Thanh toán tiền mua hàng ở Trung tâm thương mại Zen Plaza, chị Thanh Xuân đỏ cả mặt khi cô nhân viên gửi trả lại tờ 50.000 đồng với lý do đã có lệnh từ trên từ chối tiền bị sờn.
Rõ ràng, tờ tiền polymer 50.000 đồng mà chị Xuân thanh toán chỉ hơi sờn vài vạch ở giữa, chứ không mờ cả hình ảnh, chữ số như các tờ 10.000, 20.000 đồng. Tuy nhiên cô nhân viên bán hàng vẫn từ chối nhận: "Nhân viên đã có lệnh từ trên là không nhận tiền hơi cũ".
Nhiều người tiêu dùng ở TP HCM cũng bị tình trạng như chị Xuân. Nếu cả năm nay tờ 200 đồng luôn bị người bán hàng từ chối giao dịch vì mệnh giá quá nhỏ, thì nay đến lượt các tờ tiền polymer sờn, cũ không được chấp nhận. Trong khi đó, hiện chất lượng tiền polymer quá kém nên dễ bị nhòe, rách, nhàu nát.
Một ngày cửa hàng trái cây, nước giải khát của chị Thu, quận Gò Vấp, thu về rất nhiều tờ tiền mệnh giá nhỏ, từ 10.000 đến 20.000 đồng. Tuy nhiên, chị cho biết, chất lượng những đồng tiền này ngày một xuống cấp trầm trọng khi các chữ số cũng như ảnh nhòa đi. Tờ tiền không còn độ bóng loáng, thay vào đó là mềm ra, nhàu nát và có dấu của việc bị gấp nhiều lần.
Khá bức xúc, chị Thu bày tỏ, "những đồng tiền kém chất lượng này do khách trả, nhưng khi hoàn lại tiền dư cho người khác thì bị từ chối thẳng thừng". Những lúc đông khách, không kiểm tra kỹ nên chị thường nhận những loại tiền xuống sắc. Kết quả, chị phải "ôm" những đồng tiền này.
Những đồng tiền polymer xuống sắc chủ yếu rơi vào mệnh giá nhỏ, 10.000 đồng, 20.000 đồng. Ảnh: B.H. |
Những sản phẩm kém chất lượng này rơi vào những đồng polymer 10.000 đồng và 20.000 đồng, hiếm hoi loại mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng. Theo chủ cửa hàng Phú An Sinh, chợ Bà Chiểu, lượng lưu thông những đồng tiền mệnh giá nhỏ rất thường xuyên, người tiêu dùng lại không "nâng niu" như tờ 50.000 đồng trở lên. Với chu kỳ trao tay lớn, chất lượng tờ tiền theo đó cũng nhanh chóng giảm tuổi thọ. Đến nay, sự xuống cấp đã biểu hiện rõ và lan rộng.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh, những tờ tiền polymer cũ, sờn, lem, nhòe người dân có thể đem đến các Ngân hàng thương mại, sẽ được đổi miễn phí.
Ông Hạnh cho biết thêm, nếu là những nguyên nhân khách quan trong quá trình lưu thông hoặc in, đúc có vấn đề, biểu hiện cụ thể ở việc tờ tiền xuống sắc, hoa văn, chữ số, hình ảnh nhòa đi… thì khách hàng sẽ không bị thu phí khi đổi tiền. Riêng trường hợp hư hỏng xuất phát từ hành vi cố ý (đốt, biến dạng do hóa chất…) thì người đổi phải chịu 4% trên số tiền đổi nhưng không thấp hơn 2.000 đồng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại TP HCM: "Khi quy định này đi đến các chi nhánh, các phòng giao dịch cũng đã ít nhiều thay đổi. Việc phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông khiến các nhân viên ngân hàng lúng túng".
Không ít phòng giao dịch, sau khi đổi cho khách 100 tờ tiền miễn phí nhưng khi đem về hội sở có 10 tờ bị loại và họ phải chịu phí để được đổi số tiền này, thậm chí một số tờ tiền phải mang bỏ vào kho vì không thể lưu thông được. Vì thế, tại một số phòng giao dịch, nhân viên cũng không mấy mặn mà đối với việc đổi chác.
Ngoài ra, tiền mệnh giá nhỏ 10.000 đồng, 20.000 đồng thường được lưu thông nhiều trên thị trường nên tình trạng sờn, hư, cũ, rách rất hay thường gặp, trong khi tại các ngân hàng thương mại, lượng tiền mệnh giá nhỏ là có hạn. Không phải nhà băng lúc nào cũng có đủ số lượng tiền để đổi khi khách hàng có nhu cầu, do đó không thể đổi tiền mới cho khách.
Tần Vy – Bạch Hường (Theo VNE)
Bình luận (0)