“Độ tuổi 0 – 36 tháng là quá nhỏ, nhiều phụ huynh lo lắng con hay bị ốm liên quan đến bệnh hô hấp, lây nhiễm nên không đưa con đến trường và nhóm trẻ. Do đó, cần thực hiện chăm sóc, giáo dục sao cho đảm bảo sức khỏe và tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất để phụ huynh yên tâm gửi con đi làm”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết Đề án “hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp (KCN) – khu chế xuất (KCX)” giai đoạn 2015-2020, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 12-11.
Ông Dương Anh Đức cho rằng với chỉ tiêu khoảng 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai đề án phải được gửi tại các nhóm trẻ là quá cao, khiến việc thực hiện sẽ gặp khó khăn. Bởi vì độ tuổi này trẻ còn quá nhỏ, nhiều phụ huynh lo lắng con hay bị ốm liên quan đến bệnh hô hấp, lây nhiễm nên không đưa con đến trường và nhóm trẻ. Do đó, cần thực hiện chăm sóc, giáo dục sao cho đảm bảo sức khỏe và tạo điều kiện cho trẻ phát triển tốt nhất để phụ huynh yên tâm gửi con đi làm.
Bằng cách, tập trung tổ chức nâng cao trình độ, kỹ năng nuôi dạy trẻ cho giáo viên. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các ông bố, bà mẹ để trường hợp không đưa trẻ đến trường, nhóm trẻ thì vẫn thực hiện chăm sóc tốt cho con khi gửi người thân hoặc tự trông nom. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin như lắp đặt camera nhằm tăng cường giám sát, tạo môi trường chăm sóc trẻ tốt hơn.
“Vừa qua từng xảy ra một số vụ bạo hành trẻ đã gây bất an trong xã hội nhưng gần đây đã giảm cường độ lẫn số lượng vụ việc. Cần phát huy kết quả này bằng cách tăng cường kiểm tra, giám sát, giáo dục nâng cao trình độ, ý thức những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ”, ông Dương Anh Đức nói.
Theo Phó chủ tịch UBND TP, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ từ nhỏ là rất quan trọng vì tạo ra nền tảng sức khỏe tốt cho các cháu. Thực hiện Đề án, ngoài việc vận động tối đa nguồn lực của khối công thì TP còn huy động thêm các nguồn lực từ khối tư, từ đó tạo ra môi trường hỗ trợ gửi trẻ tốt hơn. Ban chỉ đạo Đề án quyết tâm thực hiện các nội dung để đảm bảo cuối năm 2025 sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong hoàn cảnh thực tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, TP cũng nên lưu ý các yếu tố bất ngờ như dịch Covid-19 đã và vẫn đang xảy ra. Do đó, cần tiếp tục chuẩn bị những giải pháp phòng chống dịch Covid-19; tính toán đưa ra kế hoạch dự phòng và xem lại khả năng huy động các nguồn lực khác nhau để củng cố vào thực hiện Đề án.
Mặt khác, ngoài những đề xuất với Trung ương thì TP cũng phải chủ động tạo môi trường ổn định hơn để duy trì các nhóm nuôi trẻ. Nên đưa các giải pháp vào kế hoạch hành động những gì mà TP có thể thực hiện được.
“Ví dụ trong đề xuất Trung ương phải có chính sách cụ thể để ràng buộc các nhóm trẻ hoạt động ổn định thì TP.HCM vẫn có quyền đưa ra những ràng buộc này. TP phải chủ động trước, sau đó tận dụng các chính sách từ Trung ương mới đạt kết quả tối ưu”, ông Dương Anh Đức nói.
Tính đến cuối năm học 2019-2020, TP.HCM có 1.739 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, hầu hết tập trung nhiều ở các quận có KCN-KCX như: quận 9, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Tại các KCN-KCX, lao động nữ chiếm đến 52,6% có con nhỏ dưới 6 tuổi và có nhu cầu gửi trẻ nhưng chỉ có khoảng 19% gửi vào các cơ sở mầm non công lập, còn lại phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân còn nhiều bất cập… Hầu hết các KCN-KCX chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (đứng giữa) tặng Bằng khen cho các đơn vị
Còn nhiều nhóm trẻ chưa đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên, đồ chơi trang thiết bị. Người nuôi giữ trẻ ở các cơ sở không phép vừa thiếu vừa chưa được đào tạo đạt chuẩn; vẫn còn tồn tại nhóm lớp không phép và hộ giữ trẻ gia đình; một số hành vi ngược đãi trẻ em, vi phạm pháp luật đối với trẻ xảy ra tại cơ sở giáo dục mầm non đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, gây khó khăn cho công tác quản lý…
Chính vì thế, việc triển khai thực hiện Đề án “hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN – KCX” giai đoạn 2015-2020 được đánh giá hết sức nhân văn. Đề án gần như huy động toàn bộ nguồn lực xã hội để thực hiện hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN – KCX, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình, đặc biệt gia đình làm công nhân yên tâm gửi con làm việc.
Qua 5 năm triển khai, tổng kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án lên đến hơn 14 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 9 tỷ đồng, kinh phí từ các nguồn lực khác khoảng 1,8 tỷ đồng và kinh phí công đoàn khoảng 3,2 tỷ đồng. Đề án đã mang lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của 151 nhóm trẻ thông qua hỗ trợ các trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, lắp đặt camera tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn. Tính riêng nhóm trẻ từ 0-36 tháng tuổi, cuối năm học 2019-2020, toàn TP có 55.297/172.403 cháu được đến trường, nhóm trẻ (đạt tỷ lệ 32,1%), trong đó ở các KCN-KCX có 9.508/29.780 trẻ, đạt tỷ lệ 31,9%.
Dịp này, UBND TP.HCM đã tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Đề án.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)