Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quần áo, dụng cụ học tập tăng giá: Phụ huynh nghèo lao đao

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Thanh Mai đang mua đồ tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ“Bộ đồng phục của hai người anh chúng nó nay đã lên THPT, tôi vẫn gấp cẩn thận định để cho hai đứa em đang học THCS mặc tiếp. Nhưng năm học này, đồng phục mỗi trường mỗi kiểu, giá cả thì tăng nên tôi đành cho một đứa nghỉ học để đi làm” – chị Tô Thị Hai, công nhân ở quận 9 xót xa khi nói về chuyện lo học hành cho các con của mình trước thềm năm học mới.

Niềm vui trong nỗi lo trĩu nặng

Ngày 13-7, biết tin đứa con trai đầu vừa đậu vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, niềm vui chưa dứt, chị Thu Vân (quận Thủ Đức, TP.HCM) dẫn con đi làm thủ tục nhập học đã lo ngay ngáy các khoản mua sắm đầu năm học. Đưa con đến bàn các nhân viên Công ty may Sài Gòn đang may đo đồng phục cho học sinh của trường chị nhẩm tính: “Áo sơ mi giá 75.000 đồng/cái, quần tây 90.000 đồng/cái, ít nhất phải may hai bộ. Vậy riêng khoản quần áo cho một đứa con chị đã mất hơn 300 ngàn đồng”. Hỏi chuyện mới biết, chị hiện đang làm công nhân cho Công ty dệt Việt Thắng, chồng chị mất cách đây bảy năm do tai nạn giao thông. Ngoài đứa con trai đầu chị còn một đứa đang học Trường THCS Lê Quí Đôn, và đứa thứ ba học Trường Tiểu học Lương Thế Vinh. Với đồng lương 1.700.000 đồng/ tháng, chị phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền để mua sắm cho các con chuẩn bị bước vào năm học mới.

Còn gia đình anh Lê Văn Tuấn nhà tổ 10, KP.2, Tăng Nhơn Phú A, quận 9 thì từ Thanh Hóa vào đây lao động kiếm sống. Anh làm thợ hồ vì mùa mưa nên luôn bị thất nghiệp, chị Chinh (vợ anh) thì đi phụ việc nhà. Cả tháng hai vợ chồng làm cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng, nhưng phải nuôi ba người con ăn học. Năm học cận kề anh chị không biết xoay đâu ra tiền để sắm quần áo và sách vở cho con. Chưa kể tiền trường và bao khoản tiền phụ thu khác. Thu Thủy cô con gái thứ hai của anh Tuấn đang học lớp 9, Trường THCS Tân Phú ngại ngùng nói: “Mấy năm trước, em thường mặc lại đồ của chị gái, nhưng năm nay nhà trường thay đổi đồng phục nên còn ba bộ chị để lại cũng không thể mặc đến trường được”. Hiểu được nỗi khổ của cha mẹ, cách đây hai hôm Lê Thị Thanh chị gái của Thủy đã xin bố mẹ nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, khi nào có tiền sẽ học tiếp. Mong ước nuôi các con học lên đại học không thành, hai vợ chồng anh Tuấn, chị Chinh chỉ còn biết khóc thầm.

Tại cửa hàng bán đồng phục học sinh Sang Huy trên đường Cao Thắng, quận 3, một bác gái khoảng 60 tuổi dẫn hai đứa cháu đang kèo nèo giá bộ đồng phục lớp 4. Cuối cùng bác cũng mua cho mỗi đứa cháu một bộ hết 70.000 đồng. Hỏi sao bác không mua ở trường thì bác phân trần: “Ở trường bán mỗi bộ là 130.000 đồng, ra ngoài này mua tiết kiệm được gần một bộ sách cho các cháu”. Bác nói tiếp: “Mang tiếng là ở quận 3, nhưng ở chung cư trên đường Nguyễn Thiện Thuật, cha mẹ các cháu bỏ nhau; mỗi người một nơi, tội nghiệp chúng không ai trông nom nên tôi đưa hai đứa về nuôi. Hai ông bà già, hai đứa cháu, nhưng tất cả chỉ dựa vào đồng lương hưu của ông nhà. Mấy tháng nay, cả gia đình phải nhịn ăn sáng để các cháu có đồ mặc”. Đằng sau khuôn mặt phúc hậu của bác, nỗi buồn vẫn còn hiện rõ. Có lẽ bác đang lo ngày mai lại đến tiền trường, tiền mua sách tập, bút viết…

Giá tăng, học sinh bỏ học?

“Mua bộ sách lớp 10 giá 125.900 đồng và ba cuốn sách tham khảo, hết 240.000 đồng. So với năm ngoái giá chỉ 195.000 đồng. Còn chiếc ba lô năm trước tôi mua 98.000 đồng, nhưng năm nay phải 127.000 đồng”, chị Thanh Mai người mua hàng tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (quận Thủ Đức) nhăn mặt cho biết. Chị Mai giải thích: “Năm trước tôi mang 500.000 đi mua đồ học cho hai đứa con đã gần đủ, nhưng năm nay mới mua mấy thứ linh tinh đã hết tiền”. Anh Trần Thanh Hùng chạy xe ôm ở ngã tư Bình Thái (Q.9) dẫn con vào nhà sách Phước Long B mua đồ. Cầm trong tay 200.000 đồng, anh đinh ninh sẽ mua đủ cho đứa con đang học lớp 3 của mình để chuẩn bị bước vào năm học. Nhưng mới mua 10 cuốn tập đã hết 75.000 đồng, chiếc ba lô 120.000 đồng, không còn đủ tiền mua bộ SGK cho con, đành dẫn con ra về với lời hứa: “Mấy hôm nữa chạy xe ôm có tiền rồi ba mua tiếp”.

Có mặt tại quầy tính tiền ở siêu thị Co-op Mart ngã tư Thủ Đức (Q9), tôi quan sát thấy phụ huynh nào ra tính tiền cũng lắc đầu ngao ngán. Chị Thanh Hằng nhân viên thu ngân tại siêu thị tâm sự: “Năm nay khi ra thanh toán tiền nhiều phụ huynh phàn nàn về giá cả tăng cao, đặc biệt là đồng phục và đồ dùng học tập. Nhà tôi cũng có hai cháu đi học tôi phải dành cả hai tháng lương để sắm sửa cho các cháu, đó là chưa kể khi cháu nhập trường”.

Mới mua sắm đồng phục và đồ dùng học tập cho các cháu nhiều phụ huynh nghèo đã “viêm màng túi”, liệu khi bắt đầu năm học mới, hàng chục khoản tiền khác lại ập đến, những gia đình nghèo như chị Vân, anh Tuấn, đặc biệt là những gia đình nông thôn có đủ tiền cho con ăn học? Không biết lại có học sinh nào phải nghỉ học như Thanh khi vật giá leo thang từng ngày?

Văn Mạnh

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, cửa hàng trưởng nhà sách Nguyễn Huệ quận 1 cho biết: “Năm nay mọi thứ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá sách giáo khoa NXB Giáo Dục tăng ít nhất 10%, tăng mạnh nhất vẫn là các loại sách tham khảo và đồ dùng học sinh (tăng 15-30%). Bộ sách lớp 9 năm trước 80.000 đồng, năm nay lên 97.000 đồng, lớp 10 theo chương trình chuẩn năm trước 93.000 đồng nay 112.800 đồng, lớp 12 ban KHTN 8 cuốn năm trước 65.000 đồng nay 72.000 đồng”.

Bộ quần đồng phục bằng vải siu sezi 7, năm trước 68.000 đồng, năm nay 96.000 đồng; bộ đồng phục sáo sơmi quần tây do Công ty Nhà Bè may năm trước 173.000 đồng năm nay lên 197.000 đồng. Bộ áo dài cùng chất liệu của nhà sản xuất Thái Tuấn năm trước 125.000 đồng năm nay 155.000 đồng.

Bình luận (0)