Chuyển giao từ hoạt động vui chơi sang học tập, không ít trẻ lớp 1 sẽ rơi vào hiện tượng “sốc học đường”. Để trẻ tự tin, hào hứng bước vào trường tiểu học, phụ huynh là người đồng hành quan trọng nhất.
ThS. Mai Mỹ Hạnh chia sẻ thông tin với phụ huynh về việc tạo hứng thú học tập cho trẻ trước ngưỡng cửa vào lớp 1. Ảnh: Y.H
Hiện tượng “sốc học đường” của trẻ khi chuyển hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập
Để có sự thích ứng, con người cần có tâm thế: Sẵn sàng chờ đón điều gì đó xảy ra, để có sự chuẩn bị tâm lý từ trước với sự thay đổi đó. Nếu không được chuẩn bị tâm thế, trẻ sẽ sốc tâm lý, “sốc học đường” như lo âu, sợ hãi, căng thẳng khi đi học. Nhiều trẻ tiền đề mầm non rất tốt, được cô giáo đánh giá là thông minh, nhanh nhẹn nhưng do “sốc học đường” nên trẻ nhút nhát, mặc cảm, những tiềm năng của trẻ bị hao mòn khi vừa mới bắt đầu đi học. Đặc biệt, nhiều trẻ ngày đầu đi học thì rất hăm hở nhưng vài hôm sau lại khóc nức nở không chịu đi học, nhiều khi còn ngủ mớ, sút cân, khí sắc trầm không linh hoạt, vui vẻ nữa. Đây là dấu hiệu của việc trẻ bị căng thẳng do áp lực phải thay đổi môi trường từ mầm non sang tiểu học.
Hoạt động chủ đạo ở mầm non là hoạt động vui chơi mang tính tự do, tự nguyện, tùy vào tình huống mà trẻ lựa chọn hoạt động vui chơi dưới sự hướng dẫn, quan sát của cô giáo; tuy nhiên không mang tính chất bắt buộc, trẻ thích thì chơi, không thích thì thôi, không thích trò này thì có trò khác, có nhiều sự lựa chọn cho trẻ. Trong khi đó, hoạt động chủ đạo ở tiểu học là học tập, là hoạt động mang tính chất bắt buộc, có mục đích và thực hiện theo kế hoạch, với những nội quy trường lớp… nhằm hình thành cho học sinh những năng lực, phẩm chất, nền nếp cơ bản để tiếp tục học lên các bậc học cao hơn.
Chuyển từ một môi trường không mang tính chất bắt buộc lên môi trường mang tính chất bắt buộc theo nền nếp khiến nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ: Tình huống đi ra khỏi lớp, ngủ gật trong lớp. Bên cạnh đó, tính chất mối quan hệ giữa cô – trẻ cũng thay đổi, cô giáo mầm non gắn kết thường xuyên với trẻ vì nhiệm vụ của cô là chăm sóc trẻ, còn giáo viên tiểu học thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục theo mục tiêu giáo dục. Yêu thương học sinh nhưng giáo viên vẫn cần có sự nghiêm khắc, chừng mực phù hợp để hướng dẫn trẻ đạt được các yêu cầu cần đạt của mỗi bài học. Khi thói quen giao tiếp với giáo viên bị thay đổi, nhu cầu tình cảm bị giảm bớt sẽ nảy sinh sự thất vọng.
Theo ThS. Mai Mỹ Hạnh, trẻ cần được trang bị tâm thế tự tin trước khi bước vào lớp 1 (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Quan hệ bạn bè cũng đa dạng và phức tạp hơn, không còn là cùng vui chơi mà cùng học tập với đặc trưng tâm lý là tính hiếu động nên sẽ có va chạm, bất hòa xảy ra ở lớp. Rất nhiều quy định đặt ra như ngồi ngay ngắn, xếp hàng, giơ tay phát biểu, ra khỏi lớp xin phép… đều mới mẻ và vô cùng bỡ ngỡ với trẻ. Ngay cả với chính người lớn cũng có thể khó chịu nếu như đổi một môi trường khác với rất nhiều yêu cầu mà trước đây mình chưa bao giờ thực hiện.
Tạo hứng thú học tập cho trẻ bằng cách nào?
Để trẻ có thể thích nghi chúng ta cần chuẩn bị tâm thế cho các em, đó là sự hứng thú và mong đợi được đi học, những hiểu biết ban đầu về trường, lớp tiểu học và kỹ năng cơ bản để trẻ có thể học tập.
Phụ huynh không nên so sánh trẻ, so sánh với anh chị trong nhà, với con hàng xóm, vì mỗi đứa trẻ đều có điểm xuất phát riêng nên tốc độ chạy sẽ khác nhau. Có những trẻ xuất phát điểm thấp khi chưa đọc được chữ, tính toán còn chậm nhưng đến lớp 4, lớp 5 tiến bộ hơn, nhảy bật ở THCS. |
Phụ huynh có thể cùng con đi sắm sửa dụng cụ học tập, cho con chọn màu sắc mình yêu thích, cùng trang trí góc học tập, ngồi bao tập vở cho con với không khí vui vẻ (không càm ràm, than thở) sẽ giúp con hào hứng, mong chờ được đi học. Chia sẻ những kỷ niệm vui của ông bà, ba mẹ khi đi học, qua đó nói lên ý nghĩa của việc đi học, đi học là vì bản thân mình. Chứ không định hình là học vì gia đình, học giỏi để trở thành bác sĩ, giám đốc… kiếm nhiều tiền nuôi ba mẹ. Đứa trẻ nào cũng sợ mình làm người lớn thất vọng, nên hy vọng của người lớn càng cao, trẻ lại sợ mình không đáp ứng nổi, nảy sinh lo âu học đường.
Đặc biệt, phụ huynh không nên so sánh trẻ, so sánh với anh chị trong nhà, với con hàng xóm, vì mỗi đứa trẻ đều có điểm xuất phát riêng nên tốc độ chạy sẽ khác nhau. Có những trẻ xuất phát điểm thấp khi chưa đọc được chữ, tính toán còn chậm nhưng đến lớp 4, lớp 5 tiến bộ hơn, nhảy bật ở THCS. Để giáo dục, đồng hành cùng trẻ vào lớp 1 phải hiểu tâm lý các em. Đây là điều vô cùng quan trọng để trẻ thích ứng. Phụ huynh cũng cần hiểu và nắm bắt triết lý giáo dục của nhà trường, đặt mình vào vị trí của giáo viên để chia sẻ, hợp tác.
Ngay từ bây giờ, phụ huynh cần chuẩn bị cho con ngôn ngữ mạch lạc, tính toán được trong phạm vi 10, tri giác các màu sắc, hình dạng cơ bản… Nếu con chưa biết gì thì cần đồng hành cùng con, nhất là ở học kỳ I, nhưng cũng không nên gây áp lực cho con, từ từ con sẽ đọc thông, viết thạo mà thôi. Còn nếu con biết tất cả rồi thì theo dõi, động viên, giáo dục thái độ để con không chủ quan.
ThS. Mai Mỹ Hạnh
(Phó Trưởng khoa Tâm lý học,
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)