Theo dự đoán của đại diện nhiều trường ĐH, điểm chuẩn năm nay có thể biến động nhẹ, tùy ngành mà mức tăng – giảm không đáng kể. Nguyên nhân là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn.
Thí sinh tìm hiểu đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Tuần qua, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 của hơn 1 triệu lượt thí sinh trên cả nước. Bộ cũng có những phân tích về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT một số tổ hợp môn được dùng trong xét tuyển ĐH.
Tăng, giảm không đáng kể
Qua phân tích phổ điểm từ kết quả kỳ thi, đại diện các trường ĐH cho rằng, việc phổ điểm năm nay giữ được ổn định như năm ngoái và không có sự biến động quá lớn là điều thuận lợi, không gây xáo trộn đối với các thí sinh cũng như công tác xét tuyển vào ĐH.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nhận định, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cả nước năm nay nhìn chung không có nhiều biến động so với năm 2022. Mức điểm bình quân các môn thi của thí sinh nằm trong khoảng 6-8, riêng ngoại ngữ có mức điểm thấp hơn. Cụ thể, môn hóa học có mức điểm tương đương năm 2022 là 6,7; các môn giáo dục công dân, ngữ văn có giảm nhẹ nhưng không đáng kể, trong đó, giáo dục công dân giảm 0,26 điểm, ngữ văn giảm 0,17 điểm. Cũng có một số môn tăng nhẹ, như toán tăng 0,22 điểm; vật lý tăng 0,15 điểm; sinh học tăng 1,37 điểm; ngoại ngữ tăng 1 điểm; lịch sử tăng 0,31 điểm; địa lý tăng 0,18 điểm. Số lượng thí sinh có điểm 9, điểm 10 không nhiều.
Điểm sàn khối nông lâm cũng giữ ổn định TS. Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho hay, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay giữ được ổn định như năm 2022 và có mức độ phân hóa khá cao, phục vụ tốt cho công tác xét tuyển vào ĐH. Dựa trên cơ sở đó, mức điểm sàn xét tuyển của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM được xác định cơ bản bằng năm 2022, riêng một số ngành được thí sinh quan tâm có mức sàn cao hơn 1-2 điểm. |
Theo ThS. Dung, dựa trên phổ điểm từng môn, có thể thấy phổ điểm của một số tổ hợp truyền thống như A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), C00 (văn, sử, địa), C01 (toán, văn, lý), D01 (toán, văn, tiếng Anh) tăng, giảm không đáng kể, chỉ dao động ở mức 0,5 – 1 điểm. Từ đó, có thể dự đoán điểm chuẩn của các trường ĐH năm nay sẽ ổn định hoặc có sự biến động nhẹ (nếu việc phân bổ chỉ tiêu theo những phương thức xét tuyển của các trường ổn định).
Riêng tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, căn cứ vào phổ điểm thi của thí sinh, cùng với ghi nhận từ thực tế đăng ký xét tuyển sớm tại trường, ThS. Dung cũng dự đoán điểm chuẩn năm nay có thể không thay đổi nhiều so với năm trước, tức là cũng nằm trong khoảng từ 17-20 điểm tùy ngành. Trong đó, những ngành thu hút nhiều thí sinh như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, digital marketing, marketing, ngôn ngữ Anh, thiết kế đồ họa, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… dự kiến mức điểm chuẩn có thể biến động nhẹ.
Điểm tiếng Anh thấp, điểm chuẩn ngành ngôn ngữ Anh sẽ giảm?
TS. Nguyễn Anh Vũ (Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm nay tuy áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó, có cả kỳ thi đánh giá năng lực do trường lần đầu tiên tổ chức nhưng trường vẫn dành chỉ tiêu chủ yếu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, với mức 65% chỉ tiêu. Cùng với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh không biến động đáng kể thì năm nay bộ cũng áp dụng cách thức tính điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) mới đối với thí sinh. Vì những lý do này, điểm chuẩn vào trường năm nay khả năng không thay đổi đáng kể. Cụ thể, điểm chuẩn có thể giữ mức như năm trước (trong khoảng từ 25-26 điểm) hoặc giảm nhẹ. Riêng điểm môn tiếng Anh của thí sinh cả nước năm nay lẫn năm trước khá thấp so với những môn khác, kéo theo ngành có xét điểm của môn này tại trường như ngôn ngữ Anh có thể sẽ giảm.
ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing) thì đánh giá, dựa trên tổng thể phổ điểm năm nay có thể thấy mức điểm trúng tuyển khả năng giảm từ 0,25 đến 1 điểm đối với các ngành có nhiều thí sinh quan tâm; bên cạnh đó, những ngành hàng năm khó tuyển có thể giảm khoảng 1,5 điểm. Nguyên nhân do độ phân hóa của đề thi năm nay cao hơn, số lượng thí sinh có điểm cao không nhiều, lại có khả năng các thí sinh này còn trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm. Tại trường, có thể điểm danh những ngành điểm chuẩn giảm năm nay như: Hệ thống thông tin quản lý, kinh doanh bất động sản, du lịch, nhà hàng, khách sạn…
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng lấy điểm sàn 15 Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng ấn định mức điểm sàn là 15 cho tất cả các ngành xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 vào trường. Cụ thể, các nhóm ngành gồm: Kinh tế – quản trị; ngôn ngữ và văn hóa quốc tế; khoa học xã hội; công nghệ – kỹ thuật. Riêng nhóm ngành khoa học sức khỏe và khoa học giáo dục, trường áp dụng ngưỡng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường lưu ý, các thí sinh đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT và có tổng điểm xét tuyển đạt từ ngưỡng sàn trở lên đều có thể đăng ký xét tuyển vào trường; các em đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong thời gian đến hết 30-7.
|
Ở khối khoa học xã hội, theo ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay, số lượng thí sinh đạt điểm 9-10 ở những môn được các trường sử dụng để xét tuyển nhìn chung giảm so với năm 2022. Điều này thể hiện rõ độ khó, độ phân hóa của đề thi và có thể khiến điểm chuẩn ở các ngành có nhiều thí sinh đăng ký giảm nhẹ.
“Phổ điểm của các môn quan trọng trong xét tuyển như văn, toán, tiếng Anh, sử, địa, vật lý, hóa, sinh nhìn chung giữ ổn định so với năm 2022 dẫn đến điểm chuẩn của các tổ hợp xét tuyển truyền thống có thể không có sự tăng – giảm đột biến mà chỉ thay đổi dao động ở mức 0,5 – 1 điểm. Nếu có sự thay đổi điểm chuẩn đột biến, rất có thể chỉ tập trung ở một số ngành mới, ngành có nhu cầu tuyển dụng cao” – ThS. Nam nói.
Điểm chuẩn cũng được dự báo sẽ không tăng đối với khối ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên mà thậm chí còn có thể giảm từ 0,5 – 1 điểm do chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh khác tăng lên ở các trường. Được biết, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, vào ngày 30-7 tới, việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH năm nay chính thức kết thúc. Như vậy, 4 ngày tới là cao điểm để thí sinh cân nhắc lựa chọn, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình. Cũng theo quy định, các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất vào một trường ĐH duy nhất.
Mê Tâm
Bình luận (0)