Kỳ thi “hai trong một” là kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT dự định tổ chức trong năm 2009, nhằm đạt hai mục đích: xác nhận việc tốt nghiệp (hoặc không tốt nghiệp) THPT, và làm cơ sở để xét tuyển vào đại học.
Bàn về việc làm “hai trong một” này, GS. Hồ Ngọc Đại đã có hai thí dụ hóm hỉnh khi trả lời tạp chí Tia Sáng (số 13 ngày 5-7-2008). Thí dụ thứ nhất: “Ông chủ B. (B. là Bộ – chú thích của người viết) bước vào phòng mới, đã dọn sạch, thế mà chềnh ềnh ra hai bình lưng lửng nước trong veo. Chướng mắt, với trí khôn và quyền lực của mình, B. nghĩ bụng, sao mà ngốc thế, rồi B. quát: đổ vào một bình, chỉ cần một thôi, bỏ đi một bình. Bà lao công quét dọn không dám ho he, bà biết, dù trông bề ngoài giống hệt nhau, nhưng bình này là nước lọc, bình kia là xăng. Nếu là nhà khoa học, bà sẽ nói chữ là hai khái niệm khác nhau”. Thí dụ thứ hai về thể dục thể thao: “Học sinh phổ thông chỉ cần phải nhảy qua 1,1m. Ai nhảy qua 1,1m là đỗ (đậu). Có lần thi đấu quốc tế, người đã nhảy qua 2,44m mà bị loại (trượt), vì có người nhảy qua 2,45m”.
Hai mục đích khác nhau, hai khái niệm khác nhau, tất “thao tác” phải khác nhau. Đã có nhiều bài viết “hoài nghi” cách làm này. (Chẳng hạn, có bài viết đặt câu hỏi : một học sinh tốt nghiệp THPT nhưng trượt đại học năm nay, vậy sang năm có phải thi tốt nghiệp phổ thông lại lần nữa để làm cơ sở xét tuyển vào đại học không? Bài viết khác: trong tình hình hiện nay, khó đảm bảo tính nghiêm túc, sự công bằng xã hội sẽ không bảo đảm…). Đề án này nhằm tiết kiệm nhiều khoản (thời gian, sức lực, tiền bạc…), nhưng xem chừng chưa thật ổn.
Trước sự “phản biện” của dư luận xã hội, Bộ đã quyết định “hoãn thực hiện kỳ thi quốc gia “hai trong một” đến năm 2010, vì đề án chưa thực sự “chín muồi”.
Xin hoan nghênh Bộ “một nửa”, vì Bộ mới chỉ “thực sự cầu thị” có một nửa. (“thị” là đúng, “phi” là sai. Bộ mới chỉ đi tìm cái đúng có phân nửa). Sẽ hoan nghênh Bộ “toàn phần”, nếu Bộ bỏ hẳn phương án chưa “chín muồi” này, thay bằng phương án khác tốt hơn.
C. Dân
Bình luận (0)