Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lại tiếp diễn trò mượn danh nghệ sĩ để lừa bịp

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thông tin ca sĩ Mỹ Tâm và Phan Mạnh Quỳnh sẽ tổ chức đêm nhạc tại Đà Lạt vào ngày 25/4 rộ lên, khán giả nhanh chóng tìm kiếm vé mới hay sự kiện này chỉ là một trò lừa bịp.

Trang Facebook “Đà Lạt sắc màu” bất ngờ đăng tải thông tin sẽ tổ chức đêm nhạc có sự tham gia của ca sĩ Mỹ Tâm. Trên hình ảnh được thiết kế riêng để quảng bá cho chương trình còn có sự xuất hiện của 2 MC và nam nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh.

Đơn vị tổ chức đêm nhạc tung thông tin sẽ có ca sĩ Mỹ Tâm. Dòng thông báo này đã được xóa (ảnh chụp màn hình)

Đơn vị tổ chức đêm nhạc tung thông tin sẽ có ca sĩ Mỹ Tâm. Dòng thông báo này đã được xóa. Ảnh: Chụp màn hình

Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu người đại diện của ca sĩ Mỹ Tâm không khẳng định nữ ca sĩ không tham gia đêm nhạc này, mong khán giả để ý, tránh bị lừa. Bên dưới bài đăng, một số tài khoản cho biết họ đã nhắn tin đến đơn vị tổ chức để hỏi vé và nhận về câu trả lời y như thật rằng “lượng tin nhắn đang quá tải”, “vé được mở bán từ 13/4”, “để lại số điện thoại để nhân viên liên hệ tư vấn”…

Việc ca sĩ Mỹ Tâm bị “mượn” hình ảnh để quảng bá cho một đêm nhạc mà cô không tham gia chẳng phải là chuyện mới với chính nữ ca sĩ. Nhiều giọng ca khác trong nước cũng từng vướng tình cảnh tương tự. Trước đây, không ít lần, ca sĩ Đức Phúc, Erik, Trúc Nhân… đã lên tiếng khi bị ban tổ chức lợi dụng hình ảnh để bán vé cho các đêm nhạc.

Mục đích và hành động của các nhóm này khá giống nhau – dùng hình ảnh ca sĩ để thu hút sự chú ý của khán giả nhằm bán được nhiều vé. Cho đến khi bị ca sĩ hoặc người đại diện ca sĩ phản ứng, các nhóm này lẳng lặng xóa hình ảnh trước đó, xem như chưa có chuyện gì xảy ra; rất hiếm đơn vị nào công khai xin lỗi khán giả và nghệ sĩ về hành động “xài chùa” hình ảnh kém văn minh, nói thẳng ra là vi phạm pháp luật. Ở sự vụ mới nhất liên quan đến ca sĩ Mỹ tâm, chỉ thời gian ngắn sau khi bị tố cáo, thông tin đêm nhạc của nữ ca sĩ vào 25/4 nhanh chóng biến mất trên trang “Đà Lạt sắc màu”, mọi chuyện chớp nhoáng như chưa có gì.

Sau mỗi vụ ồn ào, điều khán giả mong muốn là trong tương lai, không có thêm vụ việc nào tương tự xảy ra để tránh gây mất lòng tin, hoang mang từ công chúng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại, hết vụ lừa bịp này đến hành động dối trá khác liên quan việc “xài chùa” hình ảnh nghệ sĩ vẫn tiếp tục xảy ra. Cho đến nay, cách mà đa phần các “nạn nhân” thực hiện để bảo vệ mình và khán giả là lên tiếng trên trang cá nhân. Đây là một trong những cách làm hiệu quả vì nếu nghệ sĩ sớm tận dụng sức ảnh hưởng của bản thân, thông qua các tài khoản mạng xã hội, báo chí để thông báo sự vụ thì một bộ phận khán giả sẽ dễ tiếp cận được thông tin chính xác, không bị lừa về tiền bạc.

Tuy nhiên, thông báo qua mạng xã hội chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ có thể dùng để “dập” nhanh các vụ việc. Còn xa hơn, nghệ sĩ Việt nên mạnh tay, đưa các vụ việc sai phạm, gây ảnh hưởng đến chính hình ảnh, quyền lợi của mình ra pháp luật, không dung thứ cho hành vi sai trái bởi nếu cứ im lặng, tình trạng sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Theo Khánh An/PNO

 

Bình luận (0)