không gian dành cho nước (hở hoặc ngầm) với chủ đầu tư mỗi dự án phát triển đô thị. “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TPHCM là cải tạo hệ thống thoát nước và tăng cường dung tích điều tiết. Đó là mục tiêu chính, ngắn hạn và hiệu quả ngay lập tức, chứ không phải chặn cửa ngoài biển hay xây đê bao bên ngoài, khi mà chúng ta đang rất thiếu vốn” – ông Phi nói.
Cần xác định lại một cốt xây dựng chuẩn với độ cao 4m
Đánh giá về việc phát triển vùng đất thấp ở phía Nam TPHCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói, việc một vài ý kiến cho rằng không được phát triển phía Nam vì sẽ làm ngập vùng đất cao ở phía Bắc là không có cơ sở khoa học.
Phát triển vùng đất thấp phía Nam TPHCM vẫn khả thi, khi đưa ra được mật độ xây dựng, giải pháp kiến trúc phù hợp yêu cầu cao hơn về không gian dành cho nước, qua đó nâng cao giá trị bản sắc đô thị sông nước. Tất nhiên, nhìn xa hơn về hiệu quả kinh tế và nguy cơ biến đổi khí hậu, theo ông Sơn, phát triển trên vùng đất cao vẫn tốt hơn trên vùng đất thấp.
Ngoài ra, ông Sơn cho rằng, cần tách riêng quy hoạch giữa khu đô thị mới và khu đô thị chỉnh trang. Quy hoạch khu đô thị mới thường rất dễ kiểm soát chống ngập. Như Thủ Thiêm, Củ Chi, nếu làm đúng theo quy hoạch cốt nền và quy hoạch hạ tầng thoát nước thì sẽ không ngập. Với khu quy hoạch chỉnh trang, chính quyền thành phố đang lúng túng trong việc xử lý quy hoạch cốt nền và quy hoạch cải tạo hạ tầng phù hợp để chống ngập. Vì vậy, thành phố cần phân loại khoanh vùng chống ngập với những giải pháp khác nhau.
Trong khi đó, KTS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM – cho biết, qua nghiên cứu tình hình về điều kiện khí hậu, thủy văn khu vực TPHCM (kết quả quan trắc hiện tượng lún sụt, kịch bản nước biển dâng tại Việt Nam) có thể nói cuối thế kỷ này, toàn bộ những vùng đất có độ cao nhỏ hơn 4m tại TPHCM có nguy cơ ngập nước và những phần diện tích xây dựng không thuận lợi chiếm tới 60-70% tổng diện tích tự nhiên TPHCM. Để hạn chế tình trạng ngập lụt, bắt buộc phải lựa chọn những vùng đất có độ cao từ 4m trở lên.
Theo ông Cương, vùng đất xây dựng thành phố mới phù hợp nhất là huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn. Diện tích tự nhiên cho xây dựng đô thị các khu vực này vào khoảng gần 80.000ha, trong đó, có hơn 70% diện tích xây dựng thuận lợi, bao gồm cả đường thủy, đường bộ, bến cảng… phù hợp với phát triển đô thị. Phần còn lại là hồ chứa, kênh rạch và rừng tự nhiên. Không những vậy, nghiên cứu về thổ nhưỡng cho thấy khu vực này ít sụt lún và đất cao nên việc xây dựng TPHCM về hướng này là phù hợp cho trước mắt và tương lai để đối phó với tình trạng nước biển dâng.
KTS Võ Kim Cương cho rằng, về lâu dài cần xây dựng một cốt nền xây dựng mới với chuẩn độ cao có thể lên 4m. Những công trình cấp đặc biệt, những khu đô thị mới phải bắt buộc nâng cốt theo quy định mới được xây dựng; những công trình khác nhà nước giao đất có thời hạn 70 năm trở xuống buộc phải xây dựng với cốt từ 2m trở lên. Làm như vậy, các công trình xây dựng mới vẫn tồn tại và phát triển cho tới tận cuối thế kỷ. Việc đầu tư này mặc dù đắt hơn nhưng phải chấp nhận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM – hiện TPHCM có hai quy hoạch lớn: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM (Quy hoạch 752) và Quy hoạch 1547 giải quyết bài toán ngập do triều cường (giai đoạn 1: Dự án 10.000 tỉ đồng đang triển khai). Tuy nhiên cả hai quy hoạch này đều đã lỗi thời.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đang phối hợp với Sở Xây dựng TPHCM nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu là nghiên cứu cập nhật và quy hoạch cốt nền cho từng khu vực đảm bảo quy hoạch chung, phù hợp với quy hoạch thoát nước; lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa; xác định lưu vực, tính toán hệ thống thoát nước phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu; lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thu gom nước thải…
|
MINH QUÂN (theo laodong)
Bình luận (0)