1. Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 đến năm 2019, cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4-6 dự án/đơn vị dự thi, và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau. Hằng năm, mỗi tỉnh/thành có từ 200-300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn dự án xuất sắc tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh/thành, sau đó lựa chọn từ 2-6 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia theo quy định từng năm của Bộ GD-ĐT. Trong 10 năm (2013-2022), cả nước có 25.044 học sinh tại 10.469 trường trung học tham dự, có 14.115 dự án dự thi cấp tỉnh/thành và có 7.253 dự án đoạt giải cấp tỉnh/thành. Mỗi năm có vài chục dự án đoạt giải quốc gia, quốc tế; trong 10 năm, con số này cũng lên đến vài trăm dự án.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nghiên cứu làm xà phòng (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
2. Về nguyên tắc, cuộc thi là tự nguyện, tùy theo điều kiện, khả năng và sự quan tâm của học sinh. Tuy nhiên, do bệnh thành tích, các trường buộc phải tham dự cuộc thi, bởi vì nếu không đăng ký tham dự nghĩa là không hoàn thành tiêu chí thi đua, bị xếp loại thấp, bị đánh giá, phê bình trong các cuộc họp. Do đó, các trường giao cho các tổ chuyên môn và giáo viên hằng năm buộc phải có sản phẩm dự thi. Để có dự án cho học sinh tham gia dự thi, một số giáo viên tự làm, nhưng chủ yếu là copy, xào xáo trên mạng, hoặc đặt mua của những người khác, ở các tỉnh/thành khác, hoặc đơn vị chuyên cung cấp các dự án dự thi. Nhiều trường hợp có hiện tượng nhờ, thuê giảng viên đại học làm dự án để học sinh đi thi.
Học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế được hưởng các chế độ ưu đãi tương đương với thi các môn văn hóa, được khen thưởng, tôn vinh, được tuyển thẳng vào đại học, du học… nên có tình trạng những gia đình khá giả tìm cách “đầu tư” cho con đoạt giải trong cuộc thi này. Thành phần ban giám khảo có những người không phải là những nhà khoa học chuyên nghiệp, chưa trải qua nghiên cứu khoa học và sáng tạo, sáng chế, không có kinh nghiệm thực tiễn và không am hiểu về giáo dục phổ thông. Quy chế cuộc thi không có tiêu chí đánh giá dự án về: tính khả thi, khả năng ứng dụng thực tế và tính chất phù hợp với năng lực học sinh. Do có hiện tượng gian dối, chạy đua để có giải nên xảy ra các hiện tượng như sau: Thứ nhất, trùng lặp đề tài, dự án quá nhiều. Hầu hết các dự án dự thi đã có từ trước, trong các cuộc thi trước, ở địa phương khác hoặc đã có sản phẩm bán trên thị trường. Thứ hai, rất nhiều dự án dự thi vượt quá tầm hiểu biết và khả năng thực tế của học sinh phổ thông, nhiều người cho rằng ngang tầm tiến sĩ, thuộc chuyên môn sâu của các ngành nghề, lĩnh vực khác đòi hỏi trình độ chuyên gia mới làm được (các giải pháp chẩn đoán, điều trị ung thư, robot, tự động hóa, vật liệu mới, thuốc chữa bệnh, các thiết bị chuyên dụng chữa cháy, cảnh báo thiên tai, cứu hộ cứu nạn, trí tuệ nhân tạo…). Ví dụ, Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 có sự góp mặt của 141 dự án. 12 dự án đoạt giải nhất đều giải quyết những vấn đề khó của cuộc sống như: “Cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo”; “Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ”; “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần”… Thậm chí, một số đề tài đòi hỏi quá trình nghiên cứu sâu như: “Nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc trong Alginate chứa nano oxit sắt từ”; “Nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ và hoạt hóa eNOS trên tế bào ECV304 từ một số bài làm thuốc thuộc chi Polygonum L. định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch”… Thứ ba, các em học sinh phổ thông chưa học kiến thức chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa trải qua lao động, nhưng lại là chủ nhân của các đề tài thuộc về khoa học chuyên sâu, chuyên ngành. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với quy luật khoa học. Thứ tư, học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật, kể cả thi quốc gia, quốc tế, chưa ghi nhận trường hợp nào trở thành nhà khoa học giỏi, nhà sáng chế xuất sắc. Đây cũng là hiện tượng cho thấy sự không thực chất trong các giải thưởng của cuộc thi này. Thứ năm, có đến hàng chục nghìn dự án đoạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật từ cấp quận/huyện trở lên trong 10 năm qua, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào được cấp bằng sáng chế, sáng tạo, chưa có dự án nào được ứng dụng trong thực tế.
3. Nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều bài báo phản ánh những hiện tượng tiêu cực, bất cập, có dấu hiệu gian dối của cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học. Dư luận phản ứng, nghi ngờ về tính trung thực của cuộc thi. Có nhiều phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc thi. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mong muốn Bộ GD-ĐT bãi bỏ cuộc thi, đỡ gánh nặng và áp lực cho nhà trường. Dư luận bức xúc vì cuộc thi góp phần tạo ra tính xấu là sự gian dối cho trẻ em ngay từ nhỏ, lãng phí, hình thức, tốn kém. Nhiều nhà khoa học, nhà giáo đã lên tiếng phản ứng, đề nghị bãi bỏ cuộc thi.
Sau đó, vào năm 2022, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến toàn thể giáo viên về cuộc thi khoa học kỹ thuật, trong đó có câu hỏi có nên dừng cuộc thi hay không. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố kết quả trưng cầu này. Sau vòng chung kết Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2023, Bộ GD-ĐT không công bố tên tác giả các dự án đoạt giải. Năm 2023, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật, đã dùng phần mềm chống đạo văn để chấm thi; các giám khảo cũng sẽ chú ý các thể hiện, chỉ báo xem có phù hợp với kiến thức, trình độ học sinh hay không. Những điều đó cho thấy, Bộ GD-ĐT và một số sở GD-ĐT cũng đã nắm bắt được thông tin từ dư luận, và có một số động thái đối phó, xử lý.
4. Từ những phân tích trên đây, việc dừng, bãi bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học là việc làm cấp thiết và cần thiết, vì càng tổ chức cuộc thi, tiêu cực càng nhiều, tốn kém, làm băng hoại thế hệ trẻ và nhà giáo, tuyệt đối không có tác dụng gì đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông. Đồng thời, kiến nghị thanh tra toàn diện về cuộc thi, xem xét và xử lý trách nhiệm, sai phạm (nếu có) của các tập thể, cá nhân liên quan. Nếu có dấu hiệu thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự.
Đối với các sáng chế, sáng tạo của học sinh và giáo viên, có thể công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí khoa học, liên hệ với doanh nghiệp hoặc chính quyền để áp dụng, đăng ký bằng sáng chế và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực thực hành, ứng dụng tri thức của học sinh trong nhà trường phổ thông, giáo dục cho các em tính trung thực và tình yêu khoa học, lao động, tuyệt đối không để cho những hành vi gian dối trong nhà trường xảy ra.
Trần Quang Đại (Nghệ An)
Bình luận (0)