Số lượng bà mẹ Thụy Điển sinh con sau tuổi 45 nhiều hơn so với lứa tuổi thanh thiếu niên, theo dữ liệu mới nhất từ quốc gia Bắc Âu.
Bên trong một cửa hàng ở Stockholm, Thụy Điển.
Cơ quan Thống kê Thụy Điển cho hay, có 537 trẻ em được các bà mẹ trên 45 tuổi sinh trong năm 2022, trong khi đó cùng năm có 410 ca sinh của các bà mẹ từ 19 tuổi trở xuống.
Với việc tăng khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai giúp phụ nữ kiểm soát tốt hơn vấn đề sinh sản và kế hoạch hóa gia đình nên số lượng mang thai sớm ở Thụy Điển đã bắt đầu giảm vào những năm 1960.
Theo Gunnar Andersson – giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Stockholm – trong khi xu hướng tăng tuổi trung bình của thai phụ không chỉ xảy ra ở Thụy Điển, thì sự ổn định kinh tế xã hội và lối sống đã có ảnh hưởng lớn hơn đến việc tăng số lượng thai phụ lớn tuổi.
"Người trẻ muốn có thêm thời gian cho học hành, công việc cũng như làm những việc khác trước khi làm cha mẹ" – giáo sư Andersson chia sẻ với Euronews.
Tương tự, sự sẵn có của các loại hình hỗ trợ sinh sản và các cơ sở chăm sóc sản phụ tốt hơn đã làm tăng ngưỡng giới hạn về mặt sinh học trước đây, ông nói thêm.
Các phương pháp điều trị y tế cho phép mang thai ở tuổi cao hơn cũng đang làm thay đổi tuổi thai sản trung bình ở Thụy Điển.
Độ tuổi trung bình mang thai lần đầu ở phụ nữ là 30,07 vào năm 2021, tăng so với mức 28,22 vào năm 2000.
Ngoài ra, cách biệt về thời gian sinh các con cũng tiếp tục giảm do các yếu tố tương tự. Ông giải thích: “Khi có con ở độ tuổi lớn hơn, thời điểm cả nam giới và phụ nữ đều đã sẵn sàng tham gia thị trường lao động thì họ sẽ không muốn lại nghỉ thai sản".
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy việc mang thai ở tuổi cao hơn có khả năng dẫn tới nhiều rủi ro về sức khỏe cho người mẹ và tăng tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh.
Giáo sư Andersson thông tin thêm, bất chấp những cảnh báo này, người dân Thụy Điển có xu hướng chọn lợi thế xã hội hơn là rủi ro, nhất là khi rủi ro có xu hướng giảm dần nhờ các cơ sở y tế hiện đại.
"Mọi người nghĩ rằng, làm cha mẹ lớn tuổi hơn sẽ có lợi hơn. Bạn có nhiều nguồn lực kinh tế xã hội, mạng lưới quan hệ và sự trưởng thành cá nhân" – ông nói.
Việc tăng số lượng phụ nữ lớn tuổi mang thai là xu hướng phổ biến ở khu vực Bắc Âu. Tuy nhiên, có một xu hướng chung khác mà Thụy Điển cũng ghi nhận là tỉ lệ sinh giảm.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, tỉ lệ sinh giảm là do tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai, nhưng theo ông Andersson, các chính sách ở khu vực Bắc Âu "thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở".
Do không có thay đổi đáng kể nào trong các chính sách, sự sụt giảm vẫn còn là bí ẩn, bất chấp "bùng nổ trẻ em" trong đại dịch.
Giáo sư Andersson giải thích, việc giảm tỉ lệ sinh cũng tương quan với tăng tuổi thai sản.
"Mức sinh giảm và tuổi thai sản bình quân tăng không mâu thuẫn với nhau. Chúng thường đi đôi với nhau. Mỗi lần giảm mức sinh là chúng ta cũng thấy có sự trì hoãn. Vì vậy, mức sinh giảm không phải là bạn hoàn toàn không có con mà phần đa chỉ là bạn có con muộn hơn một chút" – ông nói thêm.
Eurostat năm 2021 thông tin, độ tuổi sinh con đầu lòng trung bình của phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU) đang tăng dần và đạt mức 29,4 tuổi vào năm 2019. Độ tuổi trung bình đã tăng lên ở tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trong giai đoạn này dù ở các mức độ khác nhau.
Thay đổi lớn nhất là ở Estonia – độ tuổi trung bình tăng thêm 1 tuổi – từ 27,2 tuổi năm 2015 lên 28,2 tuổi năm 2019, tiếp theo là Lithuania và Luxembourg (đều tăng 0,9 tuổi). Trong cùng thời kỳ, những thay đổi nhỏ nhất được ghi nhận ở Slovakia (+0,1 năm) và Slovenia (+0,2).
Tuổi của phụ nữ sinh con đầu lòng dao động từ 26,3 ở Bulgaria đến 31,3 ở Italy. Năm 2019, tuổi của người mẹ khi sinh con đầu lòng là trên 31 ở 3 quốc gia thành viên EU: Italy (31,3 tuổi), Tây Ban Nha và Luxembourg (đều 31,1 tuổi). Ngược lại, có 2 quốc gia thành viên có độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng dưới 27 tuổi: Bulgaria (26,3 tuổi) và Romania (26,9 tuổi).
PV (theo laodong)
Bình luận (0)