Đó là khẳng định của Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh tại buổi giao ban các phó phòng mầm non (MN) diễn ra ngày hôm qua (16-10). Ông Minh cho biết: “Sau khi Báo Giáo Dục TP.HCM có bài viết: “Tiền phụ trội cho giáo viên mầm non – 21 năm bị bỏ quên”, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà đã nhất trí với đề xuất tính lương phụ trội cho giáo viên mầm non (GVMN) của Sở GD-ĐT”.
> Tiền phụ trội cho giáo viên mầm non: Bị bỏ quên suốt 21 năm!
Đừng tính phụ trội kiểu “nửa vời”
Xung quanh vấn đề tiền phụ trội cho GVMN, bà Lê Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Các quận, huyện nên học tập Q.Tân Phú, bởi từ vài năm nay Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú đã tham mưu với UBND quận để tính phụ trội cho GVMN. Theo đó, mỗi GVMN được tính phụ trội là 1 tiếng/ngày. Trước mắt, chúng ta phải xác định “thêm được đồng nào thì hay đồng nấy”…”.
Song, bà Phan Thị Phượng – Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cho rằng: “Mỗi ngày GVMN làm việc ít nhất là 10 tiếng, dư 2 tiếng. Như vậy, mỗi năm học (9 tháng) sẽ dư 396 tiếng nên cách tính 1 tiếng/ngày là cách tính “nửa vời”. Nếu tính như vậy chỉ đảm bảo được 200 tiếng, còn lại 196 tiếng thì ai trả lương?”.
Mới đây, Phòng GD-ĐT Q.3 đã có văn bản gửi UBND quận kiến nghị tính phụ trội cho GVMN là 2 tiếng/ngày. Bởi theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT Q.3 thì: “Áp lực công việc của GVMN quá lớn. Nhiều GV ở nhà không phải “đụng tay đụng chân” vào việc gì nhưng khi tới trường thì vừa phải chăm sóc dạy dỗ trẻ, vừa phải chà nhà vệ sinh. Có thể nói, các cô không có thời gian để nghỉ ngơi. Ở trường đã vậy, về nhà các cô còn phải soạn giáo án. Vất vả như vậy nên rất nhiều GV, đặc biệt là GV trẻ đã bỏ việc”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT cho biết: “Với thời gian làm việc từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ, chúng tôi tính phụ trội cho GVMN là 2 giờ/ngày. Tuy nhiên, do vướng mắc Thông tư 17 là GV không được dạy thêm quá 200 tiết/năm học nên đang lấn cấn giữa việc tính 1 giờ hay 2 giờ/ngày. Nhưng nếu không tính đủ phụ trội thì rất thiệt thòi cho các cô. Theo đó, Phòng GDMN kiến nghị, nếu ngân sách nhà nước không thể trả đủ tiền phụ trội 2 tiếng/ngày thì trả 1 tiếng, 1 tiếng còn lại sẽ do phụ huynh đóng góp…”.
Ngoài ra, bà Phượng – Q.6 đề nghị Sở GD-ĐT cho phép các phòng GD-ĐT thu một phần kinh phí từ các cơ sở MN ngoài công lập để bù đắp lại chi phí quản lý. Bà Phượng giải thích: “Trung bình mỗi cán bộ quản lý của các trường MN công lập phải hỗ trợ chuyên môn cho hàng chục cơ sở MN ngoài công lập nhưng bao năm nay đều làm không công. Về phía phòng GD-ĐT, hàng năm cũng phải chi khá nhiều tiền để photo văn bản, tài liệu gửi cho các cơ sở MN ngoài công lập. Theo đó, các cơ sở này phải có nghĩa vụ đóng góp”.
Được biết, Phòng GDMN – Sở GD-ĐT cũng đề nghị các chế độ chính cho cán bộ phụ trách MN thuộc các phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường MN…
Nguy cơ bùng nổ suy dinh dưỡng
Cũng tại buổi giao ban này, nhiều vấn đề đã được đưa ra, đặc biệt là sự cố sữa Trung Quốc nhiễm chất melamine. Sau sự cố này, không ít trường e ngại nên hạn chế cho trẻ uống sữa. Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – cán bộ y tế Sở GD-ĐT cảnh báo: “Cháu sẽ không “chết” vì chất melamine mà sẽ “chết” vì suy dinh dưỡng”. Theo đó, bác sĩ Dũng kêu gọi các trường hãy cho trẻ uống sữa. Và chỉ chọn những sản phẩm sữa đã được công bố là không nhiễm melamine.
Bà Phạm Thị Ánh Nguyệt – chuyên viên Phòng GDMN – Sở cho biết: “Trong hơn một tháng qua, Phòng GDMN đã đi kiểm tra một số trường MN, nhận thấy có không ít trường thu tiền ăn quá thấp, có nơi chỉ thu 9 – 10 ngàn đồng/ngày. Trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay, với mức thu này các trường sẽ không đảm bảo được chất lượng khẩu phần ăn của cháu. Chúng ta đang tính trung bình một bữa ăn phải đảm bảo 14-15% chất đạm nhưng nếu tiền ăn thấp thì chỉ đảm bảo được 8-9%. Theo đó nguy cơ suy dinh dưỡng là rất cao. Qua đợt khám sức khỏe đầu năm học cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm nay nhiều gấp đôi năm ngoái nếu các trường không tăng tiền ăn thì cuối năm sẽ khó giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng”.
Một vấn đề nổi cộm trong các trường MN trong thời gian qua là tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM). Trong tháng 9 vừa qua, Trường MN Rạng Đông I – Q.6 có 4 cháu Lớp mầm 3 bị bệnh TCM. “Nhiệm vụ của chúng ta dạy học nhưng phải phối hợp với y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Khi cháu nghỉ học, GV phải gọi điện về gia đình hỏi xem cháu bệnh gì. Nếu bị bệnh lây nhiễm thì báo ngay cho y tế.
Cũng theo bác sĩ Dũng, Sở Y tế đã cung cấp miễn phí cloramine B cho các trường làm vệ sinh sàn nhà, lau rửa đồ chơi của cháu. Trường nào có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để nhận thuốc… Thuốc phải do phó hiệu trưởng bán trú giữ, mỗi ngày phát cho GV một bịch để làm vệ sinh trong ngày và làm vệ sinh sau khi trẻ đã về hết.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)