Sau sự kiện “chống tiêu cực” tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2006, trở thành “người đương thời”, thầy Đỗ Việt Khoa trở về với đời sống thực của mình: cô độc, vợ con cũng bị “vạ lây”. Vụ việc gần đây nhất là tối ngày 14-11-2008, gia đình thầy bị bảo vệ và đầu gấu xông thẳng vào nhà “nói chuyện”. Dường như những “vận đen” không ngừng bám sát thầy sau ánh hào quang chống tiêu cực trước đó. Tại sao?
Tôi về gặp thầy Khoa sau khi nghe tin thầy bị hành hung tại nhà và chỉ cách ngày 20-11 một hai ngày. Lẽ ra, thầy phải là người hạnh phúc nhất trong những ngày đó, thì năm nay, 20-11 lại là ngày buồn nhất đối với thầy. Ngay cả việc nghe tin thầy bị hành hung, giáo viên của trường cũng không ai hỏi thăm, kể cả hiệu trưởng. Theo nhìn nhận của thầy thì thầy bị cô lập hoàn toàn kể từ năm 2006. Từ đầu năm tới giờ, thầy đã bị lập 3 biên bản để xử lý. Dường như ban giám hiệu nhà trường chỉ “nhăm nhăm” xem thầy có lỗi gì để lập biên bản. Năm 2006 – 2007, thầy cũng là giáo viên duy nhất của trường không hoàn thành nhiệm vụ.
Thật đáng buồn cho một môi trường giáo dục. Tại sao tất cả mọi giáo viên đều quay lưng lại với người chống tiêu cực. Ai cũng biết, “vầng hào quang” của chống tiêu cực không sáng chói như mọi người vẫn nghĩ, đằng sau nó luôn là “vị đắng” mà người được hưởng nó sẽ phải đối mặt. Nhưng đây là môi trường sư phạm, nơi mà tính nhân văn luôn là chìa khóa để tồn tại và phát triển. Tôi không hiểu học sinh của trường sẽ nghĩ thế nào khi trong chính ngôi trường của các em môi trường sống giữa các giáo viên trong trường không được lành mạnh như thế. Các em sẽ nghĩ thế nào về thầy Khoa, về hiệu trưởng nhà trường, về các giáo viên? Đối với xã hội, thầy là người có công, nhưng trong ngôi trường THPT Vân Tảo, thầy là con số 0. Tiếng nói của thầy không có giá trị, thậm chí hiệu trưởng sẵn sàng cho người “lôi thầy” ra khỏi phòng họp hội đồng chỉ vì thầy đến muộn, gọi bảo vệ không ai ra mở cổng và phải trèo tường vào. Đã từ hai năm nay, thầy Khoa trở thành thành viên xa lạ trong chính ngôi trường 8 năm gắn bó của mình. Có lẽ, Phòng Giáo dục Thường Tín cũng như Sở GD-ĐT Hà Nội cần phải xem xét và xử lý thật rõ vấn đề này.
Nếu không có cuộc gặp gỡ và trao đổi với thầy Khoa qua sự việc vừa nêu trên, có lẽ tôi đã nhìn nhận và đánh giá tình trạng của thầy hiện nay hoàn toàn khác. Trách người “cầm cương” ở Trường THPT Vân Tảo mười, tôi cũng phải trách thầy một. Thầy đã gắn bó với mái trường này 8 năm, tại sao sau sự kiện kỳ thi tốt nghiệp 2006, thầy nhìn vào trường “chỗ nào cũng thấy tiêu cực”. Điều này, lỗi một phần là ở Ban giám hiệu nhà trường đã đẩy thầy luôn đứng ở vị trí từ ngoài nhìn vào, không phải là người trong cuộc. Nhưng tại sao thầy không cố gắng sống cuộc sống của một giáo viên bình thường? Đợt thi tốt nghiệp năm 2007, thầy bị lập 3 biên bản và 3 biên bản này chắc chắn “không oan” vì thầy vi phạm quy chế thi, không làm đúng vai trò của mình. Hơn thế nữa, nếu là ai đó trong số chúng ta là giáo viên của Trường THPT Vân Tảo liệu có dám nói chuyện với thầy khi trong tay thầy lúc nào cũng cầm máy ghi âm và sẵn sàng ghi lại cuộc nói chuyện đó? Sống trong môi trường của mình, chắc chắn thầy sẽ khó mà tồn tại nếu lúc nào cũng mong muốn đi tìm ra tiêu cực. Điều này hết sức phi lý. Câu nói của cha ông “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, tôi nghĩ vẫn đúng trong trường hợp của thầy.
Thiên Lam
Bình luận (0)