Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xử lý thực phẩm có melamine: Đốt là hạ sách!?

Tạp Chí Giáo Dục

Cho đến nay, cả nước đã phát hiện 24 mẫu sữa chứa melamine với số lượng khoảng 380 tấn. Tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tình hình sữa và sản phẩm nhiễm melamine do Bộ Y tế tổ chức ngày 18-10, nhiều ý kiến cho rằng nên tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. Song hiện nay chưa có quy trình tiêu hủy an toàn và tiết kiệm. Xung quanh vấn đề này, ngày 23-10, Hội Y tế công cộng TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học xử lý thực phẩm có melamine…

> Sữa Yili có chất melamine: Còn 19 hộp chưa thu hồi

Melamine không gây độc ở liều thấp

Melamine là một triamine có sườn triazine và khi chỉ có một mình thì độc tính không cao, không dễ dàng bị chuyển hóa trong cơ thể và đào thải nhanh ra ngoài bằng đường tiểu. Tuy nhiên nếu melamine kết hợp với acid cyanurich thì sẽ tạo tinh thể không tan melamine cyanurate trong thận, gây sỏi thận.

Đưa sữa Yili đi tiêu hủy. Ảnh: T.Ngọc

Tiến sĩ Trương Thanh Cảnh – khoa Môi trường Trường ĐH KHTN – ĐH QG TP.HCM cho biết: “Sở dĩ những trẻ em ở Trung Quốc bị sạn thận là do các em chỉ sử dụng nguồn dinh dưỡng duy nhất là sữa. Và sử dụng liên tục trong 1-2 năm. Bởi qua nghiên cứu trên chuột cho thấy, nếu với liều lượng melamine thấp thì không gây độc, chỉ gây độc chủ yếu khi hình thành muối melamine cyanurate”.

Từ những nghiên cứu về độc tính của melamine, các nước châu Âu quy định mức tối đa về melamine mà con người sử dụng trong ngày là 0,5 mg/kg thể trọng; còn ở Mỹ là 0,63 mg/kg thể trọng. Tại Hồng Kông, Canada, Trung Quốc và một số nước thì ngưỡng melamine và acid cyanuric trong sữa và thực phẩm cho phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em được quy định là 1 mg/kg thực phẩm. Ở khu vực ASEAN, tuyên bố chung của các bộ trưởng Bộ Y tế là tuyệt đối cấm cho melamine vào thực phẩm. Riêng đối với Việt Nam, Bộ Y tế cấm sử dụng sữa và thực phẩm từ sữa có phát hiện melamine cho người.

Melamine có rất nhiều ứng dụng, “melamine phối hợp với formaldehide tạo ra nhựa melamine. Đây là một loại nhựa chịu nhiệt cao được sử dụng trong sản xuất cốc, chén, sản phẩm tẩy sạch, đồ gỗ, vải, keo, chất phụ gia beton… Ngoài ra, melamine còn được dùng làm phân bón giàu nitơ, sử dụng cho thức ăn bổ sung nitơ cho động vật nhai lại (trâu, bò)”, TS. Thanh Cảnh cho biết.

GS. Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học & Kỹ thuật TP.HCM cũng cho biết thêm: “Melamine có trong thức ăn chăn nuôi. Kết quả phân tích của FDA (Mỹ) năm 2007 cho thấy nồng độ melamine trong thức ăn cho thủy sản (cá, tôm) là 53 – 400 mg/kg thực phẩm; trong thức ăn của heo là 30mg/kg thực phẩm. Qua phân tích trong thịt heo, cá không thấy melamine”…

“Đốt là hạ sách”

Đó là ý kiến của PGS. Phạm Thành Hồ – bộ môn công nghệ sinh học Trường ĐH KHTN, ĐH QG TP.HCM khi được hỏi về phương án giải quyết 380 tấn sữa và sản phẩm từ sữa có chứa melamine. PGS. Thành Hồ đưa ra một giải pháp xử lý không những tiết kiệm được chi phí tiêu hủy mà còn tạo ra sản phẩm, đó là: “Nên quậy sữa bột có melamine vào nước, bơ và váng sữa sẽ nổi lên trên mặt nước, vớt ra làm nguyên liệu sản xuất xà bông; quá trình quậy sữa và nước tạo ra chất casein là nguyên liệu dùng làm keo dán và tạo ra acid latic kết hợp với vôi dùng để quét (sơn) tường nhà..”.

Trong khi đó, TS. Thanh Cảnh đưa ra giải pháp: “Có thể tận dụng các thực phẩm có chứa melamine như một nguồn dinh dưỡng làm thức ăn cho gia súc (tốt nhất là trâu, bò), cá với hàm lượng melamine nhỏ hơn 250 mg/kg thể trọng gia súc. Vì hầu hết các tài liệu khoa học trên thế giới đều khẳng định không có sự tích lũy melamine trong thịt súc vật, cá khi chúng ăn thức ăn chứa melamine”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng rải sữa có melamine và chôn xuống đất, vi sinh vật trong đất sẽ phân hủy melamine. Thậm chí, TS. Diệp Ngọc Sương – Công ty CP Khoa học & Công nghệ sắc ký Hải Đăng đề nghị “làm phân bón vi sinh”. Ý kiến này cũng được sự đồng thuận của nhiều đại biểu.

Trái ngược với ý kiến của các nhà khoa học, đại diện cho Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cho rằng cách tốt nhất để tiêu hủy những sản phẩm này là đốt. Vì dưới góc độ nhà quản lý, Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ phải giải trình toàn bộ sự việc với UBND TP, nếu quá trình tiêu hủy càng nhiều công đoạn thì công việc giải trình càng cực…

Đại diện cho nhà quản lý, TS. Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kết luận: “Ghi nhận tất cả những ý kiến của các đại biểu trình UBND TP và Bộ Y tế xem xét, từ đó đưa ra biện pháp xử lý cuối cùng. Tuy nhiên, dù là giải pháp nào thì cũng phải dựa trên ba nguyên tắc đảm bảo sức khỏe người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường và kinh tế của các doanh nghiệp…”.

Hòa Triều

Hàng trăm tấn sữa nhiễm melamine sẽ được tiêu hủy và tái xuất về Trung Quốc

Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Y tế và các bộ ngành đã họp thống nhất các biện pháp xử lý sữa và các sản phẩm sữa nhiễm melamine…

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khẳng định, Bộ Y tế chưa ban hành văn bản quy định giới hạn hàm lượng melamine có trong sữa vì đơn giản, melamine là một chất không được phép có trong chế biến thực phẩm. Hiện tại, mức giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Theo đó, hầu hết các nước khi phát hiện sản phẩm sữa và thực phẩm có chứa chất melamine đều ra quyết định thu hồi và tiêu hủy sản phẩm.

“Việc công bố chính thức giới hạn an toàn (dù là ở bất kỳ giới hạn nào) trên người của một chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm là một việc làm không cần thiết của các cơ quan chức năng. Mặt khác, điều này dẫn đến việc hợp pháp hóa cho những hành vi không hợp pháp của một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính, vì lợi nhuận, sẵn sàng cho thêm vào sữa một lượng melamine nhất định, vượt ngưỡng cho phép. Hơn thế nữa, nguy cơ có thể dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp sản xuất sữa của các nước láng giềng có đường biên giới chung với Việt Nam sẽ đưa vào thị trường Việt Nam các sản phẩm sữa được cho melamine vào một cách chủ ý”, ông Quang nhấn mạnh.

Trong buổi họp liên ngành này, các bộ đã thống nhất hướng xử lý sữa và các sản phẩm từ sữa nhiễm melamine. Theo đó, trong thời gian 20 ngày tới, 393 tấn sữa bột nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm melamine sẽ được tái xuất quay trở về Trung Quốc (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp có liên quan sẽ chủ trì và giải quyết); 366 tấn sản phẩm sữa nhiễm melamine dùng nguyên liệu nhập khẩu (sản phẩm sữa đã sản xuất tại Việt Nam của Hanoimilk) và 4 tấn nguyên liệu sữa không rõ nguồn gốc, sản phẩm kém chất lượng nhưng âm tính với melamine được tiêu hủy. Ngoài ra, hơn 104 tấn sữa/sản phẩm sữa chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng không nhiễm melamine, Bộ Y tế yêu cầu doanh nghiệp phải công bố tiêu chuẩn chất lượng, sau đó giải tỏa cho lưu thông. Trước đó, ngày 22-10, tại TP.HCM, 18 tấn sữa nước (sữa Yili) nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm melamine của Công ty Kim Ấn đã được tiêu hủy…

Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)