Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa hiệu quả ?

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện nhiều trường CĐ, trung cấp cho biết việc tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn do công tác phân luồng chưa hiệu quả, phụ huynh và học sinh chưa hiểu rõ về học nghề…

Sáng qua (22.6), Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp giữa hai sở về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh (HS) THCS và THPT giai đoạn 2023 – 2025. Tại đây, nhiều ý kiến nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là đối tượng tốt nghiệp THCS.

Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa hiệu quả ? - Ảnh 1.

Học nghề có nhiều lợi thế nhưng chưa nhiều phụ huynh, học sinh nắm rõ thông tin và sẵn sàng đăng ký. MỸ QUYÊN

Chỉ 5% học sinh THCS vào trường nghề

Có mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay HS TP.HCM đăng ký vào học tại các trường CĐ, trung cấp còn rất thấp, đặc biệt là HS tốt nghiệp THCS, chỉ khoảng dưới 5%. Một trong những nguyên nhân là do các em còn chưa hiểu rõ và chưa thấy được lợi ích cũng như sự phù hợp của việc học nghề.

"Ở nhiều nước, chẳng hạn như Úc, không có ai đi làm việc mà chưa được qua đào tạo, từ nhân viên bán hàng đến người lao công… Lao động có đào tạo sẽ giúp cho xã hội ổn định, an toàn, chất lượng lao động nâng cao. Để làm được điều này, công tác phân luồng HS sau THCS và THPT là vô cùng quan trọng".

Những nội dung hai sở phối hợp

Nội dung hai sở ký kết bao gồm: tổ chức các hoạt động để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng HS sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp; thực hiện định kỳ 3 tháng/lần trao đổi thông tin theo biểu mẫu thu thập thông tin của đôi bên.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn các trường THCS thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phối hợp với các trường CĐ, trung cấp trong công tác hướng nghiệp, phân luồng HS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB-XH trong việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học ở các trường CĐ, trung cấp do Sở GD-ĐT được phân công quản lý.

Sở LĐ-TB-XH có trách nhiệm chỉ đạo trường CĐ, trung cấp phối hợp với các trường THCS, THPT trong công tác hướng nghiệp, phân luồng HS; phối hợp cung cấp các thông tin theo yêu cầu để thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế gồm 8 ngành (công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, sức khỏe, du lịch và quản lý đô thị) giai đoạn 2020 – 2035.

Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường trung cấp Khôi Việt, cho rằng công tác phân luồng HS sau THCS hiện nay còn chưa hiệu quả vì nhiều lý do.

"Các trường nghề, nhất là trường ngoài công lập, muốn tiếp cận trường THCS để tư vấn hướng nghiệp là rất khó. Khi nghe tư vấn xong, các em cũng còn rất băn khoăn và phân vân. Chưa kể việc liên thông từ trung cấp lên ĐH đối với đối tượng này còn gặp vướng mắc khiến việc tư vấn học nghề cho các em cũng còn khó khăn. Hiện nay Thông tư 15 của Bộ GD-ĐT quy định các em học 4 môn văn hóa thì chỉ có thể liên thông lên CĐ, còn muốn liên thông ĐH thì phải học chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn để thi tốt nghiệp", ông Đức chia sẻ.

Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa hiệu quả ? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (trái), Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, và ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, ký kết chương trình phối hợp trong sáng qua. MỸ QUYÊN

Cần có thông tin chính thống

Thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, nhìn nhận để công tác phân luồng hiệu quả, phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào THPT của Sở GD-ĐT và hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT vào các trường ĐH nên có thêm lựa chọn học vào các trường CĐ, trung cấp. "Hiện nay các trường cứ đưa chỉ tiêu và tuyên truyền nhưng không nằm trong hệ thống chính thống nào cả dẫn đến HS và phụ huynh không có thông tin lựa chọn", ông Đông cho hay.

Nhiều hỗ trợ của nhà nước cho người chọn học nghề

Theo thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, HS tốt nghiệp THCS nếu chọn học nghề ngay sẽ được nhà nước hỗ trợ học phí từ 20 – 50 triệu đồng/khóa tùy ngành học, theo quy định Nghị định 81 của Chính phủ.

"Các trường sẽ có nhiệm vụ cung cấp hồ sơ chứng từ để HS về các phòng LĐ-TB-XH của quận huyện nhận lại khoản học phí theo quy định mà các em đã đóng khi nhập học. Chưa kể tại Trường trung cấp Việt Giao các em còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nếu nhập học sớm. Tính ra, trung bình mỗi tháng các em chỉ phải đóng 500.000 đồng học phí nhưng khi ra trường thu nhập khởi điểm lên tới trên dưới chục triệu/tháng tùy từng ngành nghề", thạc sĩ Phương cho hay.

Về chương trình học, thạc sĩ Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết khi học trung cấp, HS sẽ học song song 4 môn văn hóa và kiến thức chuyên ngành với chương trình và thời gian được thiết kế phù hợp. Sau khi được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT do Bộ GD-ĐT quy định và có bằng tốt nghiệp trung cấp, người học chỉ cần thêm 1 – 1,5 năm để liên thông lên CĐ. "Tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, để lấy bằng CĐ các em học hai giai đoạn, giai đoạn 1 trung cấp được hỗ trợ học phí và giai đoạn 2 là liên thông CĐ ngay tại trường", ông Nhơn chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Kim Phụng, giáo viên quản nhiệm ban THPT Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, nhấn mạnh thêm, việc học nghề ngay sau THCS sẽ giúp HS rút ngắn được thời gian học tập và giảm được chi phí do được hỗ trợ học phí, đến 18 – 19 tuổi là có thể tham gia vào thị trường lao động và có thu nhập cao.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Nova, cho rằng cần nhiều hơn các ngày hội tuyển sinh được tổ chức quy mô và chính thống do hai sở tổ chức để công tác tuyên truyền về đào tạo nghề được sâu rộng hơn. "Từ đó phụ huynh sẽ an tâm hướng nghiệp cho con em hơn so với việc tiếp cận thông tin từ các buổi gặp nhỏ lẻ của các trường", bà Quyên nhận định.

Cũng mong muốn về "tính chính thống" trong công tác tuyên truyền, thạc sĩ Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Tây Sài Gòn, đề xuất sau hội nghị ký kết phối hợp, Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH nên có văn bản thông báo chính thức đến các phòng giáo dục và các trường THPT, THCS về việc học trung cấp, CĐ sẽ được liên thông lên CĐ, ĐH và triển khai công tác phân luồng một cách cụ thể. 

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)