Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”…
Thí sinh nghe giám thị phổ biến quy chế thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Én Bông
Chương trình mới được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Ở giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh phải học đầy đủ các môn học bắt buộc và hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp. Còn ở giai đoạn từ lớp 10 đến lớp 12 có sự định hướng, phân luồng, cho phép học sinh tự chọn môn học theo 3 nhóm, trong đó nhóm môn khoa học xã hội gồm lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên gồm vật lý, hóa học, sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật gồm công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp, bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phương châm giáo dục phân hóa, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Giai đoạn này có thêm các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, nhằm đáp ứng nguyện vọng, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi học sinh.
Bức tranh về chương trình giáo dục mới như một “đại tiệc buffet” cho phép học sinh chủ động trong việc học tập, lựa chọn những môn học phù hợp sở thích, lựa chọn theo tổ hợp có sẵn mà nhà trường đã xây dựng từ trước. Chủ trương thì rất “mở” nhưng học sinh cần cân nhắc trước khi lựa chọn, đừng “nhắm mắt chọn bừa” để rồi phải chọn tới tới lui. Ăn buffet đừng chỉ chăm chăm một vài món quen thuộc mà bỏ qua cơ hội thưởng thức khẩu vị đa dạng của bàn tiệc. Dù được lựa chọn môn học, môn thi nhưng làm thế nào để sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn có đủ những kiến thức chung cơ bản nhất, không để tình trạng “học lệch”, “học tủ” hoặc bỏ rơi những môn không thi tốt nghiệp THPT.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT xin ý kiến rộng rãi về dự thảo tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó Bộ GD-ĐT đưa ra hai phương án. Phương án 1: Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT dự thi 4 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã lựa chọn học ở lớp 12; thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã lựa chọn học ở lớp 12. Phương án 2: Thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đều dự thi 2 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán và 2 môn lựa chọn trong số các môn đã học ở lớp 12. Hai phương án này chỉ khác nhau là có bắt buộc thi môn ngoại ngữ và lịch sử hay không chỉ nhằm bảo đảm bình đẳng về đánh giá kết quả học tập giữa thí sinh học giáo dục phổ thông và thí sinh giáo dục thường xuyên. Hạn chế ở cả hai phương án là thí sinh có năng lực sở trường đã chọn học môn âm nhạc, mỹ thuật theo định hướng nghề nghiệp nhưng không được thi các môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tôi cho rằng số lượng môn thi tốt nghiệp THPT thế nào không quan trọng, vì những môn không thi vẫn phải bảo đảm việc đánh giá kết quả học tập của các môn này trong nhà trường. Việc cần làm là điều chỉnh việc tuyển sinh đầu cấp, các trường cần đưa đầy đủ thông tin về nhóm tổ hợp môn của nhà trường trước khi thi chứ không đợi học sinh nộp hồ sơ nhập học rồi mới “phân luồng”, tư vấn học sinh vào các tổ hợp có sẵn. Vai trò của công tác giáo dục hướng nghiệp vô cùng quan trọng, cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (gọi tắt là hoạt động trải nghiệm) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có số tiết tương đương môn toán ở các cấp tiểu học, THCS và bằng hoặc hơn tổng số giờ dành cho hai môn môn toán, ngữ văn cộng lại ở cấp THPT. Nhưng nội dung của hoạt động này chưa rõ ràng; có lúc bao gồm cả những hoạt động tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn thể… Hoạt động trải nghiệm bao gồm hai loại, thứ nhất là loại hoạt động gắn với nội dung từng môn học và thứ hai là loại hoạt động mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn. Hình thức chủ yếu của hoạt động này gồm hình thức thứ nhất, do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó; hình thức thứ hai, do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường; việc thực hiện hoạt động tính vào thời gian dành cho giáo dục địa phương.
Xa lộ càng mở nhiều làn xe tự do thì càng cần sự điều phối giao thông để không diễn ra tình trạng hỗn loạn. Cần phải có những vòng xoay, lối rẽ để “gỡ nút thắt” cho những trường hợp muốn thay đổi hướng đi. Đó là trách nhiệm của những nhà quản lý, hoạch định chính sách. “Mở” chưa hẳn đã hay, “đóng” chưa phải là dở. Cơ chế mở thì linh hoạt nhưng tập trung thì dễ quản lý. Chương trình dạy học thì tích hợp, nhưng thi lại không thấy thi nội dung tích hợp. Giữa mục tiêu dạy và cách kiểm tra đánh giá cần thiết phải có sự thống nhất, đồng bộ, tránh việc chương trình, sách giáo khoa một đằng còn thi cử, kiểm tra đánh giá thì một nẻo. Yêu cầu cuối cùng của sự học là học sinh có thể áp dụng kiến thức vào thực tiễn, nhưng khi còn đi học thì mục tiêu của học sinh chỉ là ráng học để làm được bài kiểm tra, để được lên lớp, để thi đậu… Thầy cô khi dạy phải bám sát chương trình, bảo đảm tỷ lệ đậu nhất định của học sinh trong các kỳ thi. Thầy cô dạy ứng dụng thực tế nhiều mà không giống với đề thi thì ai chịu trách nhiệm thay cho thầy cô khi học sinh lỡ thi rớt? Có nhất thiết phải thi để bảo đảm việc học, nhưng chắc chắn không phải dạy và học chỉ để thi. Thay vì đặt vấn đề thi tốt nghiệp THPT bao nhiêu môn thì sao không hỏi ngược lại, ngoài việc thi tốt nghiệp thì còn phương án khác hay không? Tại sao lại không tổ chức thi một bài thi đánh giá năng lực chung cho tất cả các môn, hay cứ phải tách riêng thi từng môn để các trường ĐH lấy điểm thi để xét tuyển? Trên thực tế, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đều không thể phủ hết mong muốn của các trường. Đó là lý do, ở nước ngoài có kỳ thi đánh giá năng lực, nhưng đôi khi họ vẫn phỏng vấn nếu cần thiết để tìm thí sinh phù hợp với môi trường học thuật, động lực và khát vọng của thí sinh theo đuổi một ngành đào tạo. Ngay cả hình thức thi tự luận hay thi trắc nghiệm vẫn đang gây tranh cãi trong giới chuyên môn thì việc tổ chức thi vẫn còn đó nhiều bất cập. Nếu cứ mãi đặt nặng chuyện thi cử, ngồi lựa chọn phương án thi này nọ, thì chương trình giáo dục dù có “mở” cỡ nào thì cũng sẽ bị “bóp nghẹt” ở lối ra.
Lâm Vũ Công Chính
Bình luận (0)