Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lùi thời gian thực hiện một kỳ thi: Bộ GD-ĐT đã “dừng” đúng lúc?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa quyết định lùi thời gian thực hiện một kỳ thi quốc gia sau năm 2009. Điều này đã được dư luận hoàn toàn ủng hộ, nhất là những người có tâm huyết với ngành giáo dục. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận điều kiện để thực hiện một kỳ thi vào năm 2009 chưa chín muồi.

Có nhiều bất cập nếu gộp một kỳ thi

Trao đổi về quyết định lùi thời gian thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, thầy Đào Văn Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội tâm sự: “Kỳ thi tốt nghiệp năm 2008, Trường ĐH Y được phân công làm công tác thanh tra ủy quyền tại tỉnh Thái Nguyên. Đoàn của chúng tôi về huyện Võ Nhai. Đây chưa phải là một huyện miền núi nghèo nhất của vùng núi Đông Bắc tổ quốc, nhưng nhìn học sinh ở đây thi tốt nghiệp, chúng tôi phải ứa nước mắt. Một phòng thi có gần 40 học sinh nhưng chỉ có 2 học sinh có được chiếc máy tính nhỏ xíu (tất nhiên không phải loại hiện đại) để tính bài. Cả khu vực thi nếu không có lực lượng công an cũng chẳng ai “bén mảng” đến. Khi hỏi ra mới biết, nếu có đến, đề có được tuồn ra ngoài thì cũng có ai biết đâu mà giải. Chính vì sự chênh lệch về kinh tế – xã hội này, nếu thực hiện một kỳ thi quốc gia, học sinh miền núi sẽ bị thiệt hơn rất nhiều, cơ hội vào ĐH của các em sẽ hẹp hơn rất nhiều”. Không những thế, nhiều người còn lo ngại sẽ xảy ra tình trạng làm “sạch” hồ sơ khi chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Hiện tượng này tất nhiên không phổ biến nhưng vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh học sinh. Thầy Đỗ Duy Truyền, Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội khẳng định: “Hoàn toàn hợp lý khi lùi thời gian thực hiện một kỳ thi quốc gia. Vì tính chất của hai kỳ thi này khác nhau, phải có tuyển chọn đối với thi ĐH”. GS.TS Ngô Thế Chi, Học viện Hành chính quốc gia cũng khẳng định không nên bỏ kỳ thi ĐH. GS. Chi lập luận: vì chỉ có vài trăm trường ĐH nhưng có hàng ngàn trường phổ thông, vì vậy phải có sự khác biệt đối với thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Còn thầy Đào Văn Long, Trường ĐH Y Hà Nội thì cho rằng, với “công nghệ” luyện thi ĐH như hiện nay thì có thể phân biệt năng lực thực sự của học sinh.

Nên thi ĐH, bỏ thi tốt nghiệp THPT

Đây là ý kiến khẳng định của rất nhiều nhà sư phạm. Thầy Đỗ Duy Truyền, ĐH Hà Nội đưa ra quan điểm: “Nên chăng đào tạo phổ thông chỉ nên cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, còn ở bậc ĐH, nhà nước nên giao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Từng trường phải chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT về chất lượng đào tạo của sinh viên. Nếu thực hiện được điều đó, các trường sẽ tự tổ chức tuyển sinh và quyết định thời gian tổ chức thi. Áp lực đối với xã hội sẽ không còn, giao thông, đời sống của người dân tại các thành phố lớn có nhiều trường ĐH sẽ không bị xáo trộn”. PGS.TS Phạm Minh Việt, Hiệu trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cũng đề xuất Bộ nên xem xét các phương án, thi cử như hiện nay rất nặng nề. Bỏ bớt một kỳ thi là tốt nhất. Điều quan trọng là không có tiêu cực, không phải thanh tra, kiểm tra. Được vào ĐH không chỉ là quyền lợi mà còn là nhu cầu chính đáng của mỗi học sinh. Các trường sẽ mở rộng đầu vào và kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. TS. Nguyễn Kim Sơn, Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng khẳng định, đối với phổ thông, chỉ cần cấp cho học sinh bằng chứng chỉ và nên có một kỳ thi ĐH. GS.TS. Ngô Thế Chi, Học viện Hành chính quốc gia còn cho rằng khối trường kinh tế, nghệ thuật, kỹ thuật, xã hội nên thi riêng và không nhất thiết phải thi những môn thi giống nhau như hiện nay (đối với những ngành cùng khối thi).

Nghiêm Huê

Bình luận (0)