Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH đang bị… bỏ trôi

Tạp Chí Giáo Dục

Đưa NCKH vào chỉ tiêu đánh giá thi đua là giải pháp đẩy mạnh hoạt động NCKH ở các trường ĐH

Thực tế hiện nay ở các trường ĐH, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) gần như không có một ràng buộc nào đối với cán bộ giảng viên (GV). GV NCKH hay không tùy thuộc vào tinh thần tự giác của họ và hoàn thành việc giảng dạy được coi như hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí có GV nhiều năm liền không có bài báo NCKH nào vẫn đạt lao động tiên tiến và danh hiệu thi đua khác. Có không ít GV rất có khả năng NCKH lúc đầu tự nhủ sẽ kiếm tiền kha khá, đủ cho cuộc sống rồi sẽ quay lại làm NCKH. Nhưng rồi cơn “cuồng phong kiếm tiền” đã kéo họ ra xa… và việc NCKH dần đi vào quên lãng.
Giảng viên chưa thể sống được nhờ NCKH
PGS.TS. Ngô Minh Oanh (Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) ước tính: “Kinh phí phục vụ cho NCKH còn quá ít, không đủ để thực hiện một đề tài, chưa kể là phải có một khoản thù lao cho người nghiên cứu. Hiện nay, kinh phí NCKH của trường do Bộ cấp vào khoảng vài trăm triệu, để chia đều cho các đề tài nghiên cứu thì quá ít ỏi. Các khoản chi phí bảo vệ, đi lại đều do chủ đề tài tự lo liệu. Với nguồn kinh phí như vậy, các chủ đề tài phải “liệu cơm gắp mắm”. Kinh phí trở thành một nguồn hỗ trợ rất nhỏ so với công sức mà GV bỏ ra để NCKH. Kinh phí như vậy cũng chẳng thấm tháp gì so với thù lao giảng dạy ở các trường dân lập. Trong khi các trường CĐ, ĐH, phổ thông dân lập được mở ra ngày càng nhiều và họ cũng dùng thù lao giảng dạy để thu hút đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi”. Thầy Oanh còn nhận định, hiện GV chưa thể sống được nhờ NCKH. Với đồng lương eo hẹp như hiện nay, GV không thể không cân nhắc về hiệu quả kinh tế của NCKH và giảng dạy ở các trường dân lập, mà đội ngũ “đánh thuê” của Trường ĐH Sư phạm lại rất được các trường ngoài ưa chuộng do vừa có nghiệp vụ sư phạm lại vừa có trách nhiệm trong giảng dạy…
Như chúng ta đã biết, giảng dạy và NCKH được coi là hai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo ở các trường ĐH. TS. Trần Thị Hương (khoa Tâm lý Giáo dục) nhấn mạnh: “Khác với giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH phải đảm bảo trang bị cho sinh viên (SV) kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên môn hoàn chỉnh, có năng lực vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Vì vậy, GV không chỉ có năng lực giảng dạy mà còn phải có năng lực nghiên cứu khoa học”. Thực tế, đội ngũ GV của trường đông nhưng số cán bộ khoa học có trình độ cao không nhiều. Hoạt động NCKH của đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện nay vẫn chưa đều khắp và chưa trở thành tính tự giác. GV vẫn xem nặng việc truyền thụ kiến thức hơn là làm giàu thêm kiến thức cho mình. Tỷ lệ SV trên một GV của trường tương đối cao. Do vậy, hoạt động đào tạo trở nên quá tải. GV chủ yếu lên lớp dạy, ít có thời gian để NCKH. Đừng viện cớ rằng cơ sở vật chất còn kém, đồng lương còn khiêm tốn mà không nỗ lực trong công tác đào tạo và NCKH. Cần nhìn thẳng vào sự thật là mình không thể hoàn thành công tác đào tạo có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi không hề tự bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ”.
Lấy NCKH làm chuẩn
Tại Việt Nam, một số trường ĐH đã tập trung xây dựng định hướng phát triển thương hiệu trên cơ sở lấy NCKH làm then chốt trong hoạch định nâng cao chất lượng đào tạo. Trường ĐH Lạc Hồng là một điển hình với chủ trương không tổ chức làm luận văn tốt nghiệp để tránh sao chép lại những vấn đề đã được giải quyết. SV khá giỏi bắt buộc phải tham gia NCKH. Các đề tài phải mang tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng. Với GV, nếu GV cơ hữu không có công trình NCKH sẽ không được đứng lớp giảng dạy. Trường còn khuyến khích GV NCKH bằng việc miễn các tiết dạy nghĩa vụ, hỗ trợ kinh phí học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước… cho GV có tham gia nghiên cứu tốt.
Giải pháp chung mà nhiều thầy cô Trường ĐH Sư phạm đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động NCKH là đưa NCKH vào chỉ tiêu thi đua và phân loại công chức. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Tưởng Phi Ngọ (GV khoa Lịch sử) thì cái chính vẫn là khuyến khích tinh thần tự giác của GV, tăng cường khen thưởng thay vì bắt buộc để tránh tình trạng NCKH một cách đối phó. PGS.TS. Ngô Minh Oanh cũng đề xuất: “Trường nên quy định lại số giờ chuẩn theo hướng giảm bớt để cán bộ giảng dạy có thời gian tham gia NCKH. Có thể cho GV có kế hoạch dành hẳn 1-2 tháng trong năm để chuyên tâm vào việc nghiên cứu. Ngoài kinh phí Nhà nước cấp, trường cũng nên khuyến khích hay giúp các GV tìm thêm nguồn kinh phí phục vụ NCKH. Phải tạo điều kiện để cán bộ giảng dạy có thể “sống” được bằng NCKH”. TS. Trần Thị Hương (khoa Tâm lý Giáo dục) cũng đồng quan điểm: “Trường nên áp dụng cách tính định mức giờ chuẩn cho các hoạt động NCKH và thanh toán kinh phí thỏa đáng cho các định mức này. Từ đó, cần đưa tiêu chí NCKH vào nội dung đánh giá, bình xét thi đua hàng năm một cách cụ thể. Cách đánh giá hiện nay còn chung chung, chưa phân định được mức độ đóng góp của các GV. Chẳng hạn, GV chỉ cần hướng dẫn vài đề tài NCKH của SV nhưng vẫn được đánh giá ngang bằng GV có đề tài NCKH cấp Bộ”. PGS.TS. Lê Văn Tiến (Phó trưởng Phòng đào tạo) đề cập đến lợi ích của hợp tác quốc tế trong đẩy mạnh NCKH: “Một dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế về khoa học giáo dục thường đòi hỏi một nguồn tài chính khá lớn. Hiện nay, nguồn tài chính này thường được tài trợ hoàn toàn từ đối tác nước ngoài. Đó là sự hợp tác thiếu bình đẳng. Để mô hình hợp tác thực sự hiệu quả và bền vững, chúng ta không chỉ cố gắng khai thác tối đa tài trợ của nước ngoài mà cần một quan niệm đúng đắn về hợp tác quốc tế. Đó phải là sự hợp tác bình đẳng trên cả phương diện khoa học và tài chính. Chúng ta phải chia sẻ với đối tác nước ngoài không chỉ kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu mà còn cả nghĩa vụ đóng góp tài chính. Kinh phí đóng góp này có thể lấy từ nguồn kinh phí của trường hoặc khai thác từ các dự án của Bộ GD-ĐT, của chính phủ… Ông Tiến còn chú trọng: “Nhiều dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế nảy sinh nhờ vào mối quan hệ cá nhân. Vậy, cần khuyến khích những người làm nghiên cứu của trường tận dụng những mối quan hệ cá nhân với các đồng nghiệp nước ngoài để hình thành các dự án hợp tác NCKH quốc tế”.
MÊ TÂM
Trong giai đoạn 2003-2008, trường đã tiến hành nghiệm thu 90/234 đề tài đăng ký (gồm 27 đề tài cấp Bộ và 63 đề tài cấp cơ sở) xoay quanh các vấn đề: học sinh bỏ học, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học… Trong số 90 đề tài này có 75 đề tài đoạt loại tốt, 13 đề tài loại khá và 2 đề tài đạt yêu cầu.

Bình luận (0)