Chiều 29-11, UBND tỉnh Bình Phước chủ trì tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025.
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, thống nhất giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, qua đó khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển du lịch.
Tham dự có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020 – 2025 ký kết ngày 28-6-2020 tại tỉnh Tây Ninh giữa 6 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM. Qua 2 năm triển khai, việc thỏa thuận liên kết được lãnh đạo thành ủy, tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo, theo dõi. Nhiều hoạt động được các tỉnh, thành chủ động triển khai hoặc phối hợp thực hiện. Trong đó, TP.HCM – trung tâm điều phối vùng đã phát huy vai trò đầu mối kết nối cả vùng.
Cụ thể, trong năm 2021, TP.HCM đã phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng 4 tour theo hình thức khép kín: Hồ Tràm Grand Strip, Suối nước nóng Bình Châu, Hồ Tràm Melia, Six sense Côn Đảo.
TP.HCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức một số tour thí điểm đi Củ Chi và núi Bà Đen Tây Ninh do các doanh nghiệp du lịch triển khai.
Năm 2022, các công ty du lịch tại TP.HCM đã đẩy mạnh phát triển bán các sản phẩm du lịch theo các tuyến kết nối TP.HCM đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ dành cho đối tượng khách du lịch nội địa. Một số tour tuyến nổi bật như: Tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” theo hành trình TP.HCM – Tây Ninh – cáp treo Núi Bà; Tuyến du lịch về nguồn theo hành trình TP.HCM – Tây Ninh – Trung ương Cục miền Nam; Tuyến du lịch “Vũng Tàu”, “Côn Đảo”, “Hồ Tràm’, “Long Hải”; “Tình đất đỏ miền đông”…
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phối hợp với tỉnh Đồng Nai tổ chức 2 đợt khảo sát: Sản phẩm du lịch “tàu hỏa – tàu thủy” và sản phẩm du lịch Làng Bưởi Tân Triều, Đảo Ó – Đồng Trường để nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh.
TP.HCM còn phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức đoàn Famtrip (năm 2021) trải nghiệm tour du lịch đường sông; phối hợp tỉnh Tây Ninh tổ chức chuyến Famtrip với chủ đề “Khảo sát tiềm năng du lịch Tây Ninh”; phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đón đoàn Famtrip quốc tế từ thị trường Mỹ và Ấn Độ.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM là cửa ngõ đầu mối giao thông kết nối các tỉnh, thành trong nước và quốc tế trên các phương tiện đường bộ, đường thủy, đường sông, đường hàng không, đường sắt… Nếu thực hiện tốt liên kết này chúng ta sẽ xây dựng được con đường du lịch Đông Nam bộ, tăng chi tiêu và giữ chân được du khách.
Gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bình Phước tại hội nghị
Bà Thắng đề xuất 4 giải pháp trọng tâm trong việc thực hiện liên kết: Thứ nhất, xác định hợp tác và liên kết là sự tất yếu để duy trì thị trường khách du lịch vùng Đông Nam bộ, xây dựng sản phẩm du lịch thích hợp 6 điểm đi – 1 điểm đến. Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường xác định thị trường mục tiêu, tránh quảng bá xúc tiến thiếu trọng tâm. Thứ ba, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch, cuối cùng là tiếp tục cải cách cơ chế chính sách thu hút hạ tầng du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành, chuyên gia, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp cũng thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ trong liên kết. Đồng thời thống nhất các hoạt động cụ thể hiện thực hóa liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng năm 2023.
Hồ Trinh
Bình luận (0)