Trao đổi với phóng viên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, đối với một cơ sở giáo dục ĐH, các nguồn thu chủ yếu cho đào tạo bao gồm ngân sách do Nhà nước cấp, học phí do người học đóng, tài trợ từ bên ngoài và các nguồn kinh phí điều tiết trong nội bộ nhà trường. Như vậy, học phí là một phần kinh phí đào tạo mà người học phải đóng góp, với tỉ lệ và mức đóng góp phụ thuộc vào bốn yếu tố chủ yếu: mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN), uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo, đặc điểm của chương trình và ngành đào tạo, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn
Tín dụng ưu đãi cho sinh viên
Vừa qua, Bộ GD&ĐT nhận được số liệu chính thức về NSNN chi cho giáo dục ĐH giai đoạn 2018-2020 do Bộ Tài chính cung cấp, nhưng chưa có số liệu cho hai năm gần đây. Vì thế chưa thể khẳng định tổng chi NSNN cho giáo dục ĐH đã giảm dần, mặc dù riêng phần cấp chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục ĐH giảm theo lộ trình trong những năm qua là một thực tế. Căn cứ mức trần học phí do Chính phủ quy định và mức học phí cụ thể do các trường công bố, có thể thấy rõ phần đóng góp của các hộ gia đình đã tăng đáng kể qua nhiều năm nay.
Theo số liệu do Bộ khảo sát trên 134 cơ sở giáo dục ĐH trong toàn quốc khi xây dựng báo cáo cho Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, chi phí đơn vị trên đầu sinh viên năm 2021 ước tính bình quân khoảng 25,5 triệu đồng/năm, trong đó kinh phí chi từ NSNN tính trung bình xấp xỉ 8,8 triệu đồng/sinh viên, tương ứng với tỉ trọng khoảng 35%. Xét chung toàn hệ thống là vậy, nhưng nếu xét riêng những trường có mức tự chủ tài chính cao thì tỉ trọng NSNN sẽ thấp hơn rất nhiều, như báo cáo của nhóm chuyên gia đã đưa ra.
Trong điều kiện ở nước ta, khi chi phí đơn vị trên sinh viên còn ở mức rất thấp thì việc tăng cả NSNN và học phí là cần thiết để duy trì và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời có thêm nguồn lực để miễn giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện chính sách. Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiếp tục mở rộng và cải tiến chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên, gắn với minh bạch hóa tài chính và các chỉ số về điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH.
Gỡ nút thắt cơ chế đặt hàng
Học phí ĐH không thể không tăng, nhưng đã rất nhiều lần Chính phủ cho biết sẽ thay việc cắt giảm ngân sách chi thường xuyên cho các trường tự chủ bằng cơ chế đặt hàng. Cơ chế đặt hàng trong giáo dục ĐH đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sử dụng NSNN đối với các dịch vụ công, trong đó có giáo dục ĐH đã được quy định tại Nghị định số 32 của Chính phủ. Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đến nay hầu như mới được triển khai để hỗ trợ sinh viên theo học các ngành đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ.
Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sử dụng NSNN là xác định cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đặt hàng, giao nhiệm vụ, chi trả kinh phí và các trách nhiệm khác kèm theo. Ngay cả đối với trường hợp ngành sư phạm, trách nhiệm đặt hàng, đào tạo giáo viên đã được quy định rõ, nhưng trong thực tế triển khai cũng còn nhiều vướng mắc.
Vì vậy, cần phải đổi mới cách tiếp cận trong đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo định hướng thị trường, ví dụ có thể cân nhắc thí điểm phương thức Nhà nước chi trả kinh phí cho cơ sở đào tạo theo số lượng người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn. Cơ chế tương tự có thể áp dụng cho các doanh nghiệp muốn đặt hàng các trường đào tạo theo nhu cầu.
Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước là xác định cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đặt hàng, giao nhiệm vụ, chi trả kinh phí và các trách nhiệm khác kèm theo. |
Theo quy định, học phí tăng theo lộ trình năm học nhưng chắc chắn không thể tăng nhiều trong khi giáo dục ĐH vẫn cần nguồn kinh phí lớn để phát triển, nâng cao chất lượng. Vậy Bộ GD&ĐT có đề xuất như thế nào với Chính phủ, bộ, ngành liên quan để cân bằng bài toán kinh phí đầu tư cho giáo dục ĐH trong thời gian tới?
Đúng vậy, giáo dục ĐH không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho người học, mà còn mang lại lợi ích chung, lâu dài cho toàn xã hội, vì vậy cần phải tính toán lộ trình tăng kinh phí chi từ NSNN để đạt mức trung bình trong khu vực.
Theo số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, NSNN chi cho giáo dục ĐH trong giai đoạn 2018-2020 đạt 0,25 – 0,27% GDP, năm 2020 dự toán là 16.703 tỷ đồng nhưng thực chi là 11.326 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu 2030 tăng tỉ trọng lên mức 0,8% GDP, nếu tính theo GDP của năm 2022 thì tương ứng 320 triệu USD, phù hợp với khuyến nghị của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã nêu ra trong báo cáo vừa qua.
Bên cạnh việc tăng chi NSNN, điều quan trọng là cần phải đổi mới cơ chế, nguyên tắc và tiêu chí phân bổ NSNN theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH. Trước hết là với các ngành như sư phạm, y dược, khoa học cơ bản, kỹ thuật, nông lâm nghiệp và một số ngành đặc thù khác, đặc biệt ở các trình độ sau ĐH; cùng với mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên. Đó chính là những giải pháp hiệu quả và khả thi trong tình hình hiện nay.
Cảm ơn ông.
Bình luận (0)