Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cuộc đời tôi ảnh hưởng từ một cuốn sách cũ

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi nh hi hc lp 5, ba tôi mang đâu v mt cun sách cũ, rách bìa và mt my trang cui. Đó là tiu thuyết “Sng nh” ca nhà văn Mnh Phú Tư.


Hc sinh tham quan trin lãm thiết b đào to ngh ti mt ngày hi tư vn tuyn sinh (nh minh ha). Ảnh: T.Tri

Tôi đọc say mê, ngấu nghiến và nhiều lần khóc cùng với nhân vật: Cậu bé Dần mồ côi cha từ nhỏ, rồi mẹ đi lấy chồng khác, cậu phải sống nhờ nội ngoại, chịu đủ nhọc nhằn, vất vả, có lần suýt bị chết vì ăn phải nấm độc, khi đói kém đến độ củ chuối cũng không có mà ăn… Cuộc đời chìm nổi của Dần được thể hiện sinh động, hấp dẫn qua ngòi bút của nhà văn, khiến tôi không thể nào quên. Tôi có sự đồng cảm thực sự với nhân vật, bởi tôi cũng sinh ra trong một gia đình nghèo, thường cảm thấy mình bị đối xử bất công, và vẫn thường khao khát vươn lên…

Quyển sách ấy đã tác động sâu sắc đến nhận thức và tình cảm của tôi, ngay từ lứa tuổi lên 10. Tôi hiểu rằng, mình thật hạnh phúc khi có đủ cả ba lẫn mẹ, nhà dù nghèo nhưng đầm ấm, thời ấy tuy xã hội còn khó khăn nhưng vẫn tốt hơn ngàn lần so với thời mất nước. Những điều đó thôi thúc tôi chăm chỉ học tập và học làm một nông dân thực thụ, dù trước đó tôi cũng đã tập tành. Ngoài giờ học, tôi vừa giữ vịt vừa dạy các em (lúc đó mới 6-7 tuổi) bắt còng, bắt cá… Bữa nào không giữ vịt thì mấy anh em đi câu cua, từ dưới kênh theo con nước lớn lên trên ruộng, có khi tối mịt mới về. Giang nắng, đứa nào cũng đen nhẻm, khét nắng, móng chân đóng phèn, vậy mà khỏe mạnh, rắn chắc, siêng năng…

Cuốn tiểu thuyết đó được viết bằng một giọng văn giản dị, trong sáng khiến tôi vô cùng thích thú. Tôi có ước mơ trở thành nhà văn. Cái ước mơ đó hẳn là rất kỳ quặc. Bởi tôi là con nhà nông chính hiệu, cha ông nội ngoại đời đời đều là nông dân, chưa ai từng học hành đỗ đạt. Hồi đó tôi có một ông anh họ học đến lớp 12 rồi nghỉ giữa chừng đã là một kỳ tích lớn lao rồi. Vậy nên, ước mơ trở thành nhà văn của tôi nếu nói ra chắc mọi người cười giễu không thôi. Tôi âm thầm viết. Trên những trang giấy học sinh xám sẫm, còn cả những thớ gỗ nhỏ, tôi đã viết những trang đầu tiên về gia đình mình, hệt cách viết tự truyện của Mạnh Phú Tư. Nhưng viết được chục trang thì… bí, vì hết chuyện và cũng đã đi quá xa so với khả năng của một đứa trẻ 10 tuổi.

Nhưng cái mơ ước đó chưa bao giờ tắt. Chính nó thôi thúc tôi vươn lên không ngừng. Nhờ ba mẹ tôi tiến bộ, chịu cho con ăn học, vượt xa suy nghĩ của nhiều người trong dòng họ và ở nông thôn thời bấy giờ, nên tôi được động viên và tạo điều kiện để học tập. Năm tôi 13 tuổi, tôi đang học lớp 7, thấy kinh tế gia đình quá khó khăn, sợ không lo nổi việc học của các con, ba mẹ tôi đã chuyển nhà đến một vùng đất mới với hy vọng “dễ sống” hơn. Có lẽ đó là một quyết định có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời anh em chúng tôi.


Theo tác gi, gii tr hãy chăm đc sách nhiu hơn vì biết đâu, các em có đưc mt cuc sng tt đp hơn nh vào mt cun sách nào đó (nh minh ha). Ảnh: H.Trinh

Nhưng về nghề nghiệp, tôi đã tự quyết định cuộc đời mình, chính bằng mơ ước thời niên thiếu. Từ năm học lớp 10, tôi đã chọn cho mình con đường viết lách, để có thể thực hiện được ước mơ kia. Vì vậy, tôi quyết tâm thi vào ngành báo chí, vốn bấy giờ còn khá mới mẻ, chứ chưa “hot” như sau này. Ở lớp, ở trường, tôi hay xung phong làm các tờ báo tường, báo tập và hình như những điều đó càng hun đúc tôi đi theo nghề báo. Tôi hay vào thư viện trường mượn các sách viết về báo chí, về nghề báo để hiểu thêm về công việc này, khiến không ít bạn cười khì: chọn cái nghề gì lạ quá, chưa ai từng theo học. Nhưng các bạn làm sao biết được, dù ở một vùng nông thôn hẻo lánh, người ta vẫn có quyền mơ ước về một nghề gắn bó với chữ nghĩa.

Tốt nghiệp đại học (là người đầu tiên của dòng họ), tôi ở lại thành phố, trải qua nhiều công việc liên quan đến chữ nghĩa, viết lách, có lúc làm phóng viên một tờ báo ngành, có lúc làm việc cho bản tin quận hay công tác ở một tờ tạp chí chuyên ngành; tôi vẫn luôn đồng thời cộng tác với nhiều tờ báo và thực sự sống bằng nghề viết. Tôi cũng tập tành viết văn nhưng chỉ mới có vài truyện ngắn được đăng báo. Mơ ước thì còn đó nhưng thành công thì chưa bởi tôi tự hiểu năng lực mình có hạn, chữ nghĩa chỉ võ vẽ đôi chút, lòng dặn lòng còn phải học nhiều. Hy vọng, về già, sau khi tích lũy đủ “lượng” thì sẽ thay đổi về “chất”! Rồi tôi cũng có thể được gọi là nhà văn…

Sau này, có dịp tìm hiểu, tôi biết Mạnh Phú Tư (1913-1959), tên thật là Phạm Văn Thứ, là nhà văn hiện thực nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám, với các tác phẩm tiêu biểu như “Làm lẽ”, “Gây dựng”, “Nhạt tình”, “Một thiếu niên”, “Người vợ già”… Tiểu thuyết “Sống nhờ” xuất bản năm 1942, gần như là một tự truyện, hình như kể lại một cách trung thực về chính cuộc đời của nhà văn: mồ côi cha từ trong bụng mẹ, 6 tuổi, mẹ ông tái giá và vài năm sau, bà qua đời. Suốt quãng đời niên thiếu, ông phải “sống nhờ”, lúc với bà nội, khi với bà ngoại, hoặc các chú, các cậu. Bị ngược đãi, đối xử tàn tệ, trong ông sớm có sự phản kháng với khao khát đòi tự do. Tinh thần ấy đã thể hiện rõ trong cuộc sống, trong những trang viết và cả trong hoạt động cách mạng của ông, phản ánh sự vươn lên mãnh liệt của ông. Mạnh Phú Tư cũng là một nhà báo, hoạt động tích cực cả trước và sau năm 1945. Suốt đời tôi biết ơn Mạnh Phú Tư và tác phẩm “Sống nhờ” của ông. Vì nhờ đó, tôi đã vượt lên được chính mình để tự tin rằng mình đang sống vui và sống có ích với chút chữ nghĩa của mình.

Viết lại chuyện này, tôi hy vọng các bạn trẻ chăm đọc sách nhiều hơn vì biết đâu, các bạn có thể tìm thấy “cuốn sách của cuộc đời” và có được một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ vào một cuốn sách nào đó. Và, dù mạng internet đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến văn hóa đọc nhưng đọc sách vẫn là một biểu hiện văn hóa có nét rất riêng, gần như chưa thể thay thế được!

Trúc Minh

Bình luận (0)