Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Làm gì sau khi rớt hết các nguyện vọng?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đang ở trong tâm trạng lo lắng, không biết lựa chọn con đường học tiếp như thế nào sau khi biết tin mình không trúng tuyển vào đại học, cao đẳng. Kể cả bạn trẻ không đỗ tốt nghiệp THPT hoặc không có cơ hội học lên lớp 10 chương trình phổ thông năm học 2008 – 2009 cũng đang rất hoang mang, bế tắc. Mỗi năm học qua đi, lại có hàng triệu bạn trẻ gặp phải khó khăn này. Nếu không có sự hỗ trợ về tâm lý cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em, sẽ gây lãng phí lớn về nhân lực, chưa kể những tác hại có thể có từ số thanh thiếu niên “nhàn cư vi bất thiện” này.

Làm gì nếu chẳng may bạn rơi vào một trong các trường hợp trên? Thực ra con đường là rộng mở cho mọi người. Không nên lãng phí thời gian, của cải. Các bạn trẻ có thể chọn con đường học nghề sơ cấp, trung cấp. Đặc biệt các bạn có khả năng thì còn có nhiều cơ hội học tiếp chương trình liên thông lên cao đẳng, đại học.

Hiện có nhiều trường cao đẳng và đại học có hệ đào tạo trung cấp thu nhận học sinh tốt nghiệp THCS, THPT.

Năm nay Bộ GD-ĐT cho phép cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những thí sinh rớt tú tài; thậm chí cấp giấy chứng nhận học xong lớp 10 hoặc 11 cho những học sinh không muốn học tiếp phổ thông để các em có điều kiện vào trường nghề vừa học nghề vừa học văn hóa (chương trình bổ túc). Đó là hướng mở nhằm thu hút rộng rãi bạn trẻ vào hệ thống trường nghề.

Chúng ta đều biết đang có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu đào tạo và lao động. Đào tạo cao đẳng, đại học nhiều hơn trung cấp, sơ cấp nghề nghiệp; lý thuyết nhiều hơn thực hành. Trong cơ cấu nhân lực thì kỹ sư, cử nhân (đại học và cao đẳng)và sau đại học cộng chung lại nhiều hơn công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề – thầy nhiều hơn thợ.

Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, nguồn nhân lực có trình độ trung cấp thiếu trầm trọng. Thông tin từ báo đài cho thấy nhu cầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài đối với nguồn nhân lực này là rất lớn, đồng thời nhiều doanh nghiệp trong nước tuyển dụng kỹ thuật viên, thợ lành nghề, nhân viên phục vụ cao cấp… nhưng không đáp ứng được. Nhiều trường nghề tại TP.HCM đang mở nhiều khoa đào tạo “thời thượng” cung ứng nhu cầu xuất khẩu lao động và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Hiện cả nước có hàng triệu thanh niên luyện thi đi luyện thi lại chờ cơ hội vào đại học, và con số này ngày càng tăng. Vì mỗi năm hệ thống các trường đại học cũng chỉ đủ sức thu nhận khoảng 20 % trong tổng số gần 2 triệu bạn trẻ dự tuyển mà thôi. Vậy tại sao không nhanh chóng vào trường trung cấp nghề? Vào trường nghề sớm, bạn có cơ hội giúp gia đình, khả năng tìm việc dễ, thu nhập không kém; lại có cơ hội học lên sau này. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu nói của người xưa hẳn không xa lạ với người Việt, ngày nay lại rất được giới trẻ các nước phát triển coi trọng.

Long Phụng Sơn

Bình luận (0)