Việc tài khoản của người dùng Mobile Money có thể chuyển tiền và giao dịch tới hơn 100 triệu tài khoản thanh toán ngân hàng được xem là bước tiến mới góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt…
Phó Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết thống kê gần nhất cho thấy đã có khoảng 2,2 triệu tài khoản người dùng Mobile Money sau 11 tháng triển khai, trong đó khoảng 68% người dùng ở khu vực nông thôn.
Con số này góp phần thúc đẩy thanh toán giao dịch hàng hóa nhỏ, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và kỳ vọng năm sau có thể hướng tới mục tiêu khoảng 10 triệu thuê bao di động sử dụng Mobile Money.
Đẩy nhanh thanh toán trên di động
Mobile Money (thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) được triển khai thời gian qua với mục tiêu góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, biên giới, hải đảo…
Sự khác biệt của Mobile Money là cho phép khách hàng có thể nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền trên mọi thiết bị di động, không bắt buộc phải dùng điện thoại thông minh. Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, dịch vụ này đã có khoảng 2,2 triệu người đăng ký và sử dụng.
Khách tham quan trải nghiệm giải pháp thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt (Face Payment) của MoMo tại một sự kiện gần đây
Dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại NH được Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng các nhà mạng triển khai mới đây được xem là bước tiến mới. Theo đó, khách hàng có tài khoản Mobile Money tại Viettel Money và VNPT Money có thể chuyển tiền trực tiếp tới tài khoản cá nhân mở tại các NH và ngược lại.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS, cho biết dịch vụ mới được triển khai giúp kết nối liên thông giữa tài khoản Mobile Money của các nhà mạng và tài khoản thanh toán của các NH. Người dân có tài khoản Mobile Money dễ dàng tiếp cận dịch vụ chuyển khoản, thanh toán của ngành NH, góp phần thúc đẩy và phổ cập tài chính toàn diện, mở ra cơ hội phát triển thanh toán nhanh không dùng tiền mặt trên thiết bị di động.
"Với dịch vụ này, người có tài khoản NH sẽ dễ dàng giao dịch không tiền mặt với người chưa có tài khoản NH nhưng có Mobile Money. Như trong gia đình, con cái dễ dàng chuyển/nhận tiền trực tuyến với cha mẹ, bất kể khác biệt về tuổi tác, thế hệ hay thói quen hoặc độ thông thạo về dịch vụ tài chính số" – ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media, giải thích.
Thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng NH số trên thiết bị di động hoặc qua ví điện tử cũng không ngừng phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Chỉ tính riêng ứng dụng ví điện tử MoMo, đến nay đã có hơn 31 triệu người dùng.
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam mới đây, ông Thái Trí Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ MoMo, cho biết đang triển khai sản phẩm demo ứng dụng AI quét và nhận diện gương mặt người dùng (Face Payment) trong các giao dịch.
"Giải pháp Face Payment của MoMo đã sẵn sàng để triển khai thực tế, kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thanh toán. Tổng quá trình thanh toán còn chỉ 3 giây mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, là giải pháp tối ưu cho thanh toán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi bởi giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của người dùng" – ông Hùng phân tích.
Tăng cường bảo mật bằng công nghệ
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành một phần tất yếu trong giao dịch hằng ngày của người dân và đang có những bước tiến mạnh mẽ.
Theo Vụ Thanh toán – NH Nhà nước, thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm khoảng 90% về số lượng và 150% về giá trị. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ NH số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại trải nghiệm liền mạch và lợi ích lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Trong 8 tháng đầu năm nay, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.
Tại NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tính đến cuối tháng 9-2022, quy mô khách hàng đạt hơn 10 triệu; giao dịch kênh số tăng trưởng mạnh, đạt hơn 3,6 triệu người dùng trên kênh Sacombank Pay – tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 3,2 triệu người dùng Internet Banking/Mobile Banking. Tỉ lệ giao dịch thanh toán qua kênh số chiếm 86% doanh số giao dịch thanh toán.
Tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2022 của TP HCM mới đây, nhiều khách tham quan ngạc nhiên với gian hàng triển lãm giới thiệu sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ, AI… vào thanh toán không tiền mặt.
Trong đó, NH TMCP Á Châu (ACB) ra mắt trợ lý ảo AI BOT thế hệ mới – ứng dụng công nghệ AI tiên tiến, cho phép hỗ trợ chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc của khách hàng chính xác và tự nhiên.
Theo đại diện ACB, từ năm 2020, công nghệ AI đã sớm được đưa vào nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm, như Video call Face Identity – ứng dụng AI cho phép xác thực danh tính ngay tại thời điểm cuộc gọi. Khách hàng không cần đến quầy vẫn có thể chuyển đổi tài khoản, nâng hạn mức lên đến 300 triệu đồng/ngày, mở thẻ ghi nợ trực tuyến, gửi tiết kiệm trực tuyến…
Tại gian hàng của Sacombank, nhiều công nghệ thanh toán được giới thiệu như: thanh toán bằng mã QR, thanh toán không tiếp xúc (Contactless), thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động (Tap to phone). Khách hàng còn trải nghiệm mở tài khoản thanh toán theo số tự chọn trên ứng dụng Sacombank Pay.
"Công nghệ Tap to phone là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khi cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một thiết bị POS để thanh toán không tiếp xúc. Các doanh nghiệp có thể triển khai đa dạng phương thức chấp nhận thanh toán tại điểm bán mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư" – đại diện Sacombank cho hay.
Chị Ánh Dương (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết rất bất ngờ khi tham quan và trải nghiệm gian hàng của các NH thương mại. Tự nhận mình là "hai lúa" về thanh toán không tiền mặt nhưng gần đây, các kênh này đã giúp chị đi chợ, siêu thị, mua sắm hàng hóa, dịch vụ hay thanh toán hóa đơn… đều online.
"Dù vậy, hiện có nhiều ứng dụng thanh toán của NH, ví điện tử, fintech khác nhau và đôi lúc chưa đồng bộ nên vẫn có trục trặc. Nếu dịch vụ đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn khi giao dịch, khách hàng sẽ tin tưởng sử dụng thường xuyên hơn nữa" – chị Ánh Dương nhìn nhận.
Tốc độ ứng dụng NH số nhanh nhất khu vực
Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành NH Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng NH số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi.
Tại MoMo, đại diện ứng dụng này cho biết đến năm 2018, MoMo đã bắt đầu tập trung nghiên cứu AI, Big Data và hiện đầu tư khoảng 20%-25% tổng chi phí cho công nghệ. Hiện nay, AI đã được MoMo đưa vào mọi ngóc ngách của ứng dụng, như hệ thống khuyến nghị sản phẩm, phân phối ưu đãi, bảo vệ người dùng; tăng cường tích hợp giải pháp AI vào các sản phẩm liên kết cùng đối tác bên ngoài.
|
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)
Bình luận (0)